15 thg 3, 2016

Nhà thờ Hạnh Thông Tây với kiến trúc cực hiếm

Con đường Quang Trung, Gò Vấp đi ngang nhà thờ Hạnh Thông Tây xưa vắng tanh nay đã thành con đường huyết mạch đông đúc. Mỗi khi dừng đèn đỏ, người đi đường không thể không ngoái nhìn vào nhà thờ, nơi một khoảng không gian thanh bình, xanh mát với kiến trúc đẹp lạ nổi bật.

Xứ đạo Hạnh Thông Tây có từ năm 1861 do Giám mục Puginier gầy dựng. Lúc ấy nơi đây là khu vực ngoại thành khá xa TP, dân cư thưa thớt, gần với nghĩa địa nên rất vắng vẻ, giáo dân thưa thớt, phần đông là người nghèo. Vì vậy trải qua mấy chục năm mà nhà thờ chỉ được xây đơn giản, nhỏ hẹp vì không có kinh phí.


Chiếc túi bí ẩn đeo trên tượng thánh Giuse

Đến năm 1921, linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức đến làm cha sở ở đây, cám cảnh trước việc nhà thờ xuống cấp, ông đã trình với hội đồng và viết vào một tờ giấy với đại ý mong thánh Giuse giúp xây dựng lại nhà thờ, rồi bỏ tờ giấy vào chiếc túi đeo lên tượng thánh Giuse.

Vào tháng sau, có một chiếc xe hơi sang trọng chạy ngang qua, người đàn ông ngồi trong xe thấy có nhà thờ ở nơi heo hút này nên lệnh cho tài xế cho xe quay lại để ông vào dự lễ. Nhìn thấy tượng thánh Giuse đeo chiếc túi rất lạ nên ông hỏi chuyện cha sở, xin phép được đọc nội dung bên trong rồi ra về.

Ít ngày sau, người đàn ông ấy quay lại thưa chuyện với cha sở, xin phép được bỏ một số tiền lớn ra không phải tu sửa lại nhà thờ mà xây hẳn một ngôi nhà thờ mới, to và đẹp hơn. Người đàn ông ấy là Denis Lê Phát An, cậu của Nam Phương hoàng hậu, con trai ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sĩ, tương truyền là người giàu nhất Việt Nam lúc đó, đứng đầu nhóm bốn người “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Cương, tứ Bưởi”). Ông An được ông Huyện Sĩ giao cho cai quản một khu đất rộng lớn ở khu vực Gò Vấp và nhờ vậy ông mới biết đến nhà thờ Hạnh Thông Tây.


Do thánh bổn mạng của nhà thờ vốn là thánh Giuse, còn ông Lê Phát An có thánh bổn mạng là thánh Denis, nên giáo xứ quyết định xây tượng thánh Denis ở ngay trước nhà thờ, phía trên cửa vào, còn tượng thánh Giuse được xây trên đài ở cùng Đức mẹ Maria chếch hai bên phía trước, như vậy nhà thờ có tới hai vị thánh bổn mạng.

Tuy nhiên, điều khó xử nhất là ông An có nguyện vọng được cùng vợ chôn cất trong nhà thờ sau khi chết. Vấn đề ở đây là phép tắc xưa nay chỉ có giám mục mới được mai táng trong nhà thờ, ngay cả linh mục cũng không được phép, huống chi con chiên. Vì vậy cha sở phải trình lên Tòa Giám mục xin ý kiến. Sau khi cân nhắc, Tòa Giám mục đã cho phép, mục đích nhằm khuyến khích những người có tâm bỏ tiền xây dựng nhà thờ. Ông An đã tế nhị cho kiến trúc sư thiết kế hai cái chái trong nhà thờ để mộ hai vợ chồng đặt nơi đó. Do khép mình trong chái nên nếu mới đặt chân vào nhà thờ thì không thể nhìn thấy hai ngôi mộ này.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây nhìn từ chính diện. Ảnh: P.T.G

Một công trình kiến trúc đẹp và hiếm

Hai nhà thầu Baader và Lamorte được ông An thuê để thiết kế và xây dựng. Thay vì thiết kế theo phong cách Gothic và Roman khá phổ biến như nhiều nhà thờ khác, họ đã chọn thiết kế theo phong cách Byzantine mô phỏng theo Vương cung thánh đường Vitale ở TP Ravenna của Ý. Chính điều này đã khiến nhà thờ Hạnh Thông Tây trở thành nhà thờ có phong cách kiến trúc cực kỳ hiếm và độc đáo tại Sài Gòn cũng như ở Việt Nam. Phong cách Byzantine là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm và dùng nhiều ô cửa kính để lấy ánh sáng từ mái vòm. Trang trí nội thất sử dụng tranh ghép từ đá, gạch thay vì chạm trổ điêu khắc thông thường.

Nếu nhìn từ trên cao xuống, nhà thờ hao hao một cây thánh giá do có hai chái nhô ra, bên ngoài thiết kế thanh tú, giản dị nhưng bên trong rất cầu kỳ do thiết kế bằng đá và gỗ quý. Mái vòm cung được ghép từ các phù điêu hoa văn hình vuông, hàng cột họa tiết tinh xảo được kết nối bởi những chiếc quạt trần cổ. Xen lẫn giữa các ô cửa sổ kính màu là những bức phù điêu được thếp vàng kể lại từng chặng đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã trải qua. Ba bàn thờ trên cung thánh đều được điêu khắc tỉ mỉ từ loại đá cẩm thạch vàng. Toàn bộ mảng tường được trang trí bằng tranh ghép đá Mosaic. Trong đó nổi bật là bức tranh ghép trên mái vòm thể hiện Chúa Giêsu đang hấp hối. Cha chánh xứ Giuse Phạm Đức Tuấn kể lại: Những bức tranh ghép này ngày xưa có một thời gian bị xuống cấp, do nhà thờ không có kinh phí nên các ông trùm đã cố gắng tự tu sửa, dẫn đến nhiều chỗ tranh không được như tranh gốc. Sau này nhà thờ phải nhờ Trường ĐH Mỹ thuật giúp phục chế và nhờ vậy trả lại vẻ đẹp như nguyên bản.

Tháp chuông nhà thờ phía dưới được ghép bằng đá tảng trông rất vững chãi, phía trên cao vút lên với tháp nhọn và đặt ba quả chuông tạo thành hợp âm được hãng đúc chuông nổi tiếng Paccard của Pháp đúc vào năm 1925. Ban đầu tháp chuông cao hơn 30 m nhưng vì khu vực này nằm trên đường bay của sân bay quân sự Tân Sơn Nhất, có nhiều máy bay quân sự cất hay hạ cánh nên cuối năm 1953, Hàng không Đông Dương đã xin Đức Giám Mục J. Cassaigne cho hạ thấp tháp chuông nhà thờ Hạnh Thông Tây để đảm bảo an toàn, tháp chuông vì thế bị phá bỏ phần chóp, trở nên bằng phẳng như ngày nay và chỉ còn cao 20 m.

Tượng chồng bên mộ vợ...

Để chuẩn bị cho việc mai táng trong nhà thờ sau khi mất, ông An đã thuê hai kiến trúc sư và điêu khắc gia người Pháp là A.Contenay và Paul Ducuing thiết kế mộ và tạc tượng, cần nói thêm Ducuing là người đã đúc pho tượng đồng của vua Khải Định, đặt tại lăng Khải Định trước đó.

Điều đặc biệt khác lạ là mộ vợ chồng ông An không nằm cạnh nhau, mà nằm đối diện nhau ở hai chái, mỗi ngôi mộ đều có tượng nhưng tượng ông An được đặt trên mộ vợ và ngược lại, thể hiện sự gắn bó với người phối ngẫu. Mộ làm bằng đá hoa cương còn hai pho tượng làm bằng đá cẩm thạch. Bức tượng mô tả ông An trong áo dài khăn xếp, đeo kính quỳ gối, nét mặt thành kính chắp tay như cầu nguyện và đang trò chuyện với vợ. Trong khi đó tượng bà Trần Thị Thơ mặc áo dài, tóc búi phía sau, đeo dây chuyền cẩm thạch, hai tay cầm hai cành huệ ôm choàng lên ngôi mộ chồng, đầu cúi xuống lộ vẻ tiếc thương vô hạn. Từ những đường nét trên đá, từ nếp áo, bông tai hay chiếc hài, cả những hoa văn thêu trên gối… đều được thiết kế tỉ mỉ và cực kỳ tinh xảo.

Do được tạo ra bởi một nhà điêu khắc tài hoa của Pháp nên dù tạc từ đá song hai pho tượng trông vẫn rất sống động. Mộ và tượng được thực hiện theo phong cách thời Phục hưng, dù vậy hoàn toàn cảm nhận được sự pha trộn khéo léo giữa vẻ đẹp châu Âu với nét Á Đông truyền thống.


Nỗi lo giáo dân đông 

Dân số gia tăng, áp lực dân số không chỉ đè nặng lên môi trường, đô thị, đường sá, giáo dục… mà còn áp lực lên cả nhà thờ. So với khởi điểm, khuôn viên nhà thờ Hạnh Thông Tây đã hẹp đi gấp 6-7 lần, nguyên do thời chiến tranh bom đạn ác liệt, giáo dân chạy loạn về nhiều, nhà thờ lấy đất cấp cho họ ở nên diện tích từ 10 mẫu giờ chỉ còn hơn một mẫu. Nhà thờ nhỏ trong khi giáo dân đã tăng lên đến 10.000 người khiến không có đủ chỗ tham dự thánh lễ. Mặc dù giáo xứ đã xây thêm nhà sinh hoạt, tăng các thánh lễ trong tuần và Chủ nhật nhưng nhà thờ vẫn phải dựng thêm nhiều khung bạt để có thêm chỗ. Những vật dụng này mặt nào đó cũng cản trở tầm nhìn, khiến mỹ quan phối cảnh của nhà thờ không còn được thoáng đẹp như xưa. Dù vậy giáo xứ vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục. 

Giáo xứ Hạnh Thông Tây đã kỷ niệm 150 năm thành lập, sắp đón năm thứ 100 ngày xây dựng nhà thờ trong bối cảnh nỗi lo ngày càng khó đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và đi lễ của giáo dân một cách chu đáo, mà thời buổi này hơi hiếm có lại được những ông Lê Phát An khác.




PHẠM TRƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét