9 thg 3, 2016

Đặc sản cá niên An Lão

Cá niên không quá xa lạ đối với người dân miền Trung - Tây nguyên. 

Cá có hình dáng hơi giống cá diếc nhưng thân mình thon thả hơn, khi trưởng thành to bằng 3 ngón tay người lớn ghép lại, dài khoảng một gang tay. Loài cá này có màu ánh bạc và phần vây pha chút màu vàng nhạt óng ánh, vi đỏ quanh mồm mọc nhiều hạt trắng tròn.
Cá niên có tập tính sống thành bầy đàn ở những vùng nước chảy xiết, nước thác, trong những ghềnh đá, nhất là các con thác có bọt tung trắng xóa. Nói không ngoa thì cá niên là một loại cá đặc biệt vì chúng luôn bơi ngược dòng nước nên xương rất cứng, cá ngon và béo. 

Thịt cá niên trắng thơm, không có mùi tanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng, có nhiều xương hom, ruột cá rất đắng. Loài cá này chỉ ăn rêu, rong tảo và con bọ bám trên gờ đá nên ruột không độc, là phần được chuộng nhất - Ảnh: Tiến Huy 


Thịt cá niên trắng thơm, không có mùi tanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng, có nhiều xương hom, ruột cá rất đắng. Loài cá này chỉ ăn rêu, rong tảo và con bọ bám trên gờ đá nên ruột không độc, là phần được chuộng nhất. 

Cá niên thường xuất hiện nhiều vào mùa hè và mùa xuân. Để săn được cá không phải chuyện đơn giản. Cá bơi rất nhanh, người câu cá phải ngâm mình dưới nước, cần câu phải nằm dọc theo mặt nước và liên tục co duỗi tay theo chiều nước chảy; hoặc dùng lưới vây kín mặt suối thì mới mong bắt được vài con cho một lần quăng lưới. 

Cá niên sống nhiều ở vùng cao như Ba Tơ (Quảng Ngãi), Quảng Nam, Gia Lai... tuy phổ biến nhưng không phải cá ở đâu vị cũng hoàn toàn giống nhau. Theo nhận xét của những người đã từng đến nhiều nơi và thưởng thức thì cá niên ở vùng núi An Lão (Bình Định) có vị béo vừa, thịt cá có màu trắng đục và ăn ngon hơn so với những nơi khác, có lẽ vì nơi đây có nhiều thác nước mạnh nên thịt của cá cũng khác đi. 

Đặc biệt ở An Lão còn có một loại rau luôn đi kèm khi ăn với cá niên, đó là rau dớn, cùng họ với dương xỉ nhưng có màu xanh thẫm, khá giòn và có dòng nhựa xanh trong. Người ta thường hay gọi loại rau này là “mực núi” vì những cọng rau dớn trông giống râu con mực, ăn rất ngon. 

Những ngày lễ tết hay mỗi khi có khách quý, người địa phương thường chọn cá niên làm món đãi khách. Cá nướng, kho nghệ hay hấp, làm gỏi đều ngon, nhưng cách chế biến thích hợp nhất vẫn là nướng. 

Cá để nguyên con, rửa sạch, mổ ruột. Người ta vót mỏng cật tre rừng xuyên qua mình cá theo chiều dọc và nướng trên bếp than hồng, đến khi cá chín vàng, có mùi thơm lừng thì dùng tay gỡ cá chấm với muối ớt, ăn kèm thêm rau dớn nữa thì đúng điệu để thưởng thức.
Hiện nay, do tình trạng khai thác quá mức nên cá niên khan hiếm dần, vì thế cần có những biện pháp đánh bắt, khai thác hợp lý hơn. 

Tiến Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét