22 thg 3, 2016

Nhà chùa giúp tiền xây... nhà thờ cha Tam

Người Hoa có cộng đồng khá đông ở vùng Chợ Lớn tại Sài Gòn. Đã có những nhà thờ từng được dựng lên để phục vụ cho cộng đồng Công giáo người Hoa tại Sài Gòn mà chúng tôi muốn giới thiệu, đó là nhà thờ Cha Tam (25 Học Lạc, quận 5) và nhà thờ Đức Bà Hòa Bình (26A Nguyễn Thái Bình, quận 1).

Xung quanh cuộc sống sôi động của Sài Gòn, ẩn nấp trong những con phố cổ kính là ngôi nhà thờ của cộng đồng người Hoa. Kiến trúc những ngôi nhà thờ này mang một nét riêng biệt, là sự giao thoa giữa kiến trúc Công giáo với người Hoa và Việt Nam.

Giúp cha Tam xây nhà thờ

Năm 1866, thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Đô đốc Lagrandière khi đi qua ngôi nhà thờ đầu tiên của người Hoa ở Chợ Lớn thấy quá nhỏ và cũ kỹ do cải tạo từ nhà bình thường nên đã lệnh cho Sở Công trình công cộng dùng ngân quỹ Sài Gòn xây một nhà thờ mới lớn hơn gần đó ở đường Cây Mai (nay là trụ sở báo SGGP).

Trong mấy chục năm phát triển, số giáo dân Hoa và Việt ở đây luôn biến động. Thông thường khi lễ bằng tiếng Latinh xong, giáo dân người Hoa đọc kinh tiếng Hoa ở nhà thờ, giáo dân Việt đọc kinh tiếng Việt ở nhà hội, rồi đến lúc giáo dân Việt đông hơn nên vào đọc kinh trong nhà thờ, giáo dân Hoa ra đọc kinh ở nhà hội.

Nhận thấy sự bất tiện về mặt ngôn ngữ này, đồng thời thấy giáo dân Hoa suy giảm nên năm 1898, Giám mục Dépierre đã cử linh mục Phanxicô Xaviê Pierre d’ Assou (tên theo phiên âm Quan Thoại là Đàm Á Tố, hay Tam Assou, còn gọi tắt là cha Tam) vốn giỏi tiếng Hoa, vào vùng Chợ Lớn khôi phục lại và xây một nhà thờ mới dành riêng cho người Hoa.

Cha Tam đã tìm được một khu vườn dừa rộng 3 ha rất đẹp ở ngay trung tâm Chợ Lớn, địa thế đẹp nhưng gặp khó khăn là đất này do 10 Hoa kiều hùn lại mua làm nhà hội để nghỉ ngơi, giải trí… và bỏ hoang đã 20 năm, nếu mua thì phải có chữ ký của cả 10 người, mà họ đi làm ăn khắp nơi, có người về lại Trung Quốc, có người qua Singapore… Cha Tam đã cố gắng liên lạc được với chín người, còn người cuối cùng không thể tìm ra. May mắn là cả chín người đều khẳng định với cha Tam là người kia có thể đã chết nên mất liên lạc, cả chín người sẽ đứng ra đảm bảo và chịu trách nhiệm nếu người kia trở về.

Đất mua được nhưng không có tiền xây nhà thờ, do lượng giáo dân Hoa kiều quá ít, cha Tam đi vận động nhiều gia đình người Hoa khác không theo đạo, song vẫn chưa được nhiều. Cuối cùng cha Tam đã đi một nước cờ táo bạo, đó là cha đến gặp những người trụ trì, đứng đầu của toàn bộ 32 ngôi chùa và miếu của người Hoa tại Chợ Lớn lúc đó để đề nghị họ giúp đỡ, với lý do duy nhất: Phật giáo và Khổng giáo có chỗ đứng quá mạnh rồi, giờ nên giúp đỡ cho người Công giáo phát triển. Thật bất ngờ khi cha Tam nhận được sự đồng ý, người ta đã trích tiền bá tánh quyên góp xây chùa, tô tượng, đúc chuông… để giúp cha Tam xây nhà thờ.

Nhà thờ Cha Tam ẩn chứa triết học Trung Hoa trong kiến trúc phương Tây.

Triết học Trung Hoa hòa quyện trong kiến trúc phương Tây

Nhà thờ được xây lấy tên là Phanxicô Xaviê do cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày lễ thánh Phanxicô Xaviê 3-12-1900. Tuy nhiên, do cha Tam đã gần như “nhẵn mặt” với Hoa kiều Chợ Lớn trong thời gian ông đi vận động quyên góp xây nhà thờ nên không chỉ giáo dân mà người bình thường cũng vẫn gọi đây là nhà thờ Cha Tam dù đến nay hơn 100 năm, trên sổ sách giấy tờ cũng như bảng tên nhà thờ vẫn không thay đổi như lúc khánh thành là nhà thờ Phanxicô Xaviê.

Năm 1934 cha Tam qua đời, thi hài được chôn ngay cạnh cửa chính nhà thờ.

Việc xây dựng nhà thờ được giao cho cha phó xứ là Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng. Chính cha Hướng là người tự nghiên cứu và thiết kế nhà thờ chứ không thuê kiến trúc sư nào. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Gothic nhưng do dành cho người Hoa nên cha Hướng đã lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa Trung Hoa vào.

Đầu tiên, ngay khi bước vào, cổng nhà thờ thiết kế theo kiểu tam quan, tên nhà thờ viết bằng chữ Hán, mái có đầu đao, ngói âm dương nhưng thay vì đặt trang trí trên nóc theo kiểu lưỡng long chầu nguyệt… thì thánh giá được đặt ngay giữa và có hai con cá chép ở bên cạnh.

Trên nóc nhà thờ gắn hoa sen, ở cửa ra vào đều có liễn và viết chữ Hán. Trong giáo đường có bốn cột chính điện sơn son theo phong cách kiến trúc Trung Quốc, không có ở kiến trúc châu Âu. Giữa tượng Chúa Giêsu trên thập giá, hai bên là hai bức liễn sơn son thếp vàng, có câu đối:

Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện,
Thiên hương vĩnh phúc phương năng suy thiện tâm.

Tạm dịch ra:

Vinh hoa phù phiếm hư ảo không làm thỏa mãn ham muốn lòng người,
Ơn đức lâu dài thơm thảo của Thiên Chúa mới giúp suy ngẫm cái thiện.

Rất nhiều tài liệu người viết đã đọc trước đây về nhà thờ Cha Tam đều không biết đến một chi tiết đắt giá, đó là cha Hướng đã thiết kế ngoại thất nhà thờ mới nhìn tưởng theo kiểu kiến trúc Tây phương nhưng ẩn chứa trong đó giá trị triết học cổ Trung Hoa: Từ tầng dưới đi lên tầng trên có hai hành lang hai bên, tháp giữa vuông vức cửa sổ quay ra bốn hướng, tầng trên nữa xây bát giác với tám cửa sổ và mái trên cùng cũng chia thành tám mặt ứng với tám cửa sổ, toàn bộ kiến trúc này chính là quy tắc Âm Dương trong Kinh Dịch:

Tám cửa sổ với tám mái kết hợp ra 64 quẻ trong Kinh Dịch mà không phải ai cũng nhận ra.

Ở giữa sân, nơi tượng Đức Mẹ được đặt trong một lầu lục giác nên nếu nhìn từ xa và không để ý kỹ, người ta có thể dễ lầm tưởng đó là tượng… Phật bà Quan âm. Sau lưng tượng đức mẹ là hai bức phù điêu nhũ vàng, mô tả 107 thánh tử đạo người Việt và 110 thánh tử đạo người Hoa.

Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, người đã giữ chức vụ chánh xứ ở đây trong suốt 40 năm qua (còn lâu hơn cả cha Tam - chỉ 36 năm), cho biết trước đây tượng Đức Mẹ được đặt trong hòn non bộ ở góc sân gần nhà thờ, do khi làm lễ giáo dân bị chật chỗ nên quyết định phá bỏ non bộ và chuyển tượng ra phía trước, xây lớn hơn.

Cha quyết định dùng tượng theo phong cách châu Âu truyền thống chứ không dùng tượng theo phong cách Việt của La Vang (mặc áo dài) hay phong cách Trung Quốc (mặc áo người Hoa) vì trải qua hơn 100 năm, đến nay nhà thờ Cha Tam đã không còn dành riêng cho người Hoa nữa mà cả người Việt, thậm chí có lúc giáo dân người Việt còn đông hơn theo những biến động lịch sử và xã hội ở quận 5.

Nhà thờ Cha Tam còn được biết đến là nơi mà Tổng thống Ngô Đình Diệm và em trai Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện sau một đêm ẩn náu ở nhà thương gia Hoa kiều Mã Hỉ, trước khi bị lực lượng đảo chính đến đón đi và sát hại trong xe thiết giáp.

Nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình: Sửa lại từ ngôi từ đường của chú Hỏa

Chính diện nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình.

Năm 1952, cha sở Robert Lebat muốn phục vụ giáo dân người Hoa ở quận Nhất nên đã thuê một căn nhà ở đường Nguyễn Thái Bình (hiện nay) để làm nhà nguyện. Giá thuê và sau này đến năm 1958 mua đứt luôn đều rất rẻ vì đây vốn là nhà từ đường của Hoa kiều Hui Bon Hoa (hay còn gọi là chú Hỏa) do từ đường là nơi đặt bài vị, có khi cả hài cốt và thờ cúng người chết nên người kinh doanh hay để ở không ai muốn thuê hay mua cả.

Ngôi nhà được tu sửa lại, có xây cất thêm phía trên nhưng phần cơ bản vẫn giữ nguyên căn từ đường cũ, do xây cất bằng bê tông theo kiểu cũ nên móng khá yếu, công trình lại sát đường chỉ cách một khoảng sân nhỏ nên mỗi khi xe tải chạy qua nền nhà và các cửa đều bị… rung.

Bên trong còn rất nhiều kiến trúc đậm nét văn hóa Hoa, từ các cửa sổ, bình phong… đều giữ nguyên, trên các bức tường có khá nhiều hoa văn bằng sành sứ được khảm chìm trên tường rất quý giá. Linh mục quản sứ Thomas Huỳnh Bửu Dư cho biết hai căn nhà hai bên cũng của gia đình chú Hỏa mà lúc đó không có tiền mua, gần đây chủ nhà phá đi xây nhà mới, họ thuê thợ cả chục triệu đồng tiền công để cắt các tranh khảm tường này cho vào hộp kính đem đi đâu bán không rõ.

Đồ nội thất bên trong bằng đồ cổ vẫn còn khá nhiều vì khi bán nhà từ đường, chủ nhà đề nghị phải mua lại toàn bộ đồ nội thất và sắp xếp sử dụng gần như cũ, không được thay đổi nhiều. Trải qua nhiều năm, đồ nội thất bị hư hỏng, mất mát khá nhiều nhưng nhìn chung nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình vẫn giữ được nét đặc biệt khác lạ so với bất kỳ nhà thờ nào khác ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, do được tu sửa từ một căn từ đường cũ.

Nhà thờ đang xin lại tầng trên cùng, vốn được Nhà nước sử dụng làm sáu lớp học Trường Khai Minh. Trước đây chỗ này vốn để dạy giáo lý, nói chung yên ổn, khi phục vụ cho giáo dục thì các em học sinh vốn nghịch ngợm nên hay chạy nhảy, cười nói ầm ĩ khi giờ chơi hay tan học, đôi khi đang diễn ra giờ dâng lễ nên cũng ảnh hưởng khá nhiều.

Cha Dư dự định khi được trả lại sẽ xây một giếng trời để mang nguồn sáng chiếu xuống, còn hiện nay do khoảng sân trống hai bên bị các hộ dân xây nhà cao tầng nên bên trong nhà thờ lúc nào cũng tối mù mịt…

PHẠM TRƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét