16 thg 3, 2016

Kỳ thú hồ Sông Ray mùa nước cạn

Thoạt nhìn, đó chỉ là hồ nước bình thường, nhưng đặt chân đến đây mới biết Sông Ray là hồ nước khá đặc biệt và ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh kỳ thú trong mùa nước cạn này. 

Hồ Sông Ray nhìn từ bờ hồ phía đông bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Ở địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu, một ngày đến với hồ Sông Ray, chúng tôi chỉ đủ thời gian đi khám phá ba khu vực hồ, tương ứng với ba hướng khác nhau cùng với những góc nhìn thú vị riêng có.

Mùa khô, mực nước trong hồ giảm xuống gần nửa, nhiều nơi nước cạn để lộ những “đảo đất” màu nâu đỏ với những hình dạng và đường nét kỳ lạ đến ngỡ ngàng. 

Hình thành bởi con đập ngăn dòng sông Ray, hồ chứa nước nhân tạo Sông Ray (xây dựng năm 2005, hoàn thành 2011) rộng đến 2.503ha nằm trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Châu Đức và Xuyên Mộc). 

Do những dãy đất ven hồ cùng những mô, đụn đất trong lòng hồ có cấu tạo rất mềm, nước rút xuống đến đâu sóng nước xâm thực đến đó, tạo ra những đường thẳng song song như từng bậc thang xếp chồng lên nhau một cách đồng đều, trông rất ngoạn mục.

Đi trên những dãy đất từng nằm dưới lòng hồ ai cũng ngạc nhiên khi thấy vô số vỏ hến nằm phơi mình trong nắng. Mỗi bước chân qua đều chạm vào hến.

Hến chết bám đầy trên những phiến đá, gốc cây hoặc nằm la liệt như trải thảm trên mặt đất ven bờ và trên lòng hồ. Và ở những nơi còn nước, cả một “thế giới” hến vẫn đang vẫn sinh sôi, làm nên điều đặc biệt cho hồ Sông Ray - nơi được xem là nơi “định cư” lý tưởng của loài hến với mật độ dày đặc và trữ lượng lớn.

Mùa hến ở hồ Sông Ray kéo dài từ tháng 12 cho đến đầu mùa mưa hằng năm. Nhiều năm nay, nghề khai thác hến đã mang lại nguồn thu tốt cho nhiều người dân địa phương. Hến hồ Sông Ray đã trở thành đặc sản nổi tiếng trong vùng, được nhiều người ưa chuộng.

Sau một ngày khám phá, chúng tôi mang về nhà những ký hến mua bên đầu cầu Sông Ray, gần bên đập.

Bữa ăn sau chuyến đi với những món được chế biến từ hến hồ Sông Ray tuyệt ngon, gợi nhớ những điều kỳ thú vừa bắt gặp trong chuyến khám phá lòng hồ, để rồi tự dặn lòng rằng sẽ còn quay trở lại nơi này. 

Hồ Sông Ray nhìn từ đập tràn, hướng đông của hồ, thuộc xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Một góc hồ Sông Ray nhìn từ bờ hồ phía tây nam thuộc xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Một đôi mũi đất do sóng nước “gọt giũa” thành hình dáng như ruộng bậc thang - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Một đụn đất nhỏ có hình dáng chiếc tàu - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Cận cảnh một "tác phẩm" do sóng nước hồ Sông Ray để lại hình dáng như khán đài sân vận động - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

“Hoa hến” - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Hến hồ Sông Ray bám dày đặc trên tảng đá, gốc cây - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Một dãy đất đầy vỏ hến, phần màu trắng li ti là những vỏ hến nằm ngửa - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Một phụ nữ đang cào hến trên hồ Sông Ray - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Tháp điều tiết nước hồ Sông Ray - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Đập hồ Sông Ray - Ảnh: Nguyễn Thiên Đăng 

Thông tin cho bạn 

Hồ Sông Ray nằm cách TP Bà Rịa khoảng 37km về hướng đông bắc. Từ TP Bà Rịa, đi theo quốc lộ 56 đến vòng xoay thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) rẽ phải qua đường Lê Hồng Phong, rồi đi thẳng theo đường Ngãi Giao - Hòa Bình. 

Đến xã Xuân Sơn (vị trí gần giáp xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) rẽ trái vào đường Đội 11 khoảng 1km sẽ đến đập hồ Sông Ray. Từ đây có thể đi một vòng khám phá hướng tây nam của hồ. 

Muốn khám phá hướng đông bắc hồ Sông Ray (địa phận huyện Xuyên Mộc), trở ra đường cũ Ngãi Giao - Hòa Bình, tiếp tục đi đến ngã ba Hòa Bình rồi rẽ trái theo đường tỉnh 328. Trên đoạn đường này, ở khu vực chợ Hòa Hưng có nhiều đường ngang có thể rẽ vào hồ. 

Lưu ý: Ngoại trừ khu vực đập hồ Sông Ray, các khu vực còn lại, càng vào gần hồ, đường đi càng gập ghềnh với đất đá và dốc, xuyên qua những vườn điều và tiêu rộng lớn, vắng vẻ. 


NGUYỄN THIÊN ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét