24 thg 3, 2016

Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Sư tử huyền thoại ở chùa Tháp Linh

Gò Tháp Mười là gò lớn và cao nhất trong quần thể khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp). Cách đó chừng 100 m về phía bắc là Tháp Linh cổ tự.

Chùa Tháp Linh - Ảnh: Hoàng Phương 

Mở đất, lập chùa

Người dân địa phương cho biết trước năm 1975 chùa Tháp Linh lợp lá, nền gạch đơn giản, được cất ở khu vực triền gò. Mặc dù ghi là cổ tự, song niên đại ngôi chùa còn nhiều điểm nghi vấn. 

Theo mô tả của nhà văn Nguyễn Hiến Lê trong quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, đó là “một ngôi chùa bằng gạch, rộng thênh thang mà đồ thờ rất ít, chỉ có vài tượng Phật bằng gỗ sơn hoặc để mộc, vài bình hương, một ngọn đèn dầu cá leo lét. Không có một bức hoành, một đôi liễn. Hỏi người giữ chùa về di tích thì người ấy đáp nền chùa này ở trong đồn Tháp hồi xưa. Mấy năm trước, dân chúng quanh đây đào được ở chân giồng những viên sắt lớn bằng đầu ngón tay, chắc là những viên đạn thời đó. Ngoài ra, còn thấy những cây cừ bằng gỗ sao chôn ở dưới đất, đen như than. Còn chùa cất từ năm nào thì không rõ”.
Căn cứ vào thời điểm ra đời của quyển du ký nói trên, vào năm 1937, khi tác giả về đây đo đạc ruộng đất thì ngôi chùa này đã hiện diện. Còn theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì vào năm 1853, Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương đến Gia Định thực hiện kế hoạch khai hoang lập đồn điền, ông đã mời Hòa thượng Hải Tịnh đến tại tư dinh đàm đạo. Hai người cùng chung ý tưởng “muốn dân chúng lạc nghiệp thì trước tiên phải an cư” nên đã thỏa thuận, hễ đại thần khai hoang mở ruộng đến đâu thì hòa thượng cho tăng chúng theo sau xây cất chùa chiền đến đó. 

Vậy là nhiều ngôi chùa được xây cất trong vùng đất vừa mới được khai hoang lập làng. Công việc hoằng dương Phật pháp theo kế hoạch đồn điền còn dang dở thì quân viễn chinh Pháp tấn công vào Gia Định. Hòa thượng Hải Tịnh là một nhà sư có nhiều đệ tử, đặc biệt có công lớn trong việc khai hoang, lập đồn điền sau năm 1853. Do đó có thể khẳng định niên đại chùa Tháp Linh không thể có trước năm 1853 được. 

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa sĩ Nam kỳ nổ ra, nhiều đệ tử của Hòa thượng Hải Tịnh đã tích cực ủng hộ và tham gia kháng chiến, trong đó có Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, quê ở Cái Thia (H.Cái Bè, Tiền Giang). Lãnh binh Cẩn và Đốc binh Kiều là hai thuộc tướng của Thiên hộ Võ Duy Dương. Sau thất bại ở căn cứ Tháp Mười, Lãnh binh Cẩn đi tu ở chùa Tây An (Châu Đốc). 

Theo TS Phạm Văn Khanh, những năm cuối 1870, Lãnh binh Cẩn trở về làng Hòa Hưng (Cái Bè) trùng tu chùa Thắng Quang để hành đạo. Ông lại vào Gò Tháp Mười xây dựng chùa Tháp, lập bàn thờ Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều và những nghĩa binh tử trận năm xưa ở nơi này. Bị Trần Bá Lộc theo dõi, ông trở về làng Mỹ Lợi (Cái Bè) lập chùa Phước Quang và trụ trì. Ông viên tịch tại đây ngày 25 tháng chạp (âm lịch) năm 1902, thọ 100 tuổi và được an táng tại ấp Lợi Tường (xã Mỹ Lợi A, Cái Bè) trong vườn nhà của ông Nguyễn Văn Tâm - hậu duệ đời thứ năm và là người cúng giỗ ông hằng năm. 

Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho dời chùa Tháp Linh, cách Gò Tháp Mười khoảng 100 m để xây dựng tháp 10 tầng. Ông Phạm Ngọc Em, người địa phương, mô tả ngôi tháp ấy có hình lục giác tương tự tháp chùa Thiên Mụ (Huế), cao gần 40 m, nhưng chỉ tồn tại đến năm 1960 thì bị đánh sập. Sau khi di dời, chùa Tháp Linh được cất tạm, lợp lá, nhưng có xây tường, lót gạch tàu. Trước năm 1975, chùa có nhiều tượng gỗ, tượng đồng do người dân nhặt được đem vô thờ. Đến năm 1990, một số tượng được đem về Bảo tàng Đồng Tháp để gìn giữ. 

Tổng thống và thú “lạ” 

Trước năm 1955, tại chùa Tháp Linh có trưng bày một con thú “lạ”. Theo một số tư liệu, đây là linh vật được nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentier tìm thấy vào năm 1932 trong đống gạch đá của phế tích Gò Tháp. Còn theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, thú lạ đó là “con Tao” - một loại sư tử huyền thoại tượng trưng cho sức mạnh chính pháp, thường được tạo tác bằng đá đặt trước đền đài Bà La Môn giáo để làm nhiệm vụ canh giữ. 

Nhiều người dân địa phương kể lại rằng, sau khi xây xong ngôi tháp 10 tầng, bấy giờ “Tư lệnh Biệt khu Đồng Tháp Mười” Nguyễn Văn Là (sau này là trung tướng) đã mời Tổng thống Ngô Đình Diệm về cắt băng khánh thành công trình Tháp Mười và kinh Phước Xuyên. Phát hiện linh vật nói trên, ông Diệm ra lệnh chở về dinh Độc Lập với lý do “mượn làm mẫu” rồi tịch thu luôn không trả lại cho chùa. Vị sư trụ trì chùa Tháp Linh lúc đó là thầy Thích Thiện Hảo (dân gian gọi là thầy Hai) không dám lên tiếng đòi lại. 

Sau khi ngôi tháp 10 tầng bị đánh sập, thầy Hai rời Gò Tháp đến chùa Thanh Lương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) tiếp tục tu hành. Cuối năm 1963, nghe tin Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính giết chết, ông khăn gói lên Sài Gòn tìm thấy cặp linh vật đặt ở dinh Độc Lập và thuê người chở về chùa Thanh Lương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cặp “Tao” ở chùa Thanh Lương hiện nay có một con bị mất đuôi là linh vật ở Gò Tháp, còn con nguyên vẹn thì của Tổng thống Diệm đã “mượn” ở đâu đó.

Sau thời gian dài hoang phế bởi chiến tranh, năm 1999 chùa Tháp Linh được xây dựng lại hoành tráng uy nghi với kiến trúc hiện đại mang dáng dấp chùa Từ Đàm ở Huế.

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét