4 thg 4, 2016

Lễ hội cầu mùa – nét văn hóa đặc sắc của người Dao, Yên Bái

Lễ hội cầu mùa đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào Dao (Yên Bái).

Thầy cúng làm lễ, lấy nước phun vào lúa ngô với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, ngô nặng hạt, lúa trĩu bông. Ảnh: baotintuc

Lễ cầu mùa được đồng bào Dao nơi đây duy trì từ nhiều đời nay và dần trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Lễ cầu mùa được tổ chức hằng năm tại gia đình có uy tín, gia đình thu hoạch được nhiều thóc, nhiều ngô nhất trong năm và đã được lựa chọn từ trước. Lễ vật dâng cúng các vị thần trong lễ cầu mùa thường có lợn, gà, lúa, ngô...

Theo phong tục, lễ cầu mùa được tổ chức gồm 2 nội dung, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, vào dịp tổ chức lễ cầu mùa, mỗi một hộ gia đình sẽ cùng nhau đóng góp một số đồ để thờ cúng mang tính lòng thành như: gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo….. tất cả đều do tự tay các hộ trồng được, nuôi được, không được mua từ nơi khác về, sau đó cùng tập trung về một hộ gia đình có uy tín trong cộng đồng. Ở khâu chuẩn bị, đàn ông trong làng sẽ làm khâu thờ cúng, đàn bà, phụ nữ làm khâu nấu ăn, chuẩn bị đồ để thờ. Sau khâu chuẩn bị, lễ thờ cúng sẽ được cúng ở 2 nơi, trước cửa gian chính của nhà và khu vực sau nhà, nơi có địa thế giáp núi. Trong khoảng thời gian hơn 1 giờ đồng hồ, các thầy cúng có uy tín sẽ được chọn làm người cúng cho toàn thể bản làng cho một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, các hộ dân trong làng đều mong muốn một năm mới thuận lợi, làm ăn kinh tế được nâng lên để đời sống ngày càng khá giả, đẩy lùi khó khăn, vất vả.

Đồ cúng gồm có gạo, tiền. Ảnh: baotintuc

Sau khi chủ nhà bày biện đầy đủ phần lễ, thầy cúng tiến hành làm lễ. Ảnh: baotintuc

Sau phần lễ là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn… Trong trò chơi ném còn, người Dao còn quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó sẽ gặp nhiều may mắn trong năm.

Lễ hội cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này. Đây là một nghi thức nhớ ơn người xưa đã biết tìm cây lúa, cây hoa màu, đồng thời thể hiện quan niệm cây lúa cây hoa màu cũng có hồn, có thần. Vì vậy với ý niệm tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ, người Dao dâng lễ vật bao gồm các sọt lúa, các sọt ngô, các loại hoa màu, một khóm cây bông lau, một khóm cây chè vè. Tất cả được các nam thanh nữ tú, mạnh khỏe trong trang phục dân tộc rước kiệu lễ.

Lễ hội Cầu mùa là sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Người Dao quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy… đều có quan hệ mật thiết tới đời sống và sản xuất của con người do vậy Lễ hội cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thủa sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đủ đầy như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này.
Lễ cầu mùa đầu năm đã tạo không khí vui tươi, hào hứng cho mọi người trong bản trước khi bước vào mùa vụ mới. Hiện nay lễ hội vẫn thường xuyên được tổ chức và trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao nơi vùng cao này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét