12 thg 4, 2016

Xe Lam chiều

Xe Lam xuất hiện tại Sài Gòn từ những năm 1960 - Ảnh: T.L 

Ngày xưa, mỗi khi nghe tiếng bon bon, âm thanh đặc trưng của xe Lam là đám con nít trong xóm tôi ở Sài Gòn đứng phía sau ống bô xe hít lấy hít để mùi thơm của xăng. 

Nguồn gốc xe lam 

Tên gọi xe Lam - gọi tắt chữ đầu của hiệu xe Lambro, sản xuất từ Ý, có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh của Lambretta FD (dung tích xi lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều có dung tích 198 cc) do Công ty cơ giới Innocenti chế tạo. 

Dòng quảng cáo về xe Lam thời đó của một hãng buôn nhập cảng vào Sài Gòn năm 1967: “Máy trước, vừa đề, vừa đạp. Đặc điểm hoàn toàn làm tại Ý Đại Lợi - Trọng tải hữu dụng 550 ký… Xe có bán tại Lambretta Việt Nam - VINACO và khắp các đại lý trên toàn quốc. Chú ý: không có xe Lam bốn bánh, chỉ có xe Lam ba bánh”. Câu quảng cáo đó như xác định đặc tính của xe Lam là chỉ có ba bánh, có thùng nhỏ phía sau chở được 8 người khách và gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước, dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe. Kẹt kẹt, khi đông khách và đoạn đường nào vắng bóng cảnh sát công lộ thì bác tài cho hai người ngồi cạnh mình trên băng tài xế. 

Thời ấy do muốn phát triển mạng lưới hệ thống giao thông công cộng nên Nha Lộ vận Sài Gòn khuyến khích sự có mặt của xe Lam. Chưa có tài liệu chính xác cho biết xe Lam ra đời vào năm nào nhưng áng chừng vào khoảng năm 1966. Thoạt đầu, chỉ những người nằm trong diện “chính sách” như gia đình công chức, những người chạy taxi hay xích lô máy chuyển nghề mới được chạy xe Lam. Muốn mua được một chiếc xe Lam, theo quy định của Bộ Kinh tế ngày 29.3.1966, họ phải đóng trước 3/4 số tiền vào trương mục phong tỏa của hãng nhập cảng mở tại Tổng nha Ngân khố. 

Đến tháng 7.1968, do số cung và số cầu về xe Lam đã quân bình cũng như thấy xe Lam đã trở thành phương tiện chuyên chở hành khách thông dụng, hàng hóa trên các trục lộ giao thông nên Tổng trưởng Kinh tế Âu Ngọc Hồ đã ký quyết định bãi bỏ quy định ngày 29.3.1966. Đô thành Sài Gòn năm đó tròm trèm hai triệu dân, đường thoáng hơn bây giờ nhưng ngoài xe buýt, xe Lam vẫn được sử dụng như một phương tiện chuyên chở. 

Điều này đã thúc đẩy số lượng xe Lam gia tăng. Lúc ấy, gồng gánh bằng ngân sách nhà nước không nổi nên tháng 12.1968, Thủ tướng Trần Văn Hương (Sài Gòn) đã ký sắc lệnh giải tán Công quản xe buýt Sài Gòn để giao cho tư nhân khai thác. Đến cuối năm 1968, toàn miền Nam có 17.615 xe Lam, trong đó đô thành Sài Gòn - Gia Định có 3.200 xe Lam, 7.400 taxi, 2.440 xích lô máy (nguồn: Đoàn Thêm - 1969 Việc từng ngày). Đến năm 1971, xe Lam là phương tiện vận chuyển quan trọng nhất Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam vì hệ thống xe buýt đã ngưng hoạt động và chưa phục hồi. Theo báo chí lúc đó thì toàn miền Nam có 30.668 chiếc, số xe Lam lưu hành gấp 7 lần xe taxi.
Cạnh tranh với xe buýt 

Sở dĩ xe Lam phát triển, dù vé xe Lam mắc hơn xe buýt (vé xe buýt là 2 đồng, vé xe Lam là 5 đồng) vì tiện lợi hơn xe buýt nhiều. Ngoài hai bến xe cố định ở hai đầu đi và đến, theo lộ trình được ghi trên thành xe, hành khách có thể xuống bất cứ nơi nào chứ không cần phải đến trạm như xe buýt vì xe Lam không có trạm. Bất cứ lúc nào, khi ta muốn đi thì chỉ cần giơ tay vẫy là xe Lam sẽ ngừng lại để khách bước lên nếu xe còn chỗ; nếu không khách chỉ cần đợi chuyến sau. Người buôn bán có thể chất quang gánh, bao và một số thứ linh tinh trên nóc xe - điều mà xe buýt không chấp nhận. 


Với nhiều khách, ngồi xe Lam mát mẻ hơn xe buýt thời đó (không có máy lạnh), được hít không khí trời, không sợ bị móc túi rồi còn mơ tưởng biết đâu lại chẳng có mối tình xe Lam như lời một bài hát của nhạc sĩ Vinh Sử: Trên chuyến xe lam đông người chiều nao/Chúng mình không quen mà ngồi bên nhau/Trời mang nhiều trớ trêu chi/Người chưa hề biết quen gì/Sao ngồi gần như tình nhân si/Em xuống xe Lam đi về thẹn sầu/Anh vội theo chân ngõ hồn xuyến xao”. 

Sau năm 1975, một thời kỳ xe Lam vô cùng hữu dụng với người Sài Gòn khi không có xe buýt, vắng bóng taxi. Nhưng phương tiện vận chuyển này dần dần biến mất từ khi có Nghị định 23/2004/NĐ-CP, quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ, xe Lam bị hạn chế và dần bị cấm hẳn. Đến bây giờ, mặc dù đang loay hoay tìm phương tiện vận chuyển công cộng trên đường phố nhưng xe Lam vẫn chưa được phục hồi và phát triển như là một chính sách mà thay vào đó là những chiếc xe buýt kềnh càng, chen lấn, chạy ẩu, gây tai nạn chết người. Ở Thái Lan, hệ thống đường xá hoành tráng là vậy vẫn còn thấy xe Tuk-Tuk (gần như là một “đặc sản” vận chuyển) nhưng Sài Gòn thì “hãy cùng nhau buýt” dù cho nhà nước bây giờ đang bù lỗ đậm.
Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn thấy một chiếc Lam cũ, tơi tả xuất hiện đâu đó. Tiếng máy xe không còn kêu bon bon, mùi khói xăng không còn thơm như trước nữa nhưng người Sài Gòn không ai không nhớ tới những chuyến xe Lam - nhất là những chuyến xe Lam chiều vội đưa người về với gia đình, với người yêu đang chờ trên phố nhỏ. Còn đâu một chuyến xe Lam? Có chăng, chỉ còn lại dư âm trong bài Chuyến xe Lam chiều của nhạc sĩ Vinh Sử! 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét