11 thg 4, 2016

Cây sa mộc giữa cao nguyên đá Đồng Văn

Với sức sống mãnh liệt giữa cao nguyên đá Đồng Văn, sa mộc được coi như biểu tượng cho sự vượt khó đi lên của mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Sa mộc còn có tên gọi cây sa mu, thuộc họ hoàng đàn và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở Việt Nam cây sa mộc phân bổ chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn... nhưng nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất chính là ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. 


Sa mộc là giống cây thân gỗ, lá kim với thân thẳng tắp hình nón, cành ngang mọc thành tầng. Nhìn qua rất nhiều người hay nhầm lẫn với cây thông non. Tuy vậy đây là giống cây thân gỗ có giá trị rất cao, có thể dùng trong xây dựng và đóng đồ gia dụng. Đặc biệt cây rất hiệu quả trong công tác phủ xanh đất trống, đồi trọc phía Bắc. 

Do sức sống mãnh liệt, chịu được cả khí hậu khô cằn lẫn rét buốt quanh năm, sa mộc được chọn trồng làm cảnh quan chính cho nhiều vùng đất khắc nghiệt phía Bắc, từ sâu trong các thung lũng đến lưng chừng núi, bao quanh các bản làng người dân tộc. 

Tại Hà Giang, sa mộc được trồng nhiều trong vùng lõi cao nguyên đá Đồng Văn, trải dài từ Phố Cáo đến Phó Bảng, Sủng Là đến trung tâm thị trấn Đồng Văn. 

Đứng từ trên các triền núi, con đèo nhìn xuống thung lũng đá, sa mộc hiện lên nhấp nhô như những hàng rào sống chắn lối vào bản, là "thần bảo hộ" đồng bào dân tộc vùng cao hàng bao đời qua. 

Nổi tiếng nhất là hàng sa mộc trăm tuổi ở Sà Phìn, trên chính lối dẫn vào dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức. Cao hơn 10 m với dấu vết thời gian hằn trên thân gỗ, hai hàng cây này nhìn uy nghiêm như những người lính gác tận tụy. 

Dưới bóng cây sa mộc năm nào có thể là vài ba khóm tam giác mạch in hằn trên đá. 

Cây sa mộc có ý nghĩa quan trọng với Hà Giang. Đã có thời cột cờ Lũng Cú được gắn trên cây sa mộc ở đỉnh núi Rồng ngày nay, hình tượng cột cờ cũ cũng được mô phỏng cách điệu từ chính dáng đứng hiên ngang sa mộc. 

Nam Chấy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét