3 thg 4, 2016

Biên Hòa với vua Quang Trung

1.
Như nhiều người Việt Nam, vua Quang Trung là thần tượng của tui.

Tui tới Biên Hòa sống hơi muộn, khi đã 24 tuổi. Vô tư, chả nghĩ ngợi gì, khi trò chuyện với bạn bè là dân Biên Hòa cố cựu có những khi tôi tỏ lòng ngưỡng mộ vua Quang Trung, mặc nhiên cho rằng người ta cũng giống như mình. Ngạc nhiên thay, một lần, rồi nhiều lần, tôi có cảm giác rằng người Biên Hòa không yêu kính vua Quang Trung như mình. Thường thì họ không tỏ ra hào hứng ca ngợi vua Quang Trung như tui, chỉ lặng lẽ nghe thôi, cá biệt có một vài người đưa ra những lý lẽ để phản bác.

Dần dà, tìm hiểu lịch sử, tui lờ mờ đoán ra nguyên do. Đất Biên Hòa được lập nên là do các chúa Nguyễn. Thời Nguyễn Ánh bôn ba chinh chiến với nhà Tây Sơn thì Biên Hòa - Cù lao Phố là hậu phương vững chắc, là cơ sở kinh tài ủng hộ cho chúa Nguyễn. Từ đầu đến nửa cuối thế kỷ 18, Cù lao Phố ở Biên Hòa là trung tâm thương mại lớn nhất phương Nam. Thế nhưng năm 1776 và 1777 quân Tây Sơn đã tàn phá Cù lao Phố nhằm triệt hạ đầu mối cung ứng vật chất cho Nguyễn Ánh. Các thương gia người Hoa dắt díu nhau chạy về vùng Sài Gòn - Gia Định, lập nên Chợ Lớn. Cù lao Phố điêu tàn từ đó.

Dưới mắt các bậc tiền nhân ở Biên Hòa, quân Tây Sơn nói chung và Nguyễn Huệ nói riêng là giặc, là kẻ phá hoại sự ấm no sung túc của quê hương. Thế nên các bậc tiền nhân này và con cháu đời sau của họ không yêu quý vua Quang Trung.

Đó là cảm nhận và suy diễn cá nhân của tui thôi, có thể không đúng. Rất mong các bạn ở Biên Hòa lâu năm nêu thêm những kiến giải của mình.

2.
Có một điều vừa buồn cười vừa xấu hổ, đó là ở ngay Cù lao Phố có một nơi mang tên Đền thờ Nguyễn Huệ.


Điều khó hiểu (và trở thành buồn cười) là:
  • Dù vua Quang Trung là một bậc anh hùng đất Việt nhưng riêng đối với cù lao Phố ông không hề có công trạng gì, mà ngược lại chính quân Tây Sơn đã tàn phá cù lao Phố khiến mảnh đất Đại Phố này trở nên điêu tàn. Vì thế không có lý do gì để lập đền thờ Quang Trung nơi đây.
  • Thứ hai, nếu đã lập đền thờ sao không là đền thờ Quang Trung hoàng đế mà là đền thờ Nguyễn Huệ?
Điều xấu hổ chính là nguyên nhân của sự kiện trên:

Kiến trúc nêu trên thực chất là ngôi Đình Bình Tự ở cù lao Phố (không liên quan gì đến vua Quang Trung cả!). Sau 30/4/75, trong phong trào đập phá và cải tạo các công trình tín ngưỡng, đỉnh cao trí tuệ của các nhà làm văn hóa thuở ấy muốn phá bỏ ngôi đình. Muốn giữ lại thì phải đổi thành nơi thờ ai đó mà chính quyền cách mạng công nhận. Quang Trung Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải là một nhân vật như vậy. Thế là Đình Bình Tự biến thành Đền thờ Nguyễn Huệ, bất kể công năng đình và đền không giống nhau, bất kể lịch sử, bất kể lòng dân...

3.
Ngoài cái đền thờ không đúng chỗ nêu trên, hầu như ở Biên Hòa không có công trình, trường học gì mang tên Quang Trung hay Nguyễn Huệ cả (mới có trường Đại học Nguyễn Huệ, tức trường Sĩ quan Lục quân 2, nhưng tên này thực chất mới được đặt gần đây).

Còn đường phố, thì ở Biên Hòa có đường Quang Trung. Nhưng nếu ở các tỉnh thành khác, đường Quang Trung hay Nguyễn Huệ là các đại lộ lớn (như ở TPHCM có cả đường Nguyễn Huệ lẫn Quang Trung đều là những con đường lớn), thì đường Quang Trung ở Biên Hòa... không hơn gì một con hẻm!

Đầu đường Quang Trung, phía Cách mạng Tháng Tám

Đầu đường Quang Trung, phía Chợ Biên Hòa

Đường Quang Trung, Biên Hòa trên bản đồ.

Con đường này thực chất là 2 đoạn hẻm hình chữ L, nằm bên cạnh chợ Biên Hòa với bề rộng là 7 met, tổng chiều dài 2 đoạn vỏn vẹn 240 met! Thật là hẩm hiu cho vua Quang Trung quá!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét