25 thg 4, 2016

Độc đáo Chiêng Tre

Có người nói rằng chiêng Tre là món quà của núi rừng Tây Nguyên ban tặng cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây! Quả không “ngoa” nếu một lần bạn được thưởng thức những âm thanh trầm, bổng, thánh thót phát ra từ loại nhạc cụ này. Cũng độc đáo, cũng hấp dẫn, lôi cuốn không kém gì chiêng đồng vậy!

Chiêng Tre được các nghệ nhân biểu diễn cùng các loại nhạc cụ làm bằng tre, nứa, lồ ô 

Khi ông mặt trời trườn mình khuất sau sườn núi, nghệ nhân A Long – người con của dân tộc Ba Na, làng Kon Tum Kơ pâng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum kết thúc một ngày lên rẫy thong thả về nhà. Chiếc gùi trên vai A Long chứa nhiều ống tre ngắn dài khác nhau vừa được anh tranh thủ chặt trước khi về. 

Ở nhà lũ trẻ đã chờ từ lâu để được anh dạy cho cách làm chiêng Tre. Vừa đặt chiếc gùi xuống hiên nhà, lũ trẻ con đã nhao nhao nhanh tay nhặt các ống tre ra, sẵn sàng dao rựa để bắt đầu chế tác bộ chiêng Tre phục vụ cho buổi biểu diễn ngày mai của làng.

Nhanh tay cắt gọt từng ống tre theo sự phân công sẵn trong đầu, nghệ nhân A Long tâm sự: “Mình biết làm chiêng Tre là do mẹ Y Blưn bày. Trong một chuyến đi biểu diễn cồng chiêng tại Đăk Lăk, khi thấy dân tộc Ê Đê biểu diễn loại nhạc cụ này, mẹ mình đã rất thích và ngay sau buổi biểu diễn là học cách để làm ra bộ chiêng Tre ngay”. 

Nghệ nhân A Long đang chế tác chiêng Tre 

Khi được hỏi, sao bà lại yêu thích loại nhạc cụ này đến thế, bà Y Blưn – cũng là một nghệ nhân tâm huyết của làng trả lời ngay: “Mình thích là vì đây là loại nhạc cụ gắn liền với đời sống sinh hoạt của dân tộc mình nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Hơn nữa, giờ những người biết làm chiêng Tre, biết thưởng thức chiêng Tre đã ít dần, vì vậy càng thôi thúc mình hơn phải làm gì để lưu giữ và phát triển nó”.

Bộ chiêng Tre thường có từ 5 đến 15 chiếc. Người Ba Na ở Kon Tum thường chế tác bộ chiêng gồm 9 chiếc. Mỗi chiêng có một âm sắc khác nhau, khi tất cả cùng ngân lên thì tạo thành một giàn hợp xướng giống chiêng đồng vậy. Vì có kết cấu giống chiêng đồng nên chiêng Tre cũng có kích cỡ âm thanh và hệ thống giống chiêng đồng, nên những ai đánh được chiêng đồng thì đều đánh được chiêng Tre.

Điều đặc biệt là dùi để đánh chiêng Tre là một cặp làm cùng chất liệu và tạo âm tương ứng với nhau. Nguyên liệu để chế tác chiêng Tre là tre. Để chế tác ra một bộ chiêng Tre cũng lắm công phu. Đầu tiên là công đoạn chọn nguyên liệu. Người nghệ nhân phải chọn cây tre bắt đầu già. Nếu cây tre non thì âm thanh sẽ yếu, còn cây chưa đủ độ già thì âm thanh không được ngân vang, cây phải có kích cỡ các gióng vừa đủ để tạo ra âm thanh nhất định; phải chế tác khi cây tre còn tươi, vì nếu để lâu thì tre sẽ bị khô, đánh bị phô.

Xong công đoạn chọn nguyên liệu là đến công đoạn chế tác. Nghệ nhân khi chặt tre về sẽ cắt thành từng đoạn ống có kích thước dài ngắn khác nhau, theo các đường kính ống tre khác nhau. Các ống tre được bịt kín 1 đầu, giữ nguyên mắt, đầu còn lại gọt rũa để tạo âm thanh. Độ dài, ngắn của mỗi ống tre là khác nhau tùy thuộc vào độ trầm, bổng của mỗi âm thanh mà nghệ nhân muốn tạo (Độ dài dao động từ 30cm đến 45 cm, đường kính từ 8 cm đến 10 cm). 

Một bộ chiêng Tre được chế tác hoàn thành 

Mỗi chiêng Tre đều giống như chiêng đồng đều có âm thanh giống nhau, vì vậy mà trong quá trình thẩm âm khi đánh chiêng mà nghệ nhân thấy chiêng Tre có âm thanh chưa giống như chiêng đồng thì nghệ nhân lại tiếp tục gọt rũa cho tới khi giống như chiêng đồng nhất thì thôi.

Nghệ nhân A Long chia sẻ: Cái khó nhất là quá trình thẩm âm. Đi theo mỗi ống tre là một thanh tre già được gọt đẽo cẩn thận. Mỗi cặp chiêng (ống tre và thanh tre) phải có một loại âm thanh và giai điệu tương ứng với một chiêng đồng. Chính vì thế, bộ chiêng tre cũng được cấu tạo các kích cỡ âm thanh khác nhau, có hệ thống như bộ chiêng đồng. Chiêng đồng thì đàn ông, thanh niên hay bé trai trong làng mình đều biết đánh, còn chiêng Tre thì chỉ một số người biết thôi vì chiêng Tre không có sẵn như chiêng đồng. Loại nhạc cụ chế tác xong chỉ sử dụng được vài ba ngày, vì nếu để lâu âm thanh sẽ không được như ban đầu nữa”.

Nghe người già kể lại, trước khi biết chế tác đồng để làm chiêng, những dân tộc Tây Nguyên đã biết chế tác ra một bộ công cụ cũng phát ra những âm thanh như tiếng chiêng đồng ngày nay, đó là chiêng Tre. Có người nói, chiêng Tre mới đầu là nhạc cụ truyền thống đặc trưng của dân tộc Ê Đê nhưng với sự giao thoa, giao lưu văn hóa mà ngày nay các dân tộc ở Tây Nguyên đều biết đến loại nhạc cụ này và giờ đã trở thành loại loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum. Vẫn là âm thanh của đại ngàn, nhưng chiêng Tre đã và đang để lại dấu ấn riêng bởi sự độc đáo của nó trong lòng mỗi người được may mắn thưởng thức nó./.

Bài, ảnh: A Lê Khăm (Đài PT-TH tỉnh) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét