25 thg 4, 2016

Nghề gốm thủ công ở làng Kon SamLuh

Ngày xưa, người Ba Na (Nhánh Jơ lâng) ở huyện Kon Rẫy đã lấy đất sét để làm ra các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Theo thời gian và biến thiên cuộc sống, nghề gốm thủ công giờ vẫn còn được giữ lại nhờ đôi tay khéo léo của những người mẹ người chị siêng năng, chịu khó. 

Chị Y Pư làm gốm tại Bảo tàng Tỉnh Kon Tum ngày 18/3/2016 

Tạm gác lại công việc nương rẫy, tháng 3 năm nay, chị Y Pư (ở làng Kon Sămluh - xã Đăk T’Re) đã dành hơn một tuần để làm mấy chiếc nồi bằng đất nung cỡ nhỏ, chuẩn bị tham gia trưng bày tại Bảo tàng Kon Tum nhân Liên hoan Văn hóa dân gian gắn với Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 - năm 2016. Tại đây, chị còn được giới thiệu cách thức làm gốm bằng tay của người Ba Na đến với mọi người.

Nghề gốm thủ công có từ bao giờ, người già ở Kon Sămluh chẳng ai nhớ rõ. Y Pư thì từ nhỏ đã quen với những chiếc bát, nồi nung và quanh quẩn xem mẹ làm ra những món đồ bằng đất sét. Ngày trước, mẹ Y Nhanh của chị là người thợ gốm nổi tiếng khắp vùng; theo mẹ, chị gái Y Ber cũng giỏi giang không kém. Mấy năm gần đây, chị Y Ber không còn khỏe, nên Y Pư tiếp nghề của chị, không để đất nung mất đi.

Ở khu vực suối Đăk Gơga gần làng Kon Samluh, có một vùng đất đặc biệt, dùng để làm gốm. Không dẻo, mịn như đất sét một số nơi, nên đất này được lấy về, phải đem phơi khô, giã nát, rồi sàng cẩn thận để lấy thứ bột đất tơi mịn, mới có thể làm gốm. Chị Y Pư cho hay, sau khi sàng, đất mịn được trộn với nước, nhào, đập kỹ thành một khối đất dẻo. Tùy vật dụng cần nặn to hay nhỏ mà dùng nhiều hay ít đất dẻo.

Để làm đồ gốm, người Ba Na không dùng bàn xoay như người Kinh và một số dân tộc thiểu số khác, mà ngược lại, người thợ phải đi vòng quanh bàn đựng vật liệu. Bàn đựng vật liệu làm gốm của người Ba Na đơn giản là một tấm phên nhỏ được đan bằng tre (nứa), kích thước khoảng 30x30cm, đặt trên một khúc cây vững chắc, hay cối giã gạo. Cục đất dẻo được lót một tấm nhựa, rồi đặt trên miếng phên để tránh dây bẩn trong quá trình người thợ thao tác. Khi cục đất nặn đã được đặt cố định trên tấm phên, người thợ dùng tay để nặn, vừa nặn vừa di chuyển vòng quanh tấm phên.Vật dụng để nặn đơn giản chỉ là một chiếc vòng tròn làm bằng cật tre, đường kính tùy thuộc vật dụng cần làm to hay nhỏ. Người thợ một tay giữ thân của vật dụng, một tay dùng vòng tre nạo vào lòng cục đất để tạo hình và chỉnh sửa cho đều lớp đất sét. Trong quá trình nặn đồ gốm, người thợ dùng một miếng giẻ ướt, thỉnh thoảng vuốt nhẹ lên thân vật nặn cho đất luôn giữ được độ dẻo, đồng thời tạo mặt láng cho thân vật nặn. Nếu nặn nồi, thì sau khi nặn thân nồi, người thợ mới nặn miệng nồi và sau một ngày mới nặn đáy nồi để gắn vào thân nồi. 

Bà con làng Kon Sămluh với các sản phẩm gốm thủ công 

Sau khi vật dụng cần nặn đã được định hình, người thợ gốm thủ công lấy đá chà cho láng mặt ngoài, sau đó, đem phơi chừng một tuần. Để đồ gốm thêm độ bền, sau khi phơi, đồ gốm “sống”còn được đem hong bên bếp lửa. Để làm “chín” gốm, người Ba Na không dùng lò nung như các dân tộc khác. Cách thức nung cũng rất đơn giản, ở ngoài trời, chỗ kín gió, đốt một đống củi rồi đặt đồ gốm lên đó, chừng 2-3 tiếng là xong một mẻ nung.

Để tạo màu cho đồ gốm, trong quá trình nung, người thợ dùng nước vỏ cây T'nưng- một loại cây rừng- để bôi lên vật nung. Sau khi hoàn thành, đồ gốm có màu đen bóng, vừa đẹp vừa bền chắc.

Chị Y Pư bảo, ngày trước, đồ gốm được những người thợ làng Kon SamLuh làm ra khá đa dạng, với chén bát, nồi nấu cơm, nồi hong xôi, chóe đựng nước, ghè làm rượu…dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng bây giờ, đồ gốm làm bằng tay hầu như chỉ còn phổ biến là nồi để hong xôi. Ông A Sứ- Cán bộ văn hóa xã Đăk T’Re cho biết, tuy không phải nhà nào cũng có người biết làm gốm, nhưng ngày trước, những người thợ gốm trong làng luôn đủ để làm ra vật dụng cho các gia đình. Bây giờ, cả làng Kon Sămluh chỉ còn 5 người biết làm gốm. Bà Y Ber- chị gái Y Pư “lão luyện” đã 65 tuổi, hay đau ốm. Người ít tuổi nhất là Y Khau cũng sắp qua 45. Lứa con cháu của bà Y Ber, chị Y Pư, Y Khau cũng chịu khó học hỏi để làm gốm như bà, như bác, như mẹ của chúng để nghề gốm thủ công của người Ba Na không bị lãng quên theo thời gian.

Bài, ảnh: Nghĩa Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét