27 thg 4, 2016

“Chuyến du hành” về cõi tâm linh

Lần đầu tiên, nghi lễ diễn xướng dân hầu đồng trong tín ngưỡng “Thờ Mẫu Tứ phủ” của người Việt được tái hiện một cách tinh tế, đặc sắc và nguyên bản trên sân khấu Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Buổi diễn được ví như đưa du khách đến “chuyến du hành" về cõi tâm linh. 

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu thì trong đạo Mẫu có 4 vấn đề gắn với cộng đồng. Một là đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ. Hai là đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời ba điều: Phúc – Lộc – Thọ. Ba là đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Và bốn là đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa.

Trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, thì có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Trong đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam, cũng đồng thời là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi. Chính vì vậy, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” đã được đệ trình lên UNESCO xin công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tráp đồ trang sức cho nhân vật hầu đồng. Ảnh: Trần Thanh Giang


Giầy là trang phục cho các giá đồng. Ảnh: Trần Thanh Giang

Đồ trang sức như nhẫn, vòng tay … phục vụ cho từng giá đồng. Ảnh: Trần Thanh Giang

Sân khấu của vở diễn Tứ Phủ được bài trí với màn hình lớn để trình chiếu song ngữ Anh - Việt
về giai thoại các nhân vật trong mỗi giá đồng, 2 bên là giàn nhạc thể hiện các cung văn. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ thể hiện các giá đồng được 2 người hầu dâng giúp cho việc thay trang phục và trang điểm cho người thực hành nghi lễ hầu đồng. Ảnh: Tư liệu

Vở Tứ Phủ tái hiện lại chân thực và sinh động các nghi lễ trong từng giá đồng. Ảnh: Tư liệu

Nét uy nghiêm của giá chầu Đệ nhị. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ hóa thân vào giá chầu Đệ nhị. Ảnh: Tư liệu

Giá chầu ông Hoàng Mười. Ảnh: Tư liệu

Nghệ sĩ hóa thân trong giá chầu cô Bé. Ảnh: Trần Thanh Giang

Hầu dâng (người giúp việc cho thanh đồng) chuẩn bị đồ làm lễ cho giá cô Bé. Ảnh: Tư liệu

Giá cô Bé thể hiện sự hoan hỉ, vui tươi. Ảnh: Tư liệu

Hệ thống vàng mã được sắp đặt như một tác phẩm nghệ thụât tại sảnh tầng 1, nơi tổ chức vở diễn. Vàng mã là một phần không thể thiếu trong các buổi lên đồng, đặc trưng của văn hoá đạo Mẫu, đây cũng là một trong những nét thú vị của văn hoá dân gian Việt Nam. Ảnh: Trần Thanh Giang

Vở diễn Tứ Phủ đựơc diễn 12 buổi/ tháng và được rất nhiều khán giả trong và ngoài nước quan tâm. Ảnh: Trần Thanh Giang

Du khách nước ngoài cảm thấy thú vị với màn tán lộc trong chương trình. Ảnh: Trần Thanh Giang 

“Tứ phủ” là tư duy của người Việt về vũ trụ nguyên sơ, được chia làm 4 miền, do 4 vị Thánh Mẫu (Mẹ) cai quản, đó là: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền Trời; Mẫu Thượng ngàn cai quản vùng đồi núi; Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu) cai quản miền đồng bằng; Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.
Và cũng chính những ý nghĩa nhân văn sâu sắc độc đáo đó, khi vở diễn “Tứ Phủ” được trình diễn trên sân khấu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của hàng nghìn khán giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong 6 tháng ra mắt, Tứ Phủ đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị đại sứ, tuỳ viên văn hoá đến từ: Pháp, Italia, Ba Lan, Hungary, Canada, Unicef,…

Trong nghi lễ hầu đồng dân gian có tất cả 36 giá đồng. Tuy nhiên do những hạn chế của sân khấu, chương trình “Tứ Phủ” đã chọn ra 3 giá hầu tiêu biểu tương ứng với ba phần để trình diễn: Giá chầu Đệ Nhị (thể hiện nét đẹp, độc đáo trong trang phục của người Việt); Giá Ông Hoàng Mười (thể hiện sức mạnh, ý trí, lòng yêu nước của người Việt); Giá cô Bé (thể hiện nét tính cách hồn nhiên, yêu đời).

Ba phần của “Tứ phủ” diễn ra liền mạch, cô đọng với sự chuyển tiếp khéo léo, không làm cắt đứt cảm xúc người xem, lại vẫn tách bạch được nội dung của các tích diễn. Để đạt được hiệu quả cao hơn, hình thức minh hoạ trên video đã được lồng những tranh thờ cổ làm cho động tác nhập đồng của diễn viên đầy cảm xúc, tạo nhập tâm cho khán giả.

 Tháng 3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét