26 thg 4, 2016

Phước Đức cổ miếu – Điểm du lịch tiềm năng của huyện Thạnh Trị

Thạnh Trị là địa phương có khá nhiều cơ sở thờ tự mang nét di tích văn hóa tín ngưỡng: đình, chùa, miếu... Trong đó, có 3 cơ sở thờ tự thường xuyên đón nhiều khách thập phương đến tham quan đó là Đình thần Phú Lộc, Đình thần Nguyễn Trung Trực (ấp xã Mau 1- thị trấn Phú Lộc) và Chùa Ông Bổn với tên gọi là Phước đức Cổ miếu, nơi có tiềm năng phát triển thành địa điểm du lịch của huyện.

Phước Đức Cổ Miếu nằm trong khuôn viên hơn 
3.000 mcạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn ấp 1, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Đây là ngôi chùa có lịch sử hình thành khá lâu đời, cách đây hơn 100 năm, được xây dựng với lối kiến trúc đặc biệt theo cấu trúc của người Hoa cổ. Theo ông Trần Tài Hên, Trưởng Ban thào nán của Phước Đức Cổ miếu, Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1912, do ông Đào Việt Cao (là người hiến đất để xây ngôi chùa) cùng với các ông Thái Trường Phát, Ngô Vĩnh Thuận, Thái Vĩnh Thanh, Thái Nguyên Phát, Ngô Hòa hiệp… đã đứng ra xây dựng. Đến tháng 12 năm 2007, Ngôi chùa được tiến hành trùng tu tôn tạo lại với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa ở huyện Thạnh Trị, giữa ngôi chánh điện là bàn thờ vị thần Tam Bảo Công Trịnh Hòa, Nguyên là đô đốc thống lĩnh hải quân dưới triều Minh – Trung Quốc (vào khoảng thế kỷ 15). Theo truyền thuyết, ông là một vị quan thường được triều đình phái đi cứu giúp người dân khi gặp thiên tai hoạn nạn, được mọi người mến mộ gọi ông với cái tên là "Ông Phước Đức", và đây chính là lý do vì sao ngôi chùa này được gắn với tên gọi “Phước Đức Cổ miếu”, đồng bào người Hoa nơi đây thờ phụng Ông với mong ước là được sự phù trợ giúp mọi người sinh cơ lập nghiệp, có cuộc sống an lành.



Bên trái ngôi chánh điện là bàn thờ Quan Công, cũng là vị công thần quan minh chính trực, bên phải là nơi đặt tượng thờ của bà Thiên Hậu Nương Nương, một vị nữ thần được dân gian truyền tụng là phù trợ cho những người dân làm nghề trên biển như ngư dân và thương buôn…

Phước Đức Cổ Miếu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở địa phương, và cũng là nơi thu hút đông đảo cả bà con người Kinh, người Khmer cũng như khách thập phương (từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…) đến tham quan, cúng bái trong các dịp Lễ Tết, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Lễ Thượng Ngươn (rằm tháng giêng), ngày vía Ông Tam Bảo Công (29/3 ÂL), Vía Bà Thiên Hậu (23/3 ÂL) và vía Quan Công (24/6 ÂL) hàng năm, thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan du lịch đến viếng.

Bên cạnh đó, "Phước Đức Cổ miếu" còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội của bà con người Hoa và thông qua đó đã tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp, gây quỹ làm công tác từ thiện… thể hiện truyền thống đoàn kết lâu đời của bà con người Hoa và các dân tộc Kinh, Khmer anh em. Hàng năm, Chùa tổ chức các hoạt động từ thiện như cấp gạo hỗ trợ người nghèo, giúp đỡ cứu tế các gia đình khó khăn.

Theo những người du khách đến đây cho biết, tên gọi “Phước đức” gắn với địa danh “Phú lộc”, về mặt tâm linh, nó có ý nghĩa rất sâu sắc, đến thăm viếng và cầu nguyện tại đây du khách tin rằng cả năm họ sẽ luôn gặp được những điều tốt lành phước đức đầy nhà và phú lộc dồi dào.

Với kiến trúc khá đẹp, lịch sử lâu đời và ý nghĩa về mặt tâm linh như đã đề cập, nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư tôn tạo và định hướng phát triển đúng hướng, tin rằng Phước Đức Cổ miếu sẽ có thể trở thành điểm tham quan lý tưởng của các tour du lịch và cũng là địa điểm du lịch tiềm năng của huyện thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan trong tương lai.

Ngọc Nga - PVHTT Thạnh Trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét