25 thg 4, 2016

Đôi nét về vài địa danh cũ chợ Cần Thơ

Nói chợ Cần Thơ (chỗ nhà lồng cổ) thì người ta nhớ chợ Hàng Dương nơi đây có hàng dương cao cạnh sông rất đẹp, bà con nhóm chợ trên bờ hàng dương. Hàng Dương có bến tàu đi các tỉnh và trong tỉnh. Năm 1915, chính quyền Sài Gòn (người Pháp) xây chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) và chợ Bình Tây thì đồng thời chính quyền Cần Thơ thời đó (người Pháp) cùng xây dựng nhà lồng chợ Cần Thơ (nay gọi là nhà lồng chợ cổ). Từ bến Hàng Dương giáp đầu đường Ngô Quyền có cột lồng đèn cao, ba ngọn đèn tỏa sáng khi có nhà máy đèn Cần Thơ.

Ngày 22-10-1956 thời tỉnh trưởng Đặng Văn Quang (từ tháng 1-1956 đến tháng 4-1957) tỉnh Cần Thơ đổi thành tỉnh Phong Dinh. Đến 1958 tỉnh trưởng Đổ Văn Chước (từ tháng 4-1957 đến tháng 12-1959) đổi tên bến Hàng Dương thành bến Ninh Kiều ngày 7-8-1958. (Ninh Kiều là sự tích Bình định Vương Lê Lợi đánh bại quân xâm lược nhà Minh (Trung Quốc) tại Ninh Kiều đất Bắc xưa nay thuộc Hà Tây, Hà Nội). Nhà lồng cổ Ninh Kiều nay, trước đây tỉnh trưởng người Pháp Tholance (từ tháng 3-1915 đến tháng 11-1915) khởi công xây, đến tỉnh trưởng Caillard (từ 11-1915 đến 4-1917) thì khánh thành mua bán từ đó. Từ chợ đi lên tới ngã ba sông Pháp xây dinh thự Pháp ở, lính đồn trú, ta gọi Bungalo, sau này là nhà hàng Ninh Kiều cả khách sạn Quân Khu.

Từ chợ đi xuống tới cầu Xéo, nói cầu Xéo chớ nay không còn cầu, lúc trước Nhà nước xây cầu (gỗ xi măng) xéo để cho ghe chài đưa hàng lên (nay là chợ Tân An). Nơi đây nhà máy cưa gỗ, gạo, than, củi, hàng tiêu dùng, cá mắm các nơi đến chợ Cần Thơ bán tấp nập.



Từ chợ đi ra phía phải có hàng dừa sau nhà việc Tân An (có lúc là cơ quan UBND TP Cần Thơ). Hàng dừa thuở ấy cao, rất đẹp sau này cũng có nhóm chợ ở đây rất đông đúc.

Tiếp tục xuôi về hướng đường Hòa Bình (trước là đường Hàng Xoài) con đường trung tâm của thành phố lâu nay, đụng bệnh viện, trước đây là nhà thương lớn Cần Thơ, có tên bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa. (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang xây dựng hiện nay). Bên phải đối diện bệnh viện có hàng bả đậu xum xuê rất nhiều dãy tiệm quán mà một thời là bến xe đậu ở đây; cũng ở đây có lúc thương phế binh chế độ cũ cắm dùi chiếm chỗ ở gây khó khăn cho nhà đương cuộc thời đó. Bên kia đối diện hàng bả đậu là đất thánh Tây (nay là công viên Lưu Hữu Phước) ở đây Pháp chôn viên chức, sĩ quan Pháp chết. Sau này thời chính quyền Ngô Đình Diệm diệt Ba Cụt (Lê Quang Vinh) ngày 13-7-1956 cũng chôn ở đây. Mộ Pháp đã lấy cốt về Pháp, mộ khác thân nhân lấy cốt về gia đình.

Dãy phố cặp đường Châu Văn Liêm (trước đó là Nguyễn An Ninh) là con rạch từ sông Cần Thơ chảy vào được nhà đương cục thời đó lấp để mở rộng thành phố.

Từ bệnh viện đi thẳng vào, qua cầu rạch Tham Tướng tới chợ Tham Tướng (nay là chợ Xuân Khánh) thẳng vào Ngã ba Hợp tác xã đến Đầu Sấu, về Cái Răng. Trước đây xe cộ các nơi về Sóc Trăng, Bạc Liêu theo đường này khi chưa có lộ 3 Tháng 2 như ngày nay. Khỏi chợ Tham Tướng vào Ngã ba Hợp tác xã, hai bên rất ít nhà, phía trái bà con làm rẫy bán ra chợ Cần Thơ, phía phải là vườn. Khi chiến tranh ác liệt chính quyền cũ cho lập nghĩa trang, xây nhà máy nước (20-9-1973) trước đó trên con đường này, phía trái chính quyền cũ lần lượt xây trại nhập ngũ số 4 (1965), xây đài phát thanh Cần Thơ ngày 20-12-1967, xây khu đại học Cần Thơ ngày 31-3-1966…

Từ dinh tỉnh trưởng cũ (nay là UBND TP Cần Thơ) đến đường Nguyễn Trãi đi thẳng lên Bình Thủy.

Nhắc lại một chút: ngày 25-6-1867, Pháp chiếm vùng Cần Thơ lúc đó gọi là huyện Phong Phú; ngày 1-1-1868 huyện Phong Phú (Cần Thơ) nhập vào hạt tham biện Sadéc do quan cai trị Pháp ở đây. Đến ngày 30-4-1872, huyện Phong Phú nhập Bắc Trang (Vĩnh Long) do tham biện Trà Ôn rồi từ Trà Ôn dời qua Cái Răng và tỉnh trưởng lúc đó là Deseravalle. Năm 1872 – 1874 ông ta làm tỉnh trưởng ở đây, đến ngày 23-6-1876 dưới thời tỉnh trưởng Schneider đổi tên hạt tham biện Trà Ôn thành tham biện Cần Thơ, tòa bố dời về Tân An (Cần Thơ) (chánh tham biện ngang tỉnh trưởng sau này). Đến ngày 30-9-1970, chính quyền Sài Gòn lập thị xã Cần Thơ (phần nội ô của tỉnh Phong Dinh) thành thị xã trực thuộc chính quyền Sài Gòn gồm quận nhất: phường An Lạc 7 khóm 33.018 dân; An Cư 16.596 dân; An Nghiệp 3 khóm 24.476 dân; An Hòa 5 khóm 35.763 dân; An Thới 3 khóm 16.596 dân; An Hội, Thới Bình ta lập thêm sau. Quận nhì gồm Hưng Lợi 3 khóm 18.051 dân; Hưng Phú 3 khóm 14.919 dân; Hưng Thạnh 2 khóm 3.590 dân; chung 8 phường 32 khóm 182.424 dân. Nói về thôn, làng, xã… của Cần Thơ thì 1867 huyện Phong Phú (Cần Thơ) có ghi để lại:
  • Thôn Tân An (lập thời vua Gia Long)
  • Thôn Thới Bình (lập thời vua Gia Long)
  • Thôn Bình Thủy (lập thời vua Gia Long)
  • Thôn Nhơn Ái (thời Minh Mạng)
  • Thôn Nhơn Nghĩa (thời Minh Mạng)
  • Thôn Thường Thạnh (thời Minh Mạng)
Khi Pháp xây dựng tòa bố và dinh tỉnh trưởng Pháp, trên đường Nguyễn Trãi Pháp xây dựng nhà máy đèn, nhà máy nước (còn đến nay: Công ty điện lực Cần Thơ, công ty cấp thoát nước Cần Thơ). Đường Nguyễn Trãi ngày 5-3-1964 xóm chợ Cầu Củi bị cháy dữ dội. Dân nghi ngờ trung tá Trần Bá Di (tỉnh trưởng từ 11-1-1963 đến 25-5-1965) đuổi xóm lao động Cầu Củi không được, chúng nghi dân lao động ở đây từ Cái Cui, Bùng Binh, Bến Bạ, Phong Điền (Cần Thơ), Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được cách mạng đưa ra bằng ghe, bán củi, chài lưới, làm thuê… để hoạt động. Do đó chúng có ý đồ xây dựng khu tư dinh tư lịnh vùng bốn về đây (nay là Đoàn 30 QK9) cùng câu lạc bộ sĩ quan VNCH (nay là Quận ủy Ninh Kiều). Chúng đốt xóm nhà lá này cháy rụi khổ sở cho dân. Cuộc đấu tranh của dân rất gay go và sau chúng bồi thường và dân ở lại chỗ cũ.

Lên tới ngã tư bến xe mới ngày nay thì lúc trước chưa có bến xe, chưa mở lộ vào Đầu Sấu (Hùng Vương – Trần Hưng Đạo – 3 Tháng 2) nơi ấy có cây xăng và quẹo phải thì ra bến bắc (phà) theo đường Thủ Khoa Nghĩa, nay là đường Trần Phú. Lúc ấy, muốn lên bến bắc phải qua cầu Sáu Thanh (ngay chợ Cái Khế) con rạch này nối Khai Luông đến xóm Lò heo (nay là đường Trần Văn Khéo chạy ra sân banh Cần Thơ). Bến bắc Cần Thơ Pháp xây sau bắc Mỹ Thuận (1915). Bắc Cần Thơ 1918 mới khánh thành lúc đầu có 3 phà đi qua lại.

Đến 1965 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, cố vấn Mỹ xuống Cần Thơ khá đông, lập các cơ quan Mỹ nằm ở miền Tây – chính quyền cũ mở rộng Cần Thơ làm thủ phủ miền Tây, hãng thầu xây dựng của Mỹ RMK – PRJ đến Cần Thơ mở đường, làm sân bay, kho đạn cho hậu cứ chúng. Con đường từ chỗ cây xăng chúng san ủi lập ra bến xe mới, mở rộng lộ lên Long Xuyên, xây khu quân sự từ An Thới lên Trà Nóc thì nhà hai bên đường mới mọc lên chớ trước còn rất vắng. Đến ngày 12-2-1968 Nguyễn Văn Lộc, Thủ tướng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lập khu kỹ nghệ Cần Thơ với tên phòng thương mại công kỹ nghệ tập hợp nhà buôn hoạt động ở Cần Thơ.

Từ bến xe mới chúng phóng lộ mở tới Đầu Sấu để xe từ bến bắc lên về các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu thì đi đường này. Lúc đầu đường tên Nguyễn Viết Thanh (Tư lịnh Vùng bốn trước đây, chết trận năm 1970), sau 30-4-1975 ta đổi thành đường 3 Tháng 2 đến nay.

Cầu Sắt Cái Răng (nay không còn). Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên trên Panoramio

Qua khỏi cầu Đầu Sấu là tới chợ Cái Răng có cầu Cái Răng trước đây khi lập tỉnh Cần Thơ, chính quyền xây cầu sắt 1913. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 7-4-1972 công binh Cần Thơ đánh sập cầu Cái Răng sau đó Mỹ xây lại cầu đúc, đến sau ngày 30-4-1975 xây lại cầu đúc, nay xây lại cầu mới. Chợ Cái Răng có sự kiện đáng nhớ khi Pháp tái chiếm Cần Thơ (26-10-1945), Pháp đóng quân ở nhà việc Cái Răng xưa kia là làng Thường Thạnh do đại úy Rouan chỉ huy. Ngày 12-11- 1945, các anh quốc gia tự vệ cuộc gồm anh: Lê Bình cùng Bùi Quang Trinh, Nhật Tảo, Trần Chiến, Cao Minh Lộc đánh chiếm Cái Răng, đại úy Rouan bị thương; các anh quốc gia tự vệ cuộc của ta hy sinh hết. (Rouan là sĩ quan Pháp bị thương, ông là đảng viên đảng Cộng sản Pháp, khi về hưu ở Pháp ông có hồi ký hết sức khâm phục các chiến sĩ quốc gia tự vệ cuộc nói trên).

10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, bộ mặt Cần Thơ xưa đã có những đổi thay lớn:
  • Nhiều công trình kinh tế - xã hội tăng thêm, đời sống người dân được cải thiện.
  • Các công trình lớn như cầu Cần Thơ, nhà máy nhiệt điện Ô Môn, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, Đại học Y Dược (chưa kể đại học – cao đẳng dân lập).
  • Hàng trăm hẻm lao động được nâng cấp.
  • Đường Quang Trung – Cái Cui – Sóc Trăng; Cần Thơ – Vị Thanh, Cần Thơ – sân bay được làm mới hoặc mở rộng.
  • Hệ thống trường học từ phổ thông trung học, cơ sở các quận đều khởi sắc.
  • Hệ thống bệnh viện thành, quận được trang bị thêm.
  • Hồ Xáng Thổi lâu nay ao tù, nước đọng nay là nơi thư giãn của nhân dân…
10 năm tuy ngắn nhưng làm được các việc trên thôi thúc các cấp, ngành, đoàn thể trong thành phố không ngừng nâng cao tinh thần phục vụ, đưa thành phố xứng tầm là trung tâm khu vực ĐBSCL.

Nguyễn Hà Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét