3 thg 4, 2016

Truyền sử Lâm Quang Ky

Nho sĩ Huỳnh Mẫn Đạt từng viết:Hỏa hồng Nhật tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỉ thần nhằm truy tặng công đức của lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp Nguyễn Trung Trực.


Nhưng hôm nay người mà tôi muốn nhắc đến là vị phó tướng của ông – Phó lãnh binh Lâm quang Ky. Lâm Quang Ky tự là Hưng Thái (Hưng là hưng quốc, Thái là thái bình) sinh tại rạch Kim Qui, xã Vân Khánh Đông, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, con của ông Lâm Kim Diệu (gốc người Hoa) là cai tổng Kiên Định lúc bấy giờ cũng là người nhiệt tình yêu mến nước Việt.

Tương truyền rằng năm ông 14 tuổi, cụ thân sinh ông còn ngồi tại án thư vừa kín đáo nhìn ông đang khêu ngọn bấc, vừa nho nhỏ ngâm lại đôi liễng vịnh Quan Thánh Đế:

Số định tam phần, phò diêm Hán, Tiểu Ngô phạt Ngụy tân khổ dị thường

Chí tôn nhất thống tá Hy triều phục ma đảng khấu Oai linh nghi chấn chỉ hườn đương nhựt tinh trung, vị Liêu bình sanh sự nghiệp.

Có nghĩa: Số trời định ba phần, phò diêm Hán. Đánh Ngô phạt Ngụy, cay đắng nếm đều, sự nghiệp bấy lâu chưa dứt. Lòng ta thâu một mối, giúp Hy triều trừ yêu tảo loạn, oai linh dậy khắp, tình trung thuở ấy vừa xuôi

Sau khi nghe dứt, ông đưa mắt nhìn cha, trịnh trọng hỏi:
  • Thưa cha, dân lấy gì làm gốc?
  • Dân lấy nước làm gốc.
  • Nước lấy gì làm đầu?
  • Nước lấy dân làm đầu.
  • Dân lấy gì làm căn?
  • Dân lấy ăn làm căn.
  • Thế nước không thái bình, dân lấy ăn được sao?
  • Dĩ thực mới vực được đạo…
Cụ Diêu nói đến đây nhìn ông mỉm cười rồi nói tiếp:
  • Cha cho phép con nói tiếp lời cho trọn câu ý cha muốn nói gì.
Không cần suy nghĩ, ông tiếp lời:
  • Thưa cha, dĩ thực mới vực được đạo miễn con người đừng xem nặng cái sống để ăn mà phải biết cái ăn để sống để tranh đấu cho lẽ phải của đạo nhân dù trong thời bình hay trong thời loạn.
Sau khi ông dứt lời, cụ Diêu đứng dậy âu yếm vuốt lên mái tóc đứa con yêu quí của mình, trong lòng ngập tràn vui sướng. Lần đầu tiên cụ đã sai lời với cụ bà vì cụ thường căn dặn cụ bà rằng ‘Thương con đừng để lộ nhiều cho nó biết mà khó răn dạy nó.’

Sinh ra trong thời loạn, trong một gia đình Nho giáo, lấy trung, can, nghĩa, khí làm đầu. Ông cũng như bao nhiêu người dân miền nam dâng tràn uất hận khi nghe hung tin bọn Việt gian Trần Bá Lộc và Huỳnh Công Tấn xui quân Pháp bắt mẹ cụ Nguyễn Trung Trực để buộc cụ Nguyễn ra hàng. Ông nhận thấy cụ Nguyễn là linh hồn của cuộc kháng chiến và là một người con có hiếu; mất cụ nghĩa binh sẽ tan rã. Sau khi suy nghi thiệt hơn, ông Lâm Quang Ky quỳ trước mặt cha là cụ Lâm Kim Diệu, dâng khay trầu rượu với chiếc khăn tang, tỏ cùng cha quyết định muốn nạp mình cho giặc để cứu mạng sống bao người vô tội, và cứu người anh hùng chủ soái cần sự sống để lo đại sự hơn là mình, xin phụ thân thứ tội vì chưa tròn chữ hiếu. Cụ Lâm Kim Diệu cầm chung rượu lên uống, rồi đặt chung xuống, cười và nói: ”Có thế mới đáng làm con dân nước Việt và làm con ta.” Chí đã định, lòng không lay , ông dẹp tình riêng, cầm gươm cắt đứt vạt áo mình bị người vợ trẻ níu lại. Dòng họ Lâm cho đến nay vẫn còn tôn thờ một mảnh vải, mà theo lời kể của người giữ di vật thì đó là vạt áo của Lâm Quang Ky do chính tay ông cắt đứt khi người vợ trẻ níu áo van xin ông đừng đi nhận cái chết thay.

Khi tới đầu thú chính quyền Pháp, ông tự xưng là Nguyễn Trung Trực, lãnh tướng nghĩa quân, bọn Pháp cả tin, không một chút nghi ngờ. Nhưng rủi thay, hôm đó có tên Lượm, một nghĩa quân đào ngũ sang đầu quân cho Pháp, vì có công làm tay sai, điềm chỉ bắt nhiều nghĩa quân cho Pháp nên được thăng tới chức ”đội,” mách chọ bọn Pháp lúc đó biết: người đầu thú là Lâm Quang Ky, cận tướng tâm phúc của Nguyễn Trung Trực chứ không phải Nguyễn Trung Trực, song người này cũng cực kỳ nguy hiểm!

Sau đó, bọn Pháp ra lệnh đóng vào cổ ông hai cái gông dẫn ra chợ Rạch Giá xử chém. Hôm ấy là ngày 1/7/1868, nhằm ngày 12 tháng 5 năm Mậu Thìn. Dân chúng cảm phục xưng tặng ông là “Lê Lai Kiên Giang”.

Mộ nguyên táng của ông tại Rạch Giá, sau dời về Tà Niên song táng với mộ của bà ở Lâm Môn Mộ Sở.Hậu duệ của cụ Lâm Quang Ky sau naỳ hầu hết đều theo nghiệp binh đao, duy chỉ có nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng là hậu duệ đời thứ 7 ( tính từ ông tổ Lâm Tam Lang) bắt đầu sáng tác nhạc năm 13 tuổi và người viết là đứa cháu gái đời thứ 8 chỉ thích văn thơ.

Viết đến đây tôi bỗng thấy chạnh lòng khi nhớ lại rằng suốt quãng đời học sinh trong những tiết Sử tôi chưa bao giờ được nghe một bài giảng nào về vị anh hùng trung can tiết liệt Lâm Quang Ky. Phải chăng ông đã bị lịch sử lãng quên?

Hải Đường




Hải Đường đến viếng mộ tổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét