12 thg 4, 2016

Nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài nằm ở phía Nam thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) từ lâu vốn là môi trường đánh bắt hải sản tự nhiên của người dân trong vùng. Mạnh dạn đầu tư vốn và kỹ thuật để nuôi các loài hải sản có giá trị kinh tế cao trên vịnh Xuân Đài, nhiều ngư dân vùng này đã trở thành các triệu phú, tỷ phú, giúp đời sống gia đình ngày càng được cải thiện cũng như góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương. 

Với diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, trải dài từ Vũng Lắm đến Vũng La, nguồn nước của vịnh Xuân Đại thực sự là môi trường sống lý tưởng cho các loài hải sản. Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Sông Cầu, trên vịnh Xuân Đài hiện có 1.124 hộ nuôi tôm hùm với 13.302 lồng nuôi, chủ yếu là tôm hùm bông (sao), còn lại tôm đá, tôm xanh, tôm sỏi, tôm tề thiên...

Thế mạnh nổi bật trên vịnh Xuân Đài là nuôi tôm hùm xuất khẩu với điều kiện tự nhiên kín gió quanh năm cũng như môi trường nước ổn định. Từ năm 1990 đến nay, bình quân mỗi năm, người dân nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài thu hoạch khoảng 500 tấn thương phẩm và ươm nuôi cung ứng thị trường miền Trung khoảng 300.000 đến 400.000 con tôm giống, với tổng doanh thu gần 600 tỷ đồng. 

Một góc vịnh Xuân Đài ở phía Nam thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi các loại thủy sản như tôm hùm, hàu, cá mú, ốc hương….


Bè nuôi thủy sản trên vịnh Xuân Đài.

Một hộ gia đình làm nghề nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài.

Nghề nuôi tôm hùm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong vùng.

Thức ăn cho tôm hùm nuôi trên Vịnh.

Vỉa hàu thả xuống các lồng nuôi trên Vịnh.

Tôm hùm phát triển nhanh với môi trường nước tương đối ổn định và kín gió ở vịnh Xuân Đài.

Tôm hùm xuất khẩu là loại thủy sản có giá trị thương phẩm rất cao nuôi ở vịnh Xuân Đài...

...ngoài ra, cá bóp cũng là một trong những loại thủy sản được nuôi nhiều ở vịnh Xuân Đài những năm gần đây. 

Vịnh Xuân Đài cũng là nơi có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như vũng La, vũng Sứ, vũng Chào… và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Ngày 28/3/2011, Vịnh Xuân Đài được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
 Mỗi vụ nuôi tôm hùm thường kéo dài khoảng 14 tháng, sau đó thu hoạch bán cho thương lái mang đi xuất khẩu. Người dân nuôi tôm hùm ban đầu thường phải đầu tư một lồng nuôi tính cả vỏ lẫn ruột (lồng nuôi, giống, thức ăn) với số vốn khoảng gần 30 triệu đồng. Mỗi lồng nuôi tôm hùm có diện tích trung bình khoảng 9m2, cao gần 2m, có gắn ống nhựa dài khoảng 4m nằm giữa những ô lồng, bè làm bằng phuy nhựa cách mặt nước sâu khoảng 2m. 

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân nuôi tôm hùm ở đây, muốn tôm hùm khỏe mạnh, phát triển tốt phải chọn nuôi ở vùng nước sạch, có độ mặn cao. Đồng thời, tôm hùm giống sẽ đạt tỉ lệ sống cao nếu lồng bè nuôi thông thoát tại nơi nước có dòng chảy. Tôm hùm được cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối qua đường ống nhựa gắn với lồng nuôi ló trên mặt biển giữa lồng bè. Thức ăn cho tôm hùm chủ yếu là cá, hàu, sò, vẹm và tôm tít, cua ghẹ băm nhỏ.

Theo giá cả thị trường hiện nay, một kg tôm hùm thương phẩm có giá từ 1,7 đến 2 triệu đồng, mỗi hộ dân nơi đây thu lãi ít nhất 150 triệu đồng và nhiều nhất lên đến 2 tỷ đồng nhờ nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu. Như ông Nguyễn Văn Quang, gắn bó với nghề nuôi tôm hùm xuất khẩu từ năm 2009, đến nay đã có 120 lồng nuôi thương phẩm và 40 lồng ươm tôm giống, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí…

Để nghề nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài luôn diễn ra thuận lợi cho người dân, Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu định kỳ hàng tháng gửi các văn bản thông báo kết quả quan trắc môi trường và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm theo đúng quy trình, giúp hạn chế dịch bệnh tôm. Vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm lồng thương phẩm đến năm 2020 nhằm phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm đồng thời bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản. Theo đó, các vùng nuôi tôm hùm trong toàn tỉnh Phú Yên, trong đó có vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài đã triển khai quy hoạch chi tiết, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lồng, bè nuôi phù hợp với phương án được duyệt và xây dựng quy chế quản lý vùng nuôi…

Bên cạnh nuôi tôm hùm xuất khẩu, trên vịnh Xuân Đài, nhiều hộ dân còn mở rộng nuôi hàu, cá mú, ốc hương…, mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp đời sống gia đình ngày càng được cải thiện mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương.

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét