Trà Phương là một ngôi làng cổ nho nhỏ hiền hòa nằm giữa hai làng Quế Lâm, Phương Đôi - trung tâm của xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng ngày nay.
Làng Trà Phương cách Thị trấn Núi Đối- trung tâm huyện Kiến Thụy gần 3 km về phía Đông bắc. Còn nếu đi về phía Đông, cũng chừng đó quãng đường là tới Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc tại thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, cùng huyện Kiến Thụy.
Một góc làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thuy, TP.Hải Phòng hôm nay. Làng Trà Phương nho nhỏ nhưng phong cảnh hữu tình, với những đồng lúa, đồng màu xanh ngát bao quanh...
Theo sử sách, tên cổ của làng Trà Phương vốn là Trà Hương, thuộc huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương. Năm 1813, do kiêng húy nhà Nguyễn đã đổi thành Trà Phương.
Dù đổi tên nhưng ý nghĩa đẹp đẽ của tên làng Trà Hương vẫn vẹn nguyên. Hương vị thơm ngon của những lá chè được hái từ những cây chè cổ thụ trên núi Chè còn gọi là núi Trà. Núi Trà như bức bình phong thiên nhiên chắn phía Đông của làng đã làm nên tên làng.
Trà Phương là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Dấu ấn đậm nét nhất gắn liền với Vương triều nhà Mạc 1527- 1593. Câu đồng dao "Cổ Trai đế Vương, Trà Phương Công chúa" được lưu truyền từ đời này sang đời khác như niềm tự hào của bao thế hệ người làng Trà về vị Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người con gái Trà Phương đẹp người đẹp nết đã trở thành hoàng hậu - vợ vua Mạc Đăng Dung.
Núi Trà Phương, bức bình phong thiên nhiên chắn phía Đông của làng đã làm nên tên làng.
Qua bao biến thiên của lịch sử, người làng Trà Phương đã bảo vệ, giữ gìn, thờ cúng 2 pho tượng của vua Mạc Đăng Dung và hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn - sau này được tấn phong làm Thái Hoàng Thái hậu. Hai pho tượng quý này nay đã được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Hai bảo vật quốc gia này cùng có niên đại thế kỉ XVI, đang được thờ cúng tại chùa Trà Phương.
Trước kia, khi đứng trên núi Trà nhìn xuống, sẽ thấy dòng sông Tiểu Khê dài hơn 10 cây số, chảy từ Tiên Cầm qua cửa chùa Hòa Liễu xã Thuận Thiên (nơi có hội Minh thề) đến cửa chùa Ngọc Liễn xã Đại Hà. Dòng sông Tiểu Khê trở nên mênh mông vào mùa hạ, tạo thành đầm nước, thuyền bè tấp nập nơi cửa chùa Thiên Phúc Tự vào ngày đản sinh Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn 15-6 âm lịch.
Người làng Trà nổi tiếng với những nghệ sĩ dân gian hát đúm, hát cửa đình từ lễ hội này, truyền lại ở thế kỉ XX như nghệ nhân Ngô Duy Thẫn, Nguyễn Thị Ngữ.
Dòng nước mềm mại phía tây làng tưới mát cho ruộng đồng, tạo nên thửa ruộng hình dải yếm thật nên thơ, trên dạt dào sóng lúa, dưới đầy đặc cá tôm.
Người làng Trà vẫn lưu truyền truyền thuyết về gương lược, dải yếm mà Bà Công chúa, sau này là Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn để lại cho cháu con.
Giếng làng Trà Phương bây giờ người dân đã không còn sử dụng nhưng vẫn được lưu giữ, bảo tồn.
Khi xưa, người dân trong làng Trà Phương uống nước từ dòng chảy chắt chiu từ lòng đất núi Trà, cũng từ đó hình thành câu ca "Giếng Trà Phương vừa trong vừa mát...".
Vật đổi sao dời,"sông kia rầy đã nên đồng", nhưng dải yếm của bà Chúa, cùng với thửa ruộng mang hình gương, lược, giếng nước trong nay vẫn còn như sự giải thích cho việc con gái làng Trà thường sở hữu nhan sắc hơn người là do địa thế phong thủy, và dòng nước trời cho.
Cụ bà Nguyễn Thị Khỏa, năm nay đã 88 tuổi vẫn giữ được nét đẹp trời phú: da trắng, môi đỏ, dáng đi mềm mại.
Hẳn khi còn trẻ, bà là một cô gái xinh đẹp của làng Trà Phương. Bà tự hào kể về những vẻ đẹp "sắc nước hương trời" của những cô gái làng Trà khi xưa.
Những cái tên chị em gái của cụ như cụ Bế, cụ Xoa, cụ Kim (được gọi theo tên con đầu lòng của các cụ), cụ Dĩnh, cụ Cói, cụ Kiểu, Đạm, cụ Ngữ, cụ Lọng ...đẹp nức tiếng hồi đầu thế kỉ XX mà cho tới ngày nay dân làng còn ca tụng.
Cụ ông Nguyễn Văn Sơn, năm nay đã 94 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Như một pho sử sống, cụ say sưa kể cho chúng tôi về truyền thống, lịch sử của làng Trà Hương.
Những câu chuyện về hợp tác xã, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp..., nhưng không quên những câu chuyện về những người phụ nữ đẹp ở làng.
Như lời của cụ thì phụ nữ làng Trà khi xưa đẹp lắm. Tóc dài, da trắng, mắt phượng mày ngài. Vẻ đẹp cao quý "chim sa cá lặn".
Cụ kể vanh vách những cái tên "người đẹp" nay đã trên dưới 90 như bà Khỏa, bà Chang, bà Bê, bà Xoa, bà Thêm, bà Hiền, bà Múi, cụ Thục...
Hay các bà, các cô nay trên 70 tuổi như bà Lãng, bà Lơi, bà Vui, bà Hảo, bà Nguyên, bà Diễn, bà Thê, bà Thượt, bà Vớ, bà Chuyện, bà Thơ, bà Khoắn, chị em bà Thạm, bà Ngận, bà Thạo, bà Lạo đẹp như diễn viên điện ảnh và em gái của các bà cũng rất đẹp. Lớp trên dưới 60 tuổi có chị em cô Liêm, Liễm, Linh, Lan, chị em dì cháu cô Thêm, cô Lán, cô Lụa, cô Nõn, cô Xuyên....
Một trong những người con gái đẹp của làng Trà Phương là bà Vũ Thị Ngọc Toàn sau này trở thành hoàng hậu - vợ vua Mạc Đăng Dung.
Người con gái làng Trà ngày nay vẫn giữ được vẻ đẹp lưu truyền. Gần đây, trong cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016, Ngô Mai Phương, nữ sinh làng Trà Phương đã đoạt giải Á khôi 1 và Miss Thân thiện của cuộc thi, đem lại niềm hãnh diện cho quê hương.
Ngô Mai hương, nữ sinh làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã đoạt giải Á khôi 1 và Miss Thân thiện của cuộc thi Hoa khôi Sinh viên 2016, đem lại niềm hãnh diện cho quê hương.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người Trà Phương luôn ghi nhớ công lao của các bậc Tiên hiền đã có công mở làng, lập đất, phù trợ cho dân làng qua bao năm tháng.
Nhưng có lẽ không nhiều làng quê trên đất nước này có các vị Thành hoàng đặc biệt như ở làng Trà Phương. Đó là Thiên Thần Vọng Hào, Linh Quy Đại Vương và Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Theo quan niệm của dân làng, che chở cho làng có cả Thần nhà trời, Vật thần và Nhân thần. Nên cũng dễ hiểu vì sao người làng Trà Phương gọi củ su hào là củ thò lò, đồng tiền hào thuở xưa gọi là hầu (để tránh phạm húy Thiên thần Vọng Hào) và không ai đặt tên con là Quy.
Dưới chân núi Chè (hay còn gọi là núi Trà) vẫn còn dấu tích ngôi miếu thờ thần Linh Quy Đại Vương, vẫn được dân làng khói hương mỗi ngày sóc vọng và lễ chính vào ngày 6/2 âm lịch hàng năm.
Các vị Thành hoàng làng đang được dân làng thờ cúng tại nhà truyền thống của làng, cùng với việc thờ cúng các anh hùng liệt sĩ, những người con của làng Trà đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc.
Như bao làng quê Việt Nam, ngôi chùa của làng được xây dựng từ rất sớm. Chùa Trà Phương có tên chữ là Thiên Phúc tự.
Ngôi chùa cổ kính có lịch sử từ thời nhà Lý - thế kỉ XI với tên gọi Chùa bà Đanh, dấu vết ở bến đò phía tây nam của làng. Dân làng Trà còn truyền tụng câu chuyện thuở hàn vi, khi bị kẻ thù truy sát, vua Mạc Đăng Dung đã lánh nạn ở chùa này.
Dựng lên nghiệp đế vương, nhà vua nhà Mạc nhớ ơn xưa, ban chiếu cho mở mang, xây dựng đổi tên thành Thiên Phúc tự. Sau đó Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng 25 Thân vương, Công chúa, Quận công nhà Mạc góp công trùng tu, tôn tạo. Việc này được ghi lại trên tấm bia đá tại Chùa có tên Tu tạo bà Đanh tự, khắc vào năm 1562 - Thuần Phúc sơ niên, đời vua Mạc Mậu Hợp.
Thiên Phúc tự còn được trùng tu vào năm 1936-1938 do bà Ngô Thị Dĩnh, người làng Trà có chồng là người Pháp, Chánh đài Thiên văn Kiến An bỏ tiền của tôn tạo. Năm 2007, Thiên Phúc tự được công nhận là Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.
Trà Phương, mảnh đất thấm máu của 17 cán bộ chiến sĩ Công an xung phong trong trận càn của giăc Pháp vào cuối năm 1947, quê hương của người liệt sĩ đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng hi sinh năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc.
Trà Phương cũng là nơi đội dân quân tự vệ trên núi Chè bắn rơi máy bay AD6 của Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Và bao người con của làng Trà đã ra đi mãi mãi không trở về, đã hi sinh một phần thân thể trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, để quê hương bình yên, giàu đẹp hôm nay.
Đường làng Trà Phương hôm nay khàng trang sạch đẹp. Nông thôn mới ở Trà Phương đang được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại.
Làng Trà trong nhịp sống hiện đại hôm nay vẫn giữ được sự bình yên và trân trọng những dấu tích lịch sử đã làm nên đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của quê hương. Những ngôi trường của các cấp học náo nức niềm vui của các em thơ. Nhà văn hóa thôn rộn ràng mỗi chiều bởi sinh hoạt văn nghệ, thể thao cộng đồng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Trà Phương đã góp phần làm nên những con đường bừng sáng khi đêm xuống đã tạo nên nét lung linh của làng quê.
Dù đi đến đâu, những người con của làng Trà vẫn đăm đắm nhớ về quê hương. Và ngôi làng Trà Cổ nơi địa đầu miền Đông bắc của Tổ Quốc (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) như nhắc nhở rằng, từ xa xưa, nơi đó, những người làng Trà đã đến, dựng làng mới trong nỗi nhớ quê.
Trà Phương, quê hương yêu dấu của bao thế hệ người dân nơi đây, đã trở thành kỉ niệm, là nỗi nhớ, niềm thương với những người xa quê, là niềm vui khi được trở về làng.
Nguyễn Thị Ngọt - Vũ Thị Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét