18 thg 11, 2022

Đi tìm chữ viết Chơ Ro

Đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống tập trung chủ yếu tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay đồng bào Chơ Ro hầu như chỉ còn lưu giữ lại được tiếng nói riêng mà không có chữ viết thống nhất. Chính vì thế, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã dành cả đời để đau đáu với công trình tìm lại chữ viết cho dân tộc mình.

Thầy Đào Văn Phước, Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người luôn trăn trở và tâm huyết với việc bảo tồn, truyền dạy tiếng Chơ Ro cho thế hệ trẻ

Tôi còn nhớ lần đầu tiên có dịp tiếp xúc và viết bài về đồng bào Chơ Ro cách đây 4 năm, ông Đào Văn Giả, Bí thư Chi bộ kiêm Người có uy tín tại khu phố Vinh Thanh, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tâm sự: “Đời sống phát triển, hiện đại quá, lớp trẻ ngày nay không những quay lưng nhiều với văn hóa truyền thống mà ngay cả tiếng nói cũng dần mai một. Giữa người Chơ Ro với nhau bây giờ cũng giao tiếp nhiều bằng tiếng Kinh, lời ru con bằng những làn điệu dân ca Chơ Ro cũng thưa thớt dần…”.

Những tâm sự ấy đã làm chúng tôi phải suy ngẫm rất nhiều trong suốt hành trình nhiều năm làm báo. Tôi nhớ có một nhà nghiên cứu từng nói rằng: “Rồi sau tất cả mọi khác biệt về sắc phục, văn hóa, đời sống, điều quan trọng nhất để phân biệt sự tồn tại của một dân tộc có lẽ là tiếng nói, tiếng nói còn thì dân tộc còn”. Vì lẽ đó những lo lắng của ông Đào Văn Giả, hay của nhiều người cao niên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà sư phạm người Chơ Ro mà chúng tôi có dịp tiếp xúc sau này đều có lý do xác đáng.

Tuy nhiên, để lưu truyền, bảo tồn tiếng nói thì chữ viết chính là hình thức quan trọng nhất, mà theo nhiều vị cao niên cho biết, chữ viết của người Chơ Ro đã thất truyền từ lâu. Đến tận giai đoạn giữa thế kỷ 20, để thuận tiện cho việc truyền giáo trong khu vực đồng bào Chơ Ro sinh sống - chữ viết Chơ Ro bắt đầu được quan tâm nghiên cứu.

Đưa văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vào trong trường học góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức về tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ

Giai đoạn thập niên 40 của thế kỷ 20, một số chuyên gia thuộc Viện Ngôn ngữ học Mùa Hè (Một tổ chức phi lợi nhuận của Cơ đốc giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, có mục đích chính là nghiên cứu, phát triển và cung cấp tư liệu về các ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ ít được biết đến, để mở rộng việc biên dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ địa phương) với sự cộng tác của một số trí thức dân tộc đã tiến hành tìm hiểu hệ thống ngữ âm Chơ Ro và tiến hành nghiên cứu, ký âm trên cơ sở mẫu tự La-tinh. Vào thời điểm đó bắt đầu có một số tài liệu (chủ yếu là các thông tin truyền giáo, Kinh Thánh) được in và phổ biến bằng chữ viết Chơ Ro theo những nghiên cứu ban đầu này.

Tiếp đến là khoảng thập niêm 60 - 70 của thế kỷ 20, chữ Chơ Ro đã bắt đầu có những sự thống nhất và được đưa vào giảng dạy tại một số tỉnh có đồng bào Chơ Ro sinh sống, song do nhiều biến động đến nay hầu hết các tài liệu về chữ viết đã không còn đầy đủ nữa.

Chính điều này đã không ngừng thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu, những người con của dân tộc Chơ Ro đã dành rất nhiều năm, thậm chí gần cả đời để sưu tầm, đi tìm lại chữ viết của dân tộc mình.

Trong số đó có thể kể đến ông Trần Tấn Vĩnh (nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được xem là người tiên phong cho công cuộc bảo tồn văn hoá dân tộc Chơ Ro. Dựa trên cách phát âm và kế thừa những nghiên cứu về hệ thống ngữ âm Chơ Ro trên cơ sở mẫu tự La-tinh trước đó của Viện Ngôn ngữ học Mùa Hè, ông Vĩnh đã lập ra hệ thống với 34 đơn vị chữ cái. Quyển từ điển Việt – Chơ Ro của ông với hơn 10.000 từ đã được Sở Khoa học và Công Nghệ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiệm thu từ năm 2007.

Hay như câu chuyện của ông Điểu Tám (ngụ tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), xuất phát từ lòng yêu tha thiết văn hóa của dân tộc và lo sợ có ngày mai một, ông đã quyết tâm tìm cách để bảo tồn được ngôn ngữ của Chơ Ro. Thông qua những tư liệu cũ còn sót lại sưu tầm được, cùng những tham khảo tìm tòi từ các nhà nghiên cứu, các già làng, ông đã sáng tạo ra bộ chữ viết Chơ Ro cũng mượn từ ký tự La-tinh với 26 chữ cái.

Còn nhiều nữa những công trình nghiên cứu về chữ viết Chơ Ro, nhưng có lẽ nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: “Vậy vì sao đến nay người Chơ Ro vẫn chưa có chữ viết thống nhất?”. Đây quả thật là câu hỏi không những chưa có lời giải đáp xác đáng mà còn là những trăn trở của nhiều thế hệ đồng bào Chơ Ro, trong đó có những người dành gần cả đời để gắn bó với công tác giáo dục như thầy Đào Văn Phước, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có lần chia sẻ với chúng tôi: “Mọi thành quả về chữ viết Chơ Ro hiện nay đều chỉ từ các công trình nghiên cứu cá nhân, hoặc độc lập của một nhóm nhỏ, quy mô và phạm vi phổ biến chưa cao. Tính thống nhất trong cộng đồng chưa có, nên mỗi địa phương, mỗi khu vực làm một kiểu”.

Biểu diễn cồng chiêng, phục dựng lại lễ hội va các nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chơ Ro tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Chẳng hạn như bộ từ điển Việt – Chơ Ro, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiệm thu năm 2007. Thầy Phước đã xin phép cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thụ hưởng thành quả nghiên cứu này, cũng như xin phép tỉnh được thử nghiệm dạy tiếng Chơ Ro cho học sinh của trường, thông qua hình thức Câu lạc bộ ngoại khóa, tuy nhiên đến nay thì mọi thứ cũng chỉ đang dừng lại ở mức thử nghiệm.

Hay như trường hợp của ông Điểu Tám và một số cá nhân khác, mặc dù cất công nghiên cứu ra được những cách ký âm từ tiếng Chơ Ro, nhưng vẫn chưa có cơ sở khoa học cụ thể. Nên cũng chỉ có thể đem những điều ấy truyền dạy, phổ biến cho con cháu trong nhà, hoặc những người trong làng, trong xóm mà thôi.

Và câu chuyện đi tìm chữ viết Chơ Ro ắt hẳn sẽ còn là một quãng đường dài và nhiều khăn khó. Tuy nhiên những nhận định của thầy Đào Văn Phước về vấn đề này chúng tôi cho rằng là điều hoàn toàn xác đáng và cần phải được quan tâm thực hiện cấp thiết trong thời đại 4.0 ngày nay: “Điều quan trọng nhất là phải làm sao dạy cho các em hiểu được giá trị của việc phải gìn giữ và lưu truyền bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Từ việc hiểu đúng, hiểu đủ về trách nhiệm của bản thân với dân tộc, với cha ông thì các em mới yêu thích và sẵn sàng học tiếng nói, chữ viết và các hình thức văn hóa dân gian khác của dân tộc Chơ Ro.”

Lê Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét