26 thg 11, 2022

Dấu ấn ông Sáu Dân trên vùng Tứ giác Long Xuyên

Ngày nay, Tứ giác Long Xuyên (TGLX) trở thành vựa lúa của khu vực ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, nếu không có tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với chủ trương đào kênh thoát lũ ra biển Tây, có lẽ “túi phèn” TGLX khó được khai mở, vùng đất hoang vu “khỉ ho cò gáy” này khó vươn mình phát triển. Người dân nơi đây mãi nhớ ơn ông, ấn tượng với vị Thủ tướng gần dân, luôn lắng nghe và hành động.

Tiếp nối Thoại Ngọc Hầu

Ở xã biên giới Lạc Quới (huyện Tri Tôn) ngày nay, Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt tạo thành điểm nhấn nổi bật dưới chân cầu T5, cặp bên UBND xã Lạc Quới và dòng kênh đã đi vào huyền thoại. Ban đầu, kênh có tên là T5 - Tuần Thống theo đúng như tên gọi mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công vào ngày 22/4/1997, khởi đầu cho công trình thoát lũ ra biển Tây, đánh thức tiềm năng vùng TGLX.

Sau này, cái tên T5 được dùng ngắn gọn hơn, sau đổi thành “Kinh Võ Văn Kiệt” theo Nghị quyết kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh An Giang, ngày 10/7/2009. Dù là tên gọi khác nhau, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi T5 là “kinh ông Kiệt” để tưởng nhớ công lao của ông.


Công viên văn hóa Võ Văn Kiệt

Khi chấp bút cho đoạn văn bia đặt trang trọng dưới chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu kênh T5, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị, người gắn bó và thường tháp tùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát công trình thoát lũ ra biển Tây) mở đầu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta. Nơi đây, ngày 25/7/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay sau khi khai thông dòng kinh, nhân dân đã gọi là kinh ông Kiệt”.

Trong văn bia, ông Bảy Nhị tóm tắt ý nghĩa, giá trị dòng kênh: “Con kinh này là trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn khai mở vùng TGLX, đã đưa sản lượng lúa tăng gấp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng. Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Nhân dân gọi đó là dấu ấn Võ Văn Kiệt”.

Rồi văn bia kết thúc bằng lời nhắn nhủ cho thế hệ hôm nay và mai sau: “Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế, lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy, cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc” - lời kết trên văn bia ở công viên văn hóa Võ Văn Kiệt.

Một góc dòng kênh T5 (kênh Võ Văn Kiệt)

Đời sau mãi ghi ân

Không cần nói nhiều về ý nghĩa công trình thoát lũ ra biển Tây gắn với công lao cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ cần nhìn vào sự trù phú của vùng TGLX, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống của người dân An Giang và Kiên Giang trong vùng phát triển, đủ thấy giá trị tầm nhìn của vị Thủ tướng vì dân.

Ông Sáu Đức (nông dân Nguyễn Lợi Đức, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) ngày nay thường được biết đến với biệt danh “vua lúa” miền Tây. Trải qua hàng chục năm gian khó trên vùng đất mới, Sáu Đức hiểu rất rõ lợi ích công trình mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho hậu thế.

“Ngày xưa, vùng này đúng nghĩa “túi phèn”, nước trong vắt nhưng không xài được. Lưu dân mở đất vào đây sạ lúa, thấy cây lúa phát triển xanh tươi, lòng mừng khấp khởi. Tuy nhiên, chỉ sau vài cơn mưa, phèn dậy lên, lúa chết rụi. Nếu không có công trình thoát lũ ra biển Tây, tháo chua, rửa phèn, vùng đất này không thể phát triển”- Sáu Đức khẳng định.

Thế hệ hôm nay mãi nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Nhớ ơn vị Thủ tướng luôn lắng nghe và hành động vì dân, vì nước, Sáu Đức âm thầm làm một việc rất ý nghĩa. Đó là tài trợ xây dựng cầu kênh Tám Ngàn - Vĩnh Thuận 4, công trình bắc qua kênh Tám Ngàn, kết nối giao thương vùng đất Lương An Trà (huyện Tri Tôn) với tỉnh Kiên Giang.

Do Tám Ngàn là con kênh lớn, để xây được cây cầu dài đến 75m, ngang 3,5m, cho phép xe tải trọng đến 5 tấn lưu thông, cần nguồn kinh phí lên đến 1,6 tỷ đồng. Đối với nhiều người, số tiền này là cả một tài sản lớn nhưng với Sáu Đức, ông bỏ ra tài trợ một cách nhẹ nhàng, không cần nói nhiều, không cần ca ngợi, đúng như tính cách của người nông dân này.

Sáng 23/11/2022, UBND huyện Tri Tôn trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây như lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với vị Thủ tướng mãi đi vào lòng dân. “Với tầm tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, lắng nghe dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức đường lối đất nước, có nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Con người, cuộc đời, sự nghiệp của ông là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo tài năng, luôn đột phá, linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán; một Thủ tướng để lại dấu ấn khó phai mờ. Những giá trị mà ông để lại sẽ mãi mãi trường tồn với lịch sử và trong mỗi chúng ta. Ông luôn là tấm gương sáng cho nhân dân Tri Tôn và thế hệ đi sau học tập, noi theo” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sinh ngày 23/11/1922 (tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), mất ngày 11/6/2008. Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu Chính phủ (1991-1997), ông đã để lại dấu ấn khá mạnh mẽ về một nhà lãnh đạo có tinh thần đổi mới. Sự quyết đoán, lắng nghe và hành động của ông đã để lại cho đất nước những công trình được người đời mãi ghi ân, như: Chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau, biến những vùng đất vốn bị nhiễm phèn, mặn trở thành vùng đất màu mỡ, trù phú. Ông là người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng công trình đường dây tải điện Bắc Nam 500kV đầu tiên ở Việt Nam. Công trình hoàn thành giúp khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, tạo sức bật cho sự phát triển mạnh mẽ của miền Nam.

NGÔ CHUẨN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét