20 thg 11, 2022

Sông Vệ được chạm khắc trên Cửu đỉnh

Sông Vệ chưa phải là con sông lớn nhất, kỳ vĩ nhất trong bốn con sông lớn của Quảng Ngãi là Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu và sông Vệ. Thế nhưng, sông Vệ lại vinh dự được chọn khắc lên Dụ đỉnh, một trong Cửu đỉnh được đặt tại sân Đại nội Huế. Hơn 180 năm qua, Cửu đỉnh vẫn ở vị trí này, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng sửa chữa.

Dòng sông mùa lũ

Sông Vệ có chiều dài gần 90 km, là hợp lưu của hai nhánh chính, một là từ núi Đồng Khố, tỉnh Bình Định chảy qua, một là từ KBang, tỉnh Gia Lai chảy về hòa chung dòng ở địa phận huyện Ba Tơ. Sông có 5 phụ lưu cấp 1 và 2 phụ lưu cấp 2; trong đó phụ lưu đáng kể nhất là sông Liên, sông Tô và sông Mễ. Sông Liên nhập dòng với sông Tô ở thị trấn Ba Tơ chảy theo hướng tây nam - đông bắc. Sông Tô từ đồng Bia, xã Ba Tô chảy về hợp với dòng chính cách thị trấn Ba Tơ 18 km về phía hạ lưu. Sông Mễ chảy từ núi Mum về hợp với sông chính ở làng Teng, xã Ba Thành. Từ đây sông Vệ đổ xuống địa phận xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), ra khỏi các vách núi, hẻm sâu, thung lũng để về xuôi với độ dài gần 60 km. Xuống đồng bằng sông chảy men theo vùng giáp ranh giữa hai huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, rồi về Cửa Lở, xã Đức Lợi và cửa Cổ Lũy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). Ở vùng hạ lưu sông Vệ có các chi lưu lớn là sông Thoa đưa nước về huyện Đức Phổ, sông Cây Bứa và sông Phú Thọ, sông Vực Hồng.

Dòng sông Vệ. Ảnh: Hồ Nghĩa Phương

Ở thượng nguồn, khi chảy qua các xã Ba Nam, Ba Lế, Ba Bích (Ba Tơ), con sông có nhiều đoạn uốn khúc, gập ghềnh, lòng sông nhỏ hẹp. Về đến đoạn cuối đất Ba Tơ, lòng sông rộng dần ra, dường như hóa thân thành một dòng sông khác để về với đồng bằng rộng thoáng, làng mạc đông vui và đồng bãi bốn mùa xanh ngát.

Cũng như các con sông trên dãi đất miền Trung nhỏ hẹp, sông Vệ có độ dốc cao, lòng sông không rộng, dòng chảy xiết. Mùa hè, sông trơ đáy, nổi rõ những gò đất giữa dòng. Mùa mưa, nước sông cuồn cuộn, dâng lên đục ngầu. Qua khảo sát, điều tra năm 2020, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đưa ra con số: Tổng lượng nước mặt toàn lưu vực sông Vệ hằng năm khoảng 2,62 tỷ mét khối; trong đó dòng chính của sông Vệ chiếm khoảng 73%, còn lại là sông Phú Thọ, Vực Hồng ở cuối nguồn. Vào mùa mưa, lượng nước từ thượng nguồn đổ về hạ lưu khoảng 90%, chỉ giữ lại khoảng 10%. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao vào mùa mưa nước sông Vệ từ nguồn đổ về ào ạt, tạo thành những cơn lũ kinh hoàng.

Lũ sông Vệ bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 12 âm lịch hằng năm, trở thành nỗi ám ảnh đối với các làng xã ven sông. Các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Dũng, Hành Thiện (Nghĩa Hành) luôn chịu cảnh ngập lụt trong mùa lũ. Chỉ tính trong 3 năm (2019 - 2021), 3 xã Đức Hiệp, Đức Thắng, Đức Lợi (Mộ Đức) đã mất hơn 20ha đất canh tác do sạt lở và bị nước lũ cuốn trôi. Xóm A, thôn An Mô, xã Đức Lợi, nằm cuối sông Vệ trong 30 năm đã bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi hơn 10ha đất, giờ thành ốc đảo, không có người sinh sống.

Từ kinh nghiệm chống chọi với thiên tai, người dân ở ven sông Vệ tích lũy được nhiều bài học về giữ đất giữ làng, chế ngự sự hung hãn của con nước bằng cách trồng tre, xây kè vững chãi.

Hoài niệm về một dòng sông

Sông Vệ gây lũ lụt cho vùng hạ du, nhưng bù lại hằng năm mang lượng lớn phù sa về bồi đắp cho vùng hạ lưu rộng đến hơn 1.200 km, là nguồn sống của một bộ phận dân cư thuộc các huyện Nghĩa Hành, Minh Long, Tư Nghĩa và Mộ Đức. Thoát khỏi núi rừng Ba Tơ, sông Vệ đem lượng lớn phù sa về vùng trung du Nghĩa Hành, biến vùng đất khô khát này thành vựa trái cây, là một “tiểu Nam Bộ” của Quảng Ngãi. Bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự trồng ở các xã Hành Nhân, Hành Minh, Hành Đức, Hành Tín Đông, vùng đất ven sông Phước Giang đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao được nhiều nơi biết đến. Nghĩa Hành còn là xứ sở của cau, mít, chuối và nhiều nhà vườn chuyên nghề cây kiểng nổi tiếng.

Về vùng hạ lưu Tư Nghĩa, Mộ Đức, dòng nước mát và phù sa sông Vệ đã làm nên hương sắc những cánh đồng hoa. Hoa cúc giống Đà Lạt đem về trồng ở các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) và xã Đức Nhuận, Đức Hiệp (Mộ Đức), không chỉ cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh mà còn đến với các TP. Quy Nhơn, Đà Nẵng và các tỉnh phía bắc. Hoa hồng, hoa vạn thọ vùng ven sông đã tạo nét lãng đãng, mơ màng cho con nước sông Vệ khi trời đất giao mùa, Tết đến Xuân về.

Cửu đỉnh (Huế). Ảnh: Võ Văn

Đôi bờ sông Vệ vùng hạ lưu không chỉ có những bãi cát mịn, tre dựng thành lũy, nước trong xanh rất tiện lợi cho nhiều gia đình làm giá đỗ, mà còn có con don, hến, cá bống, tôm sông và nhiều loài cá ngon. Về đến đoạn cuối, con nước sông Vệ chảy êm đềm giữa bờ bãi rau màu xanh tốt, xóm làng ôm ấp bởi những hàng cau, lũy tre già in bóng gợi lên cảnh thanh bình. Có một thời dọc theo sông Vệ là những bến đò, nơi họp chợ đông vui.

Những bến sông xưa giờ chỉ còn trong ký ức, nhắc nhớ về một thời đò giang xuôi ngược “Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. Đặc biệt, người dân làng cổ Thiên Xuân, ngôi làng hình thành từ thế kỷ thứ XV ở xã Hành Tín Đông vẫn còn ký ức về những chuyến đò trên sông Vệ chở mắm muối dưới xuôi lên đổi lấy củi núi Nứa và nông sản của làng...

Sông Vệ chưa phải là con sông lớn nhất của Quảng Ngãi nhưng lại có vinh dự được chọn khắc lên Dụ đỉnh, một trong Cửu đỉnh được trưng bày trước Thể Tổ miếu trong hoàng thành Huế. Cửu đỉnh gồm chín đỉnh bằng đồng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được vua Minh Mạng cho khởi đúc từ năm 1835- 1837 mới hoàn thành. Những hình tượng về núi sông, linh vật, chim muông, lâm thổ sản quý, ngũ cốc, hương liệu được chọn khắc lên Cửu đỉnh là những thứ tiêu biểu nhất, giống như “căn cước” của các vùng miền trong cả nước.

Việc sông Vệ lên hình trên Dụ đỉnh được các nhà sử học đưa ra giả thuyết, là phải chăng nơi đầu nguồn sông Vệ đã từng xảy ra một trận chiến ác liệt thời Nguyễn Ánh tiến quân chiếm lại Phú Xuân? Sử cũ triều nhà Nguyễn và các chúa Nguyễn không thấy nhắc điều này và đến nay cũng không ai dám khẳng định nguyên do từ đâu. Thôi thì đó cũng là những suy đoán, sông Vệ vẫn một dòng trôi, từng ngày ôm vào lòng hình bóng quê hương yêu dấu và níu giữ biết bao kỷ niệm về một vùng quê.

Dòng sông có bờ xe nước đầu tiên ở Quảng Ngãi

Sông Vệ vừa trữ tình, thơ mộng nhưng cũng hoang dã, hung dữ như con ngựa bất kham. Nhờ dòng chảy mạnh, nước sông đầy mà từ giữa thế kỷ thứ XVIII có người phụ nữ tên là Trần Thị Ngôn rất giàu có, vợ ông Diệm ở thôn Bồ Đề, xã Đức Nhuận đã thuê thợ về dựng bờ xe nước trên sông Vệ, đưa nước tưới các cánh đồng ở Đức Nhuận, Đức Chánh và Đức Thắng (Mộ Đức). Nhiều năm sau, những guồng xe nước mới được dựng trên sông Trà Khúc. Theo các tài liệu cũ thì đến cuối năm 1939, dọc sông Vệ đã có đến 50 bờ xe nước tưới cho hầu khắp các cánh đồng ven sông. Đò xưa, cảnh cũ không còn nhưng ký ức về sông Vệ với bờ xe nước, thuyền bè xuôi ngược, những bờ bãi ven sông, làng quê yên bình vẫn còn tươi nguyên, đọng lại trong lòng người sông Vệ xa xứ.

THANH TÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét