3 thg 11, 2022

Lễ hội Katê của người Chăm

Người Chăm khắp nơi đổ về di tích tháp Pô Sah Inư ở TP Phan Thiết dự lễ hội Katê, ngày 25/10.


Hàng năm, cứ đến ngày đầu tháng 7 Chăm lịch, người Chăm khắp tỉnh Bình Thuận lại đổ về di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, TP Phan Thiết tham dự lễ hội Katê, nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời ở địa phương.

Từ 7h30, đoàn người hòa mình vào nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội là cuộc rước y trang Mẹ xứ sở (nữ thần Pô Sah Inư) từ chân đồi Bà Nài lên đền tháp để hành lễ. Nam thanh, nữ tú, người trẻ, người già... ai cũng mặc bộ trang phục truyền thống để dự hội.

Rước kiệu đưa trang phục của Mẹ xứ sở (nữ thần Pô Sah Inư) lên tháp là nghi thức quan trọng nhất và là điểm nhấn của lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận. Từ dưới chân đồi, kiệu được nghênh rước trang trọng, đi kề bên là những thầy phụ trách tế lễ và các phụ nữ cao niên trong trang phục trắng choàng khăn đỏ, đầu đội lễ vật một cách trang nghiêm.

Đi trước đoàn rước, các thiếu nữ Chăm mặc áo dài vắt dây chéo múa quạt theo nhịp trống, điệu kèn. Những động tác phẩy quạt như cánh bướm chập chờn, rung rinh trong nắng, tạo nên nét vui tươi độc đáo của lễ hội Katê. Các thiếu nữ này đến từ cộng đồng Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc.

Sư cả Thông Minh Toàn (đạo Bà La Môn) choàng khăn đỏ, cầm gậy, dẫn đầu đoàn tế lễ theo sườn đồi Bà Nài tiến lên tháp. Ông cho biết, Katê là lễ hội có từ lâu đời của cộng đồng, được lưu giữ qua nhiều thế hệ, dù có lúc bị gián đoạn trong thời chiến tranh. "Katê là dịp tưởng nhớ công lao của mẹ xứ sở và các bậc tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, quê hương, xóm làng được bình yên, mùa màng tươi tốt, nhà nhà được ấm no", sư cả Thông Minh Toàn nói.

Kiệu y trang nữ thần Pô Sah Inư được rước lên trước đền tháp, hàng trăm người Chăm từ hôm trước đã tề tựu về đây, họ cùng chia sẻ niềm vui lễ hội sau những ngày mùa vất vả.

Sư cả Thông Minh Toàn, chủ tế, thực hiện nghi thức mở cửa tháp Pô Sah Inư, trước khi rước y trang của nữ thần vào bên trong.

Sư cả và bà bóng cùng các thầy nhạc lễ tiến hành nghi thức tắm Bà, thông qua hình thức tắm bệ đá Linga - Yoni với ý nghĩa tẩy rửa hết những bụi trần, trước khi mang y phục cho Bà (nữ thần Pô Sah Inư) và làm lễ cầu an.

Trong khi đó, sau khi y trang Bà được đưa vào tháp làm lễ, các nữ tú mặc trang phục truyền thống tiếp tục trình diễn các điệu múa truyền thống trước sân đền tạo nên không khí vui tươi, đầy sức sống.

Anh Khê Thanh Văn, 40 tuổi, người Chăm đến từ xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc) thổi kèn với làn điệu réo rắt hòa cùng nhịp trống ghinăng, paranưng trước đền tháp, làm sinh động thêm điệu múa của các thiếu nữ Chăm đang biểu diễn ở phía trước. "Người Chăm chúng tôi từ tấm bé đã yêu âm nhạc, âm nhạc góp phần tạo nên niềm vui tươi, khí thế cho mọi người, nhất là trong lễ hội", anh Văn cho hay.

Trong dịp Katê, người Chăm từ các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân, thị xã La Gi... cũng đều về đây. Họ mang theo lễ vật là trái cây, chuối, trứng, gà, rượu, cau trầu... để cúng nữ thần Pô Sah Inư. "Mình có gì thì cúng đó, nhưng cau trầu là món không thể thiếu trong mâm lễ", bà Đào Thị Mai Hương, đến từ xã Phan Thanh (huyện Bắc Bình), nói.

Đồng bào Chăm mang lễ vật đặt trước đền tháp cúng vào chiều 24/10 (trước lễ chính một ngày), cầu mong bình an cho gia đình, con cái học hành đỗ đạt, mùa màng được bội thu. "Hồi xưa sao thì bây giờ cũng vậy, con cháu người Chăm luôn nhớ về cội nguồn, năm nào dịp này, chúng tôi cũng lên tháp", ông Thông Ná, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc nói.

Nhóm đền tháp Chăm Pô Sah Inư, còn gọi tháp Phố Hài, nằm trên đồi Bà Nài kề thắng cảnh Lầu Ông Hoàng nổi tiếng ở Phan Thiết. Tháp được xây dựng vào đầu thế kỷ 9 để thờ thần Siva, đến thế kể 14, người Chăm xây thêm một số đền tháp xung quanh để thờ công chúa Pô Sah Inư (con vua Parachanh), nữ thần bảo trợ xứ sở. Hàng năm, người Chăm địa phương đều tổ chức lễ hội Katê trên tháp này.

Bình Thuận có hơn 40.000 người Chăm sinh sống. Đồng bào luôn ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có nét văn hóa độc đáo của lễ hội Katê. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, ngày 4/4 vừa qua.

Việt Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét