29 thg 11, 2022

Khám phá ngôi đình cổ thờ Vua Mai bên bờ sông Lam


Nằm trong quần thể di tích về Vua Mai, đình Khả Lãm ở khối Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn là một công trình cổ kính còn lưu giữ nhiều hiện vật quý.

Đình Khả Lãm được người dân làng Khả Lãm xây dựng từ xa xưa. Đình tọa lạc trên vùng đất vốn là trung tâm hậu cứ Hùng Sơn của nghĩa quân Mai Thúc Loan trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Đường. Khi chưa sáp nhập vào thị trấn Nam Đàn, đình thuộc xóm 4, xã Nam Thượng. Ảnh: Huy Thư

Theo người dân địa phương, ngày trước làng Khả Lãm có nhiều công trình cổ kính như đình, đền, chùa, miếu. Sau chiến tranh, phần lớn các di tích này đã bị hư hỏng, đổ nát, đình Khả Lãm cũng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2020, đình đã được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Huy Thư

Đình là ngôi nhà 3 gian, 2 hồi, được thiết kế theo kiến trúc truyền thống. Nguyên xưa, đình là nơi sinh hoạt cộng đồng làng Khả Lãm và thờ Thành hoàng làng - Mai Hắc Đế. Sau này, khi các di tích trong vùng bị hư hỏng, người dân đã phối thờ các vị thần, Phật. Ảnh: Huy Thư

Trên khung gỗ của đình, nhiều kết cấu được điêu khắc đẹp, hình ảnh hoa văn, các đề tài "tứ linh" (long, ly, quy, phượng). Lạc khoản trên đình còn ghi rõ năm tu sửa và hoàn thành đình "Mậu Thìn niên". Nhiều người cho rằng, đình được xây dựng vào thời Nguyễn. Ảnh: Huy Thư

Đặc biệt, gian giữa của đình, các đầu dư được điêu khắc thành đầu rồng với những đường nét sống động. Phía trên xà thượng, hình ảnh "lưỡng long triều nguyệt" được chạm khắc một cách tinh tế, sắc sảo. Ảnh: Huy Thư

Trên 2 mặt các kẻ trước của đình được điêu khắc hình "long ngư", "long mã", "phượng vũ"... khá đẹp mắt. Rất tiếc, nhiều tác phẩm điêu khắc đã bị thời gian làm hư hỏng, gãy, sứt mẻ các chi tiết. Ảnh: Huy Thư

Tại đình còn lưu giữ 3 pho tượng cổ bằng chất liệu gỗ tạo hình đức Phật ngồi thiền trên đài sen. Ông Võ Văn Chung (50 tuổi) - Ban Quản lý đình Khả Lãm cho biết: Khi các ngôi đền, chùa trong làng bị hư hỏng, đổ sập, bài vị, tượng thờ của các di tích này được người dân đưa về đình Khả Lãm để thờ, trong đó có 3 pho tượng này. Ảnh: Huy Thư

Các pho tượng gỗ sơn son thếp vàng đều đã bị bong tróc, in dấu thời gian. Điểm khác nhau cơ bản giữa các pho tượng có thể nhìn thấy dễ dàng là vị trí của 2 bàn tay: có tượng 2 tay cùng lần tràng hạt, tượng thì 1 tay lần tràng hạt,... Ảnh: Huy Thư

Ngoài tượng cổ, tại đình Khả Lãm còn lưu giữ nhiều bức tranh thờ vẽ trên gỗ hình ảnh các vị thánh, thần, Phật với các màu sắc chủ đạo là đỏ, xanh, trắng, vàng... Cũng như các pho tượng, tranh thờ đã nhuốm màu thời gian, bị hư hỏng, phai màu nhiều. Ảnh: Huy Thư

Đến thăm đình Khả Lãm, du khách còn ấn tượng với 2 cây bàng cổ thụ trước cổng đình. Theo các cụ cao tuổi trong vùng, 2 cây bàng này có từ thời xưa, những cụ 90 - 95 tuổi ở làng Khả Lãm cũng chỉ biết là hồi các cụ còn nhỏ, 2 cây bàng này đã sừng sững trước cổng đình. Ảnh: Huy Thư

Gốc bàng xù xì có nhiều u bạnh. Trên thân, cành các cây bàng cổ thụ có nhiều loại cây ký sinh bám dày đặc, xanh mượt. Nằm trong quần thể di tích về Vua Mai, đình Khả Lãm đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 2010. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét