Để chuẩn bị cho Lễ hội Ok Om Bok vào ngày Rằm tháng Mười âm lịch, đồng bào Khmer chuẩn bị các loại nông sản đã được trồng cấy trong vụ mùa
Các nam nữ thanh niên Khmer chế biến nông sản thành các lễ vật cúng trăng. Trong các vật phẩm lễ Ok Om Bok luôn có cốm dẹt – vật phẩm gắn với hình tượng tín ngưỡng về nền văn minh lúa nước của người Khmer
Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, đồng bào thực hiện các nghi lễ cúng Trăng. Vào đêm rằm tháng 10, những lễ vật được bày lên bàn thờ, khi trăng lên khỏi rặng cây trước ngõ (tầm 19 giờ 30 phút), bà con tiến hành nghi lễ cúng Trăng. (Trong ảnh: Các lễ vật đã được đồng bào chuẩn bị cho nghi lễ Cúng Trăng)
Nghi lễ cúng Trăng diễn ra theo từng hộ gia đình, hoặc vài hộ gia đình sinh sống liền kề. Trong nghi lễ này, chủ trì buổi lễ là cụ ông, trụ cột của gia đình hoặc người có uy tín trong xóm, tiếp đến là trẻ con, thanh niên, thiếu nữ, các bậc phụ huynh của trẻ con cùng tham dự
Sau khi cầu nguyện, cúng bái xong, chủ trì buổi lễ vừa đút cốm dẹp và quả chuối vào miệng các em thiếu nhi và thanh thiếu niên, vừa hỏi ước nguyện của các em trong tương lai, có em ước nguyện làm cô giáo, có em ước nguyện làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm công an...những ước mơ của các em được xem là tiền đề để các bậc phụ huynh làm cha, làm mẹ lưu tâm, tạo điều kiện để các em thực hiện được những ước mơ đó
Sau khi thực hiện xong nghi lễ cúng trăng, đồng bào thực hiện nghi thức thả đèn gió nhằm gửi gắm những ước nguyện của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ đến với Thần Mặt Trăng
Trong đêm cúng Trăng, bà con thả hoa đăng xuống ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch tùy theo địa hình nơi cư trú nhằm tỏ lòng biết ơn đến Thần Nước, hay Mẹ Nước là cội nguồn của sự sống
Kim Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét