21 thg 11, 2022

Giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan gùi

Gắn bó gần cả đời với nghề đan gùi, nhưng ông Fuih Jới (thôn làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) vẫn luôn giữ trọn niềm tin yêu với nghề. Nghề đan gùi giúp ông tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống.

Dân làng tôn vinh

Trăn trở với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, ông Trương Văn Thiệt – Bí thư Đảng ủy xã Ya Tăng giới thiệu tôi gặp ông Fuih Jới, làng Trấp - người được dân làng tôn vinh là nghệ nhân, có nhiều duyên nợ với nghề đan gùi.

Không bỏ lỡ cơ hội khi nghề đan lát là 1 trong 9 nghề truyền thống được Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra, tôi tìm đến nhà ông Fuih Jới.

Ông Fuih Jới đang miệt mài đan gùi. Ảnh: V.N

Hôm ấy trời lất phất mưa, ông Fuih Jới không đi rẫy, ngồi trước chái hiên nhà cặm cụi đan gùi. Sau mấy câu giới thiệu của cán bộ xã đi cùng, ông Fuih Jới thân thiện bắt tay và pha trà mời khách. Nghe tôi khen gùi đẹp, ông mỉm cười, bày thêm những chiếc gùi do mình đan ra cho tôi xem.

Gùi ông Fuih Jới đan có nhiều loại, cao thấp, to nhỏ khác nhau cho từng đối tượng, lứa tuổi sử dụng. Sợi nan trên thân gùi nhỏ đều, kín, có các hoa văn khác nhau, phần lớn là gùi hai lớp, có các hoa văn bố trí cân xứng, khá bắt mắt. Hoa văn trên thân gùi ông đan gần giống với hoa văn trên trang phục thổ cẩm, mái nhà rông. Không chỉ với người dân địa phương, mới nhìn vào gùi ông đan, tôi cũng thấy thích thú và mong muốn được sở hữu một chiếc gùi để làm kỷ niệm.

Thấy tôi mải mê săm soi từng cái gùi, ông Fuih Jới phấn khởi: Ngày trước, đàn ông Gia Rai phần lớn đều biết đan gùi. Đan gùi và đan gùi đẹp là thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, sáng dạ và giỏi giang của người đàn ông. Nam thanh niên đan gùi đẹp, có hoa văn trên thân gùi, thể hiện rõ nét những giá trị truyền thống trên sản phẩm thì được dân làng ngợi khen, các cô gái thường đem lòng thương mến và mong muốn bắt làm chồng.

Gùi luôn bên ông Fuih Jới trong cuộc sống. Ảnh: V.N

Thường thì đàn ông trong làng phần lớn đều biết đan gùi, nhưng để đan được những chiếc cầu kỳ, đẹp thì không nhiều. Theo thời gian và cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng người biết đan gùi trong làng ngày càng giảm dần, nhất là đan gùi có các hoa văn ngày càng hiếm. Trong làng Trấp, hiện chỉ còn vài người lớn tuổi là biết đan gùi có hoa văn. Nhẩm tính, ông Fuih Jới bảo: “Trong làng chỉ còn lại: A Cáo, A Băng, A Nhan, A Căng là biết đan gùi hoa văn. Lớp trẻ bây giờ không mặn mà với việc đan gùi, không đan được những chiếc gùi cầu kỳ như người xưa!”.

Thoáng chút trầm tư, dừng tay đan, ông Fuih Jới ngẩng nhìn lên dãy đồi trước mặt và cất giọng trầm ấm: Ngày trước, cây nứa, lồ ô ở trên các dãy đồi kia rất nhiều. Ngày nay, phải đi thiệt xa mới tìm thấy cây lồ ô, nứa. Để thành thạo việc đan gùi, khi còn niên thiếu tôi từng theo cha mình lên rừng chặt nứa, lồ ô đem về chẻ lạt. Cha tôi, ngày trước là thợ đan gùi đẹp, bền có tiếng trong làng. Ngoài việc đan gùi sử dụng cho các thành viên trong gia đình, cha tôi còn được người dân trong và ngoài làng đặt đan gùi. Gùi do cha tôi đan luôn có các hoa văn, tôn vinh thêm vẻ đẹp người phụ nữ và phí phách người đàn ông khi mang. Những cô gái, chàng trai rất thích sở hữu chiếc gùi do cha tôi đan.

Kế thừa người cha mình, những chiếc gùi do đôi bàn tay tài hoa của ông Fuih Jới đan luôn giữ yếu tố và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Gia Rai.

Để giữ gìn và phát triển

Trong việc đan gùi, ông Fuih Jới bảo muốn học đan, trước tiên người học phải học chẻ lạt. Lạt chẻ đan gùi cũng phải chọn từ cây nứa, lồ ô không quá già, không quá non. Cây nứa, lồ ô già quá, thân cứng, nan dễ gãy và khó đan. Ngược lại, cây nứa, lồ ô non quá, lạt khi phơi sẽ khô, teo tóp, không đủ độ dai và bền cho gùi khi sử dụng. Lạt chẻ đan gùi thường là lạt cật. Lạt chẻ nhỏ, vuốt nhẹ để từng nan lạt bóng bẩy và đều như nhau.

“Lạt sau khi vót hong khô, rồi đem nhuộm màu (xanh, đỏ, vàng…) để đan các hoa văn trên thân gùi. Màu nhộm trên nan lạt là màu được chế biến từ lá, củ, rễ cây trong rừng. Tùy theo từng chiếc gùi mà người đan tính toán số nan lạt nhuộm theo từng màu cho phù hợp. Nan lạt sau khi nhuộm để khô màu rồi mới đan” – ông Fuih Jới chia sẻ.

Theo ông Fuih Jới, nghề đan gùi giúp cho người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, kiếm thêm nguồn thu nhập để trang trải trong cuộc sống. Đan một cái gùi có các hoa văn cho người đi chơi (đám cưới, mừng nhà mới, hội làng…) mất khoảng 5 ngày, giá bán 800 nghìn đồng/cái; gùi đi rẫy to hơn, cũng có các hoa văn mất khoảng 1 tuần, giá bán

1 triệu đồng/cái; gùi cho các cháu mang đi chơi, múa hát tuy nhỏ, nhưng có các hoa văn, làm tốn công không kém, giá bán cũng gần 1 triệu đồng/cái.

A Bin - Cán bộ phụ trách Văn hóa - thông tin xã bàn về việc giữ gìn và phát triển nghề đan gùi với Fuih Jới. Ảnh: V.N

Bên cạnh dân làng đặt làm gùi, ông Fuih Jới còn tự làm gùi để có ai mua thì bán. Cán bộ xã, huyện khi có nhu cầu mua gùi tặng người thân hay trưng bày ở lễ hội, nhà văn hóa cũng thường vào đây mua và được ông bán với giá kể trên. Bình quân mỗi tháng, ông bán được 2-3 cái gùi cho người dân trong vùng.

Số tiền thu được từ việc đan gùi hàng tháng đối với ông Fuih Jới không lớn, chỉ góp phần giúp ông trang trải thêm những nhu cầu trong cuộc sống. Và ông cũng tâm sự rằng, việc đan gùi nói riêng và đan lát nói chung, với ông không phải vì mục đích làm kinh tế mà chính là để tập tính cần mẫn, tìm nguồn an vui, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề truyền thống. Bởi nếu không kiên trì gắn bó với nghề đan lát, không tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống thì sợ mai này, trong làng không còn ai nhớ đến nghề này nữa.

Giữ trọn niềm tin yêu với nghề đan, ông Fuih Jới rất mừng khi Nghị quyết 08-NQ/TU quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, trong đó có nghề đan lát.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt Nghị quyết 08, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở và phải gắn với các điểm du lịch để trưng bày, giới thiệu sản phẩm đan lát mang nhiều giá trị văn hóa, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người gắn bó, nặng nợ với nghề đan lát.

Trước mắt để tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề đan lát, ông A Bin – cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin xã Ya Tăng mong muốn Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện quan tâm phối hợp với địa phương mở lớp dạy nghề đan lát cho người dân trong vùng. Đối với những người tâm huyết, gắn bó thủy chung với nghề đan lát, có khả năng truyền dạy nghề đan lát và được chính quyền địa phương đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân như ông Fuih Jới, Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu nghệ nhân để động viên tinh thần nghệ nhân và để xã, huyện có cơ sở mời nghệ nhân truyền dạy nghề đan lát.

Mong muốn của ông A Bin cũng được Đảng ủy, UBND xã Ya Tăng tán thành và đề nghị các cấp, các ngành quan tâm để nghề đan gùi nói riêng, nghề đan lát ở xã Ya Tăng và các xã khác nói chung có điều kiện phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống tại chỗ của đồng bào DTTS như mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

VĂN NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét