15 thg 11, 2022

Bánh tráng ở ngọn Câu Quản

Trải dài theo ngọn Câu Quản (ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh - từng vang bóng một thời tồn tại theo năm tháng.

Làng nghề hình thành vào khoảng năm 1952, được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang công nhận vào năm 2007. Khi ấy, những vỉ bánh tráng được phơi đầy từ đầu ngọn đến cuối ngọn Câu Quản. Người trẻ nối tiếp người già, cùng rộn rã bên bếp lửa ấm cúng.

Bánh được tráng thật mỏng, thật đều và nhanh tay trên bếp lửa nóng. Thấy đơn giản, chứ thợ lành nghề vẫn thi thoảng làm hỏng bánh, rách bánh, phải bỏ cho gà ăn.

Vừa tráng xong bánh này, thợ phải phơi bánh chín trước đó lên vỉ lá dừa. Mọi công đoạn nối tiếp nhau không ngơi nghỉ, phải hết sức cần mẫn và thuần thục mới làm xuể.


Mỗi vỉ lá dừa có thể chứa được trên dưới 20 cái bánh, tùy theo kích thước vỉ và kích thước bánh. Bình quân, mỗi người thợ có thể làm ra 1.000 cái bánh/ngày. Công việc này rất phù hợp với phụ nữ nội trợ, vừa trông nhà, vừa kiếm thêm thu nhập.

Mọi người sử dụng trấu để giữ bếp đỏ lửa cả ngày. Các loại bếp khác không giúp bánh ngon hơn, lại tốn kém nhiều hơn, nên người dân vẫn sử dụng theo cách truyền thống.

Sau công đoạn tráng bánh là công đoạn phơi nắng. Chỉ cần 1-2 nắng, bánh tráng đã khô mặt. Người dân chờ đến khi sương xuống, phơi thêm một lúc để bánh mềm lại, dễ gỡ ra khỏi vỉ.

Chị Nguyễn Thị Thoa về làm dâu xứ này hơn 20 năm, cũng là ngần ấy năm gắn bó với nghề làm bánh tráng. Các con đi học, đi làm, chị vừa trông nhà, vừa tranh thủ kiếm được một ít tiền chợ đắp đổi.

Cán bộ địa phương đến thăm làng nghề bánh tráng, tìm hiểu tình hình hoạt động và khó khăn của người dân. Đồng thời, vận động họ thực hiện theo đề án bảo vệ môi trường đã lập trước đó.

Vỉ phơi được đương khéo léo từ lá dừa, nhưng phải phơi cho khô mới sử dụng được, nếu không sẽ làm đen bánh. Mỗi vỉ như thế này có thể tái sử dụng liên tục trong 8 tháng.


Chị Nguyễn Thị Dựa cũng theo nghề của gia đình chồng, thuần thục làm bánh tráng mặn và ngọt. Bánh tráng mặn thì nêm muối, dùng để gói với các loại thịt, cá. Còn bánh tráng ngọt thì có thêm dừa, mè, thành món ăn vặt cho đỡ buồn miệng. Tất cả đều sử dụng bột mì cân (mì lúa mạch), giúp bánh dai, mềm. Còn bột gạo lại không tạo độ dai cho bánh.


Thời đại công nghiệp, mọi thứ đều có thể sản xuất hàng loạt bằng máy, nhưng những người thợ ở xã Mỹ Khánh vẫn trung thành với thủ công. Dù số lượng bánh sản xuất ra ít hơn, nhưng lại đảm bảo chất lượng đồng đều, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Mỗi chiếc bánh chỉ 2.000 - 3.000 đồng, chất chứa biết bao công sức, tâm tình của người thợ.


Anh Nguyễn Trung Trí dành ít thời gian nhàn rỗi ngoài giờ làm việc, phụ giúp gia đình đem bánh tráng ra phơi, rồi đem vào khi chúng khô hẳn. Gia đình anh 4 đời làm nghề này, mọi công đoạn in sâu vào lòng anh, khó phai nhạt.

Làng nghề bánh tráng giờ đối diện nhiều thăng trầm, khi thị trường xuất hiện rất nhiều loại bánh tráng khác nhau, hương vị hiện đại. Nhưng bánh tráng của làng nghề Mỹ Khánh vẫn có chỗ đứng riêng, dành cho những thực khách thích hương vị truyền thống.


Trước khi đóng gói, người dân lại tỉ mẩn ngồi cắt cho chiếc bánh tròn trịa, gọn gàng hơn.

Nhiều đứa trẻ lớn lên từ làng nghề, được truyền dạy từng công đoạn phù hợp lứa tuổi, để nuôi nấng tình yêu thương nghề, tạo dựng thế hệ kế thừa về sau…

KHÁNH ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét