16 thg 11, 2022

Thăm Cột dây thép

Trải qua bao năm tháng thăng trầm của thời gian, Cột dây thép ở ấp Long Thuận, xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) vẫn như “Ánh hào quang trên dòng sông Tiền”, ghi dấu cho một tổ chức Đảng đầu tiên ra đời ở An Giang.



Cột dây thép được thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, làm hệ thống thông tin liên lạc nối giữa 2 xã Long Điền và Tấn Mỹ, được bố trí nằm sát bên một nhánh sông Tiền.

Thân cột được làm từ 4 cột trụ thép, gắn kết vào nhau tạo thành hình tháp, chóp vuông, với tổng chiều cao hiện nay hơn 30m, rất vững chắc. Mỗi chân bằng thép hình chữ (L) nối kết không đều, cách nhau khoảng 1,5m. Cột có bệ đá bao xung quanh, nằm ở vị trí giữa cổng chính vào khu di tích.

Khu di tích có diện tích khoảng 3.000 m². Ngoài khuôn viên rộng lớn dành tổ chức kỷ niệm hay các sự kiện, bên trong còn có nhà truyền thống, lưu giữ những đồ vật, hình ảnh một thời của lãnh đạo và nhân dân địa phương.


Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở thống nhất 3 tổ chức Đảng ở nước ta, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Đảng ra đời như ánh hào quang soi sáng con đường cho cách mạng Việt Nam, vận động thu hút đông đảo quần chúng nhân dân giác ngộ và đi theo con đường cách mạng của Đảng.




Tại An Giang, tỉnh đã chọn Chợ Mới làm điểm phát triển tổ chức. Từ đây, chi bộ Đảng đầu tiên cũng được thành lập tại xã Long Điền vào tháng 4/1930. Lúc đầu gồm 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Nhằm phát triển mạnh cơ sở, các đồng chí đã đi sâu vào vận động quần chúng nhân dân, thợ thủ công.

Để qua mắt bọn tay sai và thực dân, lợi dụng phong trào bóng đá ở sân vận động Mỹ Long (xã Long Điền), các đồng chí đã bí mật truyền tay nhau để tuyên truyền Đảng Cộng sản sâu rộng. Chúc mừng sự kiện hình thành chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang, một lá cờ Đảng đã được treo trên đỉnh Cột dây thép, nhưng sớm bị thực dân Pháp lấy xuống.


Vài hôm sau, ông Lê Văn Đỏ (một người dân địa phương sớm giác ngộ cách mạng) đã xung phong lãnh trách nhiệm trực tiếp treo lá cờ Đảng thứ 2 ở giữa 2 đầu Cột dây thép, với sự hỗ trợ tích cực của một số quần chúng khác.

Trong đêm khuya thanh vắng, ông Đỏ trèo lên đỉnh và móc lá cờ Đảng vào sợi dây thép. Sáng hôm sau lá cờ đỏ “búa liềm” phất phơ tung bay như “Ánh hào quang trên dòng sông Tiền”, khiến kẻ thù vừa phẫn nộ và lo sợ, còn nhân dân vô cùng phấn khích.

Ông Lê Văn Đỏ (giữa)

Từ đây, Cột dây thép chính là địa điểm mà Đảng ta đã tập hợp quần chúng nhân dân 2 lần biểu tình. Nhiều chi bộ Đảng cũng được thành lập và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành nhiều thắng lợi. Một trong số đó là sự kiện Đảng đã lãnh đạo quân chủng phục kích và bắn chìm tàu tuần tra Pháp trên khúc sông Long Điền, đánh dấu bước thăng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) trên quê hương Chợ Mới Anh hùng…


Là người gắn bó với Khu di tích hơn chục năm qua, anh Bùi Văn Khê (sinh năm 1967, bảo vệ) cho biết: “Bản thân tôi rất tự hào, hãnh diện khi được nhận nhiệm vụ tại đây, vì đây là nơi mà lá cờ Đảng được treo đầu tiên và cũng là vùng đất anh hùng.

Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn và quản lý kỹ lưỡng đồ vật trong nhà truyền thống, tôi còn có trách nhiệm chào đón khách đến tham quan tham, du khảo về nguồn tìm hiểu về Khu di tích”.


Với những dấu mốc son trong phong trào đấu tranh giành độc lập, Cột dây thép trở thành địa danh lịch sử cách mạng tiêu biểu và được Bộ Văn hóa - Thông tin (này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990.

Ngày nay, du khách có dịp đến An Giang, ghé lại thăm di tích Cột dây thép sẽ cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của nơi này. Không chỉ là điểm tham quan để nhớ về nhiều sự kiện từng diễn ra trong lịch sử, du khách đến đây để thấy lòng mình thêm tự hào, khi đứng dưới cột thép kì vĩ từng là nơi treo ngọn cờ Đảng đầu tiên.

NGUYỄN HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét