14 thg 11, 2022

Bốn cây số đặc biệt miền Hố Nai

Có dịp đi ngang con đường Nguyễn Ái Quốc thuộc địa bàn phường Hố Nai và phường Tân Biên thành phố Biên Hòa - Ðồng Nai, nhiều người thường bật ra câu hỏi: tại sao mật độ nhà thờ ở đây lại dày như thế ? Nếu tính từ điểm đầu là nhà thờ Gia Cốc cho đến điểm cuối là nhà thờ Thánh Tâm, chỉ vỏn vẹn gần 4km, đã có đến 17 xứ đạo hiện diện.

Mỗi xứ đạo là một mảnh ghép

Hố Nai là phường nằm ở ngoại vi phía Ðông và cách trung tâm thành phố Biên Hòa 6 cây số. Ngược dòng thời gian, vùng đất kề cận con sông Ðồng Nai này trước năm 1954 thuộc làng Bình Trước. Năm 1954-1955, làn sóng dân cư từ miền Bắc di cư vào với số lượng lớn. Chính quyền lúc bấy giờ đã lập nhiều trại định cư trên quốc lộ 1. Ðến 1957 thì thành lập xã Hố Nai, với các ấp Tây Hải, Nam Hải, Ðông Hải, Bắc Hải... (có một số xứ đạo thành lập sau đó đã lấy theo tên các ấp). Ngoài ra có những nơi lấy tên gốc từ xứ đạo hay giáo phận hoặc tỉnh lỵ nơi quê cũ trước khi di cư như Kẻ Sặt, Hà Nội, Hải Dương, Ba Ðông, Phú Tảo... 17 giáo xứ nằm trên đoạn đường này gói trọn trong hạt Hố Nai, với tổng số giáo dân chừng 80.000 người, gần bằng số tín hữu của một giáo phận trung bình ở Việt Nam. Trước 1975, tỷ lệ người Công giáo nơi đây là 100%, hiện là 85%.


Phố nhà thờ ! Có thể gọi như vậy. Nếu khởi đi từ cầu Săn Máu, lần lượt khách sẽ “chạm mặt” các nhà thờ Gia Cốc, Ba Ðông, Kim Bích, Bắc Hải, Hòa Hiệp, Tây Hải, Phú Tảo, Lộc Lâm, Phúc Lâm, Hải Dương, Nam Hải, Xuân Trà, Trung Nghĩa, Kẻ Sặt, Ðại Lộ, Hà Nội, Thánh Tâm... nằm ở cả hai bên đường. Ðiểm chung lớn nhất của các giáo xứ trong hạt Hố Nai chính là thời điểm hình thành và xây dựng các họ đạo trên đất mới với cột mốc từ năm 1954 đến vài năm sau đó. Ðọc lại tất cả các trang sử của các xứ đạo nơi đây, phần nào có thể hình dung bầu khí xây dựng nhà thờ tiếp nối nhau của bà con tín hữu trong những ngày còn “chân ướt chân ráo” vào định cư. Hãy đọc qua lịch sử hình thành của vài giáo xứ, chẳng hạn xứ Gia Cốc : “Do cha Ðaminh Phạm Khắc Hiếu dẫn theo 50 gia đình Công giáo đến lập nghiệp tại khu vực suối Máu - Hố Nai”; hay xứ Hải Dương thì: “Vào năm 1954, nhiều giáo xứ di cư từ miền Bắc đến định cư tại xã Hố Nai, quận Ðức Tu, tỉnh Biên Hòa. Sau khi rút thăm, bà con thuộc giáo xứ Hải Dương, giáo phận Hải Phòng, được chia và định cư tại vùng đất xứ Hải Dương hiện nay”; hoặc tư liệu của xứ Phú Tảo: “Cha Ðaminh Phạm Bá Linh cùng với khoảng 246 giáo dân đến vùng đất Hố Nai cách trung tâm tỉnh Biên Hòa bấy giờ khoảng 7km để định cư và thành lập giáo xứ Phú Tảo”; xứ Thánh Tâm nói rõ mốc thời gian là ngày 10.9.1954, cùng sự việc “có cha Giacôbê Ðào Hữu Thọ cùng với khoảng 400 giáo dân từ Thái Hà ấp, giáo phận Hà Nội đến định cư lập nghiệp tại cây số 9 vùng đất Hố Nai, lấy tên là trại định cư Alphongsô và dựng một nhà nguyện tạm bằng vải bạt và gỗ làm nơi dâng lễ và cầu nguyện”. Những ghi chép như thế có ở hầu hết các xứ và vẫn được các bô lão nhắc lại mỗi dịp kỷ niệm lớn ở họ đạo...

Chính vì cùng thời điểm hình thành nên năm nay và vài năm tới, các giáo xứ thuộc hạt Hố Nai liên tiếp tổ chức các sự kiện mừng mốc 65 năm. Xứ này mừng cho xứ khác, dân họ đạo nọ tham dự lễ chúc mừng, chia vui với họ đạo kia, càng làm bầu khí các xóm đạo thêm muối men gắn kết.

Hội trống kèn mang đặc trưng nét văn hóa Bắc bộ

Bức tranh nhiều màu sắc

Nếu làm một thống kê nhỏ, dễ nhận ra giáo dân nơi này chủ yếu có gốc từ các giáo phận Hải Phòng, Hà Nội..., cụ thể đến từ các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Ðiều này phần nào tạo nên nét tương đồng trong văn hóa vùng miền, thể hiện rõ nhất là trong các sinh hoạt nhà đạo như mùa Chay, mùa Vọng, tháng Hoa… với các hình thức ngắm, nguyện, dâng hoa, kiệu Ðức Mẹ, tổ chức hội kèn, hội trống... Do vậy, nhắc đến vùng Hố Nai, người ta còn ấn tượng bởi các nếp sống đạo truyền thống, độc đáo khó lẫn với vùng người Bắc di cư 1954 nào khác.

Hoạt động bác ái, xã hội sôi nổi tại các giáo xứ vùng Hố Nai

Từng có nhiều năm gắn bó với giáo hạt Hố Nai, cha Giuse Nguyễn Văn Tịch (hiện là phó xứ Bắc Hải - Trưởng ban Bảo vệ Sự sống GP Xuân Lộc) nhận xét: “Hầu hết mọi người đều có chung niềm tin nên rất hiểu nhau trong cách sống đạo lẫn ngoài đời. Ở đây nếu có sự cạnh tranh cũng là sự cạnh tranh lành mạnh. Tức là xứ này, họ này nhìn thấy cái hay, cái tốt của xứ khác, hội đoàn khác sẽ học tập, làm theo. Nói chung, điều tốt đẹp thường được nhân lên tạo nên sự sôi nổi trong rất nhiều sinh hoạt, nhất là các mảng hướng về tha nhân, vì cộng đồng…”. Thật vậy, nếu rảo một vòng quanh các xứ đạo ở Hố Nai, nhất là vào dịp cuối năm, sẽ bắt gặp nhịp sống năng động, tràn ngập yêu thương trong từng khu xóm, ở mỗi hội đoàn. Nếu bà con Phú Tảo rủ nhau dọn dẹp môi trường, vệ sinh khu phố thì người anh em “sát vách” Tây Hải tất bật lo cho bếp cơm từ thiện, ngay bên kia đường, những bạn trẻ xứ Lộc Lâm chăm chỉ tập luyện mừng ngày kính ông thánh tử đạo Ðaminh Bùi Văn Úy - bổn mạng giáo xứ... Trên bốn cây số đó, nơi này là nghĩa trang thai nhi được xây dựng tử tế gần một xứ đạo, chỗ nọ là quán cơm 2000 đồng niềm nở đón khách nghèo lỡ bữa, trong xứ kia lại có nhà tạm lánh cho chị em lỡ mang thai ngoài ý muốn, xứ khác nữa thì mở phòng khám miễn phí cho người người khó khăn đau bệnh, tư vấn nâng đỡ người chẳng may nhiễm HIV... Rất đẹp và đầy tình người…

Ở một khía cạnh khác, Hố Nai còn là mảnh đất góp phần cho Giáo hội nhiều ơn gọi với hàng trăm linh mục, tu sĩ nam nữ xuất thân từ 17 xứ đạo vừa kể. Không giấu niềm tự hào, ông Vũ Minh Tâm ở xứ Hà Nội khoe: “Riêng giáo xứ tôi đã có đến mấy chục linh mục và tu sĩ nam nữ, trong đó có Ðức cha Phêrô Trần Ðình Tứ đấy!”. Bà Phạm Thị Xuân ở Kẻ Sặt ánh lên niềm vui mỗi khi nhắc đến “sự kiện” “làng Sặt có Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên”“xứ nhà có 56 vị mục tử cùng 77 tu sĩ nam nữ đang hoạt động khắp nơi...”. Hạt Hố Nai cũng thường xuyên tổ chức ngày hội Ơn gọi hằng năm với mong muốn ngày càng có nhiều bạn trẻ bước vào đời sống tu trì để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội. Quả là một cộng đồng người Công giáo lớn mạnh trên nhiều mặt, vâng, có thể nói như thế mà không sợ quá lời!

Một trong những đặc sản làng nghề nổi danh

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu kể về Hố Nai mà không nói đến các nghề truyền thống và những loại đặc sản. Những người con thuộc các xứ đạo lâu đời miền Bắc di cư đến đây mang theo nhiều món ăn của cha ông, của xứ sở. Nổi bật là nghề làm bánh gai, bánh đa đường, gò thùng, hủ tíu... Sân nhà thờ Kim Bích luôn có từng hàng phên phơi bánh đa, hủ tíu. Xóm đạo Bắc Hải thì thoang thoảng mùi bánh gai.

Hố Nai hơn nửa thế kỷ trước còn hoang vu, cây cối um tùm và thú dữ vô số, được từng nhóm người ủi đất lấy chỗ ở và dựng tạm một ngôi nhà nguyện vách gỗ đơn sơ làm nơi dâng lễ, cầu kinh, nay đã đổi thay, trở thành nơi đông đúc, sầm uất, với những mái nhà thờ cao vút, vững chãi…

Minh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét