Trên đỉnh núi Ba Thê hay còn gọi là núi Vọng Thê, Hoa Thê Sơn (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) có ngôi chùa nhỏ mang tên Sơn Tiên. Từ cái tên đến khung cảnh nơi đây đều toát lên vẻ thoát tục, an nhiên.
Sở dĩ có tên Sơn Tiên, bởi trong sân chùa có một tảng đá in hình bàn chân tiên. Đây là điểm nhấn đặc sắc nhất, ai cũng muốn đến tận mắt tìm hiểu.
Chịu khó leo lên cầu thang đá vừa cao, vừa dốc, trên mặt đá khá chật hẹp, khách phương xa sẽ nhìn thấy ngay một dấu chân trái. Khác với những “bàn chân tiên” chúng tôi từng thấy, dấu chân này rành rạnh các ngón, cùng “gót chân” sâu hoắm.
“Bàn chân tiên” to gấp rưỡi bàn chân một người đàn ông trưởng thành. Nhiều truyền thuyết cho rằng, ngày xưa các vị thần tiên bước từ ngọn núi này qua ngọn núi khác. Chính vì thế, các dấu chân tiên xuất hiện rải rác ở vùng Bảy Núi An Giang, nối tiếp nhau theo “hành trình” của họ.
Chùa Sơn Tiên đang trong quá trình xây dựng một số hạng mục, thay thế cho công trình cũ xuống cấp, chật hẹp. Nhưng nhiều kiến trúc, quang cảnh của chùa vẫn được giữ nguyên. Trong đó, có tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát cao gần 10m này. Từ dưới chân núi nhìn lên, vẫn thấy rõ nụ cười hiền từ của Phật Bà.
Chiều chiều, sau khi tan học, nhóm học sinh lớp 12A4, Trường THPT Vọng Thê kéo nhau lên đỉnh núi chơi. “Tụi em thích nhất thời điểm này, vì không gian rất mát mẻ, yên tĩnh. Ngồi trò chuyện, ngắm cảnh đến khi mặt trời lặn, tụi em mới trở về nhà” – em Trần Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.
Giữa mênh mang của ngọn núi cao, em Lê Thùy Linh hát tặng chúng tôi bài hát “Ký ức An Giang”. Chất giọng ngọt ngào của cô bé vang vọng trên đỉnh núi, trong lòng người, gói trọn tâm tình của cô bé gắn bó với quê hương, dù tuổi đời còn rất trẻ, chưa từng xa quê: “An Giang ơi! Chưa xa đã nhớ/ Bảy Núi trong sương đứng đó đợi chờ người…”.
Rời chùa Sơn Tiên, du khách có thể đi khám phá ngọn núi, với những khúc quanh uốn lượn, với mảng đá núi xanh rêu, phủ đầy dấu vết thời gian.
Nhà ở dưới chân núi, 20 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Ẩn (57 tuổi) gắn bó với đỉnh núi này theo đúng nghĩa “nặng nợ”. Nắng cũng như mưa, sáng cũng như chiều, ông đều đặn chạy xe lên núi để quét lau, thắp hương các khu vực thờ cúng.
Đổi lại, ông mong muốn mọi điều bình yên nhất đến với mình và gia đình. Khi núi Ba Thê phát triển du lịch, ông cũng “sống được” nhờ chở khách tham quan. Bởi vậy, ông càng gắn bó và chăm chút cho cảnh quan nơi này, bằng những gì ông chắt chiu được. Rời núi khi những giọt nắng cuối ngày vừa tắt, ông mang về sự nhẹ nhõm khó tả.
Ông kể, Thạch Đại Đao được tìm thấy một cách ly kỳ. Chính ông tham gia vào sự kiện đó, nên nhớ rành rạnh, không quên được. Năm 1996, tảng đá gần đó bị sét đánh trúng, nổ thành nhiều mảnh, trong đó có mảnh to này, mang hình dáng một thanh đao khổng lồ. Năm 2002, Thạch Đại Đao được mang lên thờ cúng, tạo thành điểm nhấn thu hút khách tham quan.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, những cánh đồng lúa trĩu vàng tượng trưng cho sự trù phú của vùng Tứ giác Long Xuyên. Ở góc khác, là đồng nước nổi đang đón nhận phù sa màu mỡ, chờ ngày nước rút để bắt đầu vụ mùa. Hoàng hôn dần buông, cũng là lúc tâm tình con người cũng dần buông. Bận rộn, lo toan để lại đó, cho ngày mưu sinh kế tiếp…
KHÁNH ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét