Anh Trần Văn Học đang xay bánh ống cho khách
Ngày trước, trẻ con không có nhiều quà bánh để lựa chọn như bây giờ, gặp xe xay bánh ống đi ngang nhà, là mừng không sao tả. Tụi con nít, cứ nhộn nhịp, cười đùa í ới, chạy theo tiếng máy nổ lạch cạch của những chiếc xe xay bánh ống, thích thú nhìn những khúc bánh ống thẳng tắp mới ra lò. Khúc bánh ống được máy đẩy ra đến đâu, hương thơm nhè nhẹ của gạo và vị béo của dừa phảng phất đến đó. Hương vị quê hương làm người ta thêm lưu luyến.
Giữa “thiên đường” bánh kẹo đa dạng, thị hiếu ẩm thực thay đổi không ngừng, nhưng anh Trần Văn Học (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) vẫn gắn bó với nghề xay bánh ống trên 20 năm. Anh Học bộc bạch: “Tôi theo ba làm bánh ống từ nhỏ, khi tôi lớn, ba truyền nghề làm kế sinh nhai. Chỉ cần chịu khó và siêng năng, nghề xay bánh ống vẫn sống được. Mỗi chuyến đi xa nhà, có khi 10 bữa, nửa tháng tôi mới về 1 lần. Hàng ngày, “cơm đường, cháo chợ”, dừng ở đâu nghỉ ở đó, đầy nắng mưa, sương gió, thậm chí là nguy hiểm. Ai làm việc gì thì quen việc đó và mỗi người cần có 1 cái nghề để trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình và tôi cũng thế”.
Để dáng bánh thẳng đẹp, giòn xốp, vị ngọt thanh, có hương vị thơm ngon riêng, đòi hỏi người làm phải khéo léo, chia tỷ lệ nguyên liệu phù hợp và trộn đều tay. Mở từng hủ nguyên liệu chuẩn bị sẵn, anh Học vừa làm vừa nói: “Người thợ xay bánh ống chủ yếu chuẩn bị: Đường, muối, đậu phộng, lá dứa sấy khô, dừa... còn gạo của người dân đem đến. Nếu muốn bánh thêm thơm ngon, nhiều hương vị mới, người dân mua thêm gạo lứt, đậu xanh, hoặc mì gói để thêm vào”. Giá xay mỗi ký gạo 35.000 đồng. Mỗi ngày, anh Học thu nhập khoảng 400.000 đồng.
Bánh ống được cắt bằng máy tiện lợi
Cũng gắn bó với nghề xay bánh ống gạo nhiều năm, ông Dương Văn Dô (ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch) tâm sự: “Lúc trước, tôi làm thợ mộc, theo thời gian, đời sống người dân ngày một phát triển hơn, người ta xây nhà tường hết rồi, nên làm nghề mộc ít việc hơn. Từ đó, tôi theo đứa cháu làm nghề xay bánh ống để mưu sinh. Nghề này cực công vì phải di chuyển khắp nơi, nhưng phù hợp với những người lớn tuổi vì không phải dùng quá nhiều sức.
Mỗi chuyến đi của 2 chú cháu là xuyên qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, như: Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ... Đi 1 đoàn, với 5-6 xe xay bánh ống, đến nơi chia lượt ra xay. Có khi người ta đặt xay không kịp, có khi chạy mấy cây số không ai kêu xay bánh. Ngoài ra, nghề này còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trời chuyển mưa sương sương là làm trúng, còn mưa cả ngày xem như thất thu”.
Ông Dô chỉ tay vào “người bạn đồng hành” (chiếc xe làm bánh ống của mình) chia sẻ thêm: “Xe có chế phần kệ để nghỉ ngơi, tấm cao su chắn mưa gió, nồi niêu, xoong chảo, bếp ga mi-ni để nấu ăn vào các buổi chiều. Ban ngày, anh em chia đường đi, tối về họp lại bắt đèn sáng rực như hội chợ. Đi riết thành quen, gặp những nơi không có nước, bà con đem nước lọc ra cho”.
Theo trí nhớ của ông Dô, ngày trước gạo rẻ lắm, bánh trái không có nhiều, người ta chỉ đợi xe bánh ống đi ngang để xay. Nhiều người thích lắm, vì bánh mới xay ra nóng hổi, giòn, béo, thơm ngon, lại ngợi bánh vô cùng. Người chờ xay bánh đông, xay cả nửa ngày chưa chạy ra khỏi một đoạn đường. Sau này dần ít và thưa người hơn, trung bình mỗi ngày 2 chú cháu xay được khoảng 25kg gạo cũng đủ sống.
Từ những nguyên liệu thường ngày, ngày xưa, ông bà rất sáng tạo trong việc tận dụng những gì sẵn có trong nhà để làm ra nhiều loại bánh ngon, an toàn cho sức khỏe. Hiện nay, tuy trên thị trường có nhiều loại bánh mới lạ, đa dạng chủng loại, nhưng cái hương vị chân quê, mộc mạc làm người ta bỗng thèm 1 khúc bánh ống gạo giòn tan của ngày cũ và nhớ mãi cái không khí nhộn nhịp, rôm rả tiếng nói, cười mỗi khi xe xay bánh ống đi ngang qua.
NGUYỄN XÊ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét