26 thg 11, 2022

Láng Linh trong tiến trình lịch sử An Giang

Trong quá trình hình thành và phát triển, tỉnh An Giang đã trải qua không ít thăng trầm, trên từng mảnh đất đều ghi dấu những công lao, sự tự hào mà bao thế hệ người An Giang đã gầy dựng. Trong đó, phải kể đến vùng đất Láng Linh xưa - một trong những dấu ấn của tiến trình lịch sử.

Láng Linh là một cánh đồng trũng rộng lớn, mênh mông, nhiều lau sậy, đầm lầy. Vào thời nhà Nguyễn, vùng đất này thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên (tỉnh An Giang). Ngày nay, Láng Linh thuộc địa bàn các xã: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú (huyện Châu Phú) và xã Vĩnh An (huyện Châu Thành). Vào đầu thế kỷ XIX, vùng đất An Giang còn thưa thớt dân cư, đất hoang nhiều, nhất là vùng bờ tây sông Hậu.

Lúc này, triều Nguyễn có chủ trương đẩy mạnh khai hoang nhằm giải quyết phần nào tình trạng kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Các chỉ dụ năm 1802, 1803 khuyến khích mọi người khai hoang với các thủ tục dễ dãi, như: Cho người dân tự lựa chọn nơi khai phá, cho vay thóc giống, miễn thuế người đi khai phá đất hoang với thời hạn 3 năm… Chính vì vậy, sự xâm nhập của lưu dân người Việt vào vùng đất An Giang ngày càng mạnh mẽ và dần tiến vào các vùng đất hoang vu, trong đó có Láng Linh.

Vùng đất Láng Linh ngày nay là những cánh đồng lúa trù phú, nông thôn đổi mới

Có thể nói, quá trình khai hoang ở vùng đất Láng Linh lúc bấy giờ có công lao không nhỏ của Quản cơ Trần Văn Thành và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Quê quán ông Trần Văn Thành ở thôn Bình Thạnh Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn từ năm 1840, nhờ giỏi võ nghệ, chữ nghĩa và tài chỉ huy, ông được phong làm Suất đội, chỉ huy 50 binh lính. Giai đoạn này, ông lập nhiều công trận, được thăng chức Quản cơ.

Cuối năm 1847, tình hình biên giới ổn định, giặc giã không còn, triều đình Huế cho giải ngũ một số binh sĩ, lúc này Quản cơ Trần Văn Thành về trú ngụ tại Cồn Nhỏ (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân) để khai khẩn đất hoang. Năm 1849, Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập. Năm 1851, giữa lúc triều Nguyễn đề ra chính sách khẩn hoang lập làng ở An Giang, Trần Văn Thành cùng gia đình đến vùng trũng Láng Linh để khẩn hoang đất đai.

Vốn là người yêu nước nên khi Pháp chiếm An Giang, Quản cơ Trần Văn Thành đã chiêu mộ, quy tụ được nhiều nghĩa quân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh cùng nhân dân chống quân xâm lược. Qua vài lần tấn công các đồn của quân Pháp không thành công, Quản cơ Trần Văn Thành nhận thấy, phải phát triển lực lượng mạnh mẽ hơn nữa và cần có một cứ điểm mới để đương đầu với quân Pháp lâu dài.

Do đó, ông lui về vùng đất do ông và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang để xây dựng căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa. Đây là căn cứ được xây dựng dựa vào thế đất hiểm trở, có hệ thống đồn phòng thủ xung quanh, tạo thế liên hoàn, có cả khu vực rèn đúc, sản xuất vũ khí tại chỗ.

Năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu binh Gia Nghị và tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bãi Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng…

Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19/3/1873 (nhằm ngày 20/2 (âm lịch), năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bãi Thưa với sự giúp sức của nhiều tên Việt gian. Sau 1 ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bãi Thưa thất thủ, Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh rút lui, tránh được tổn thất lớn, riêng ông đã mất tích.

Trải qua hơn 100 năm, thế hệ người dân hôm nay luôn ghi nhớ và tự hào về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo. Họ tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành không chỉ vì tinh thần không khuất phục trước quân địch, mà còn vì ông đã lưu dấu trong công cuộc khai hoang trên cánh đồng Láng Linh ngày ấy.

Tiếp nối truyền thống yêu nước, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng lớp người sống tại vùng đất Láng Linh xưa đã kiên cường, bất khuất, vượt qua gian khổ, không tiếc máu xương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ làng quê, bảo vệ thành quả của tiền nhân khai khẩn.

Theo thời gian, vùng đất “nê địa”, ngập trũng, rừng rậm thâm u xưa kia đã "thay da, đổi thịt". Những xã “vùng trong” thuộc Láng Linh lần lượt hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Bộ mặt quê hương ngày càng khang trang, những cây cầu gỗ, cầu tạm bợ được thay thế bởi cầu bê-tông cốt thép, những con đường mòn, đường đất được nâng cấp thành đường trải nhựa thẳng tắp…

Ngày nay, về lại các xã “vùng trong” của huyện Châu Phú tuy dấu tích của vùng đất Láng Linh xưa không còn, nhưng hình ảnh Láng Linh của thời đấu tranh hào hùng chống Pháp vẫn mãi rạng ngời trên trang sử vẻ vang, sống mãi trong lòng hậu thế. Qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, hào khí đấu tranh và tinh thần yêu nước của bao lớp người đi trước mãi là niềm tự hào của thế hệ hôm nay...

MỸ LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét