26 thg 11, 2022

Con nước cuối mùa

Cuối tháng 10 (âm lịch), nước lũ ngoài đồng xa đã rút dần ra kênh rạch rồi theo sông lớn về biển cả. Đó cũng là lúc người dân vùng lũ chờ đón vụ thu hoạch cá đồng trúng nhất vào con nước cuối mùa.

Dọc theo mấy cánh đồng giáp biên những ngày cuối tháng 10 (âm lịch), đã thấy thấp thoáng bờ ruộng nhô lên như những đường kẻ giữa màu nước bao la. Vài chiếc xuồng con men theo bờ kênh Vĩnh Tế thả lưới, quăng chài. Tiếng người í ới gọi nhau giữa đồng nước nổi phảng phất chút dư âm của thuở khai hoang.

Năm nay, mùa nước nổi đã “đãi” dân câu lưới! Từ việc bủa lưới, quăng chài, đổ dớn, cất vó… đến chuyện thả câu, ngư dân đều phấn khởi bởi con cá, con tôm xuất hiện ngày càng nhiều, hứa hẹn một năm “ăn nên làm ra” của nghề “bà cậu”.

Thư thả tấp chiếc xuồng con vào bờ, anh Nguyễn Văn Tải (ngụ xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) xởi lởi: “Từ đầu mùa tới giờ, cá mắm cũng khá nên tui đỡ lo. Chứ như mọi năm rầu lắm. Tui không nhớ đã bao nhiêu năm mới có một mùa nước nổi “ngon lành” như vậy. Giờ cuối tháng 10, nước rút, cá ra sông, nên ai cũng tranh thủ đánh bắt để còn tích lũy cho những tháng mùa khô”.

Ngư dân phấn khởi với con nước cuối mùa

Đôi bàn tay đen rám phăng từng tua lưới, chốc chốc anh Tải lại kéo lên con cá mè vinh to cỡ 3 - 4 ngón tay. Khi ấy, đôi mắt của anh thoáng chút vui nho nhỏ. Dưới dòng nước đã nhạt sắc phù sa của kênh Vĩnh Tế, những con cá sau mấy tháng nằm đồng giờ đã đủ lớn và đang cố tìm đường ra sông.

Cứ như thế, chúng mang đến cuộc mưu sinh và niềm vui cho dân nghèo quanh năm tần tảo. Với 4 tay lưới, anh Tải có thể chăm lo cho các con manh áo mới, chén cơm ngon, chiếc xe đạp đến trường. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ là động lực để người ngư dân 40 tuổi đời, 34 tuổi nghề cố dầm mình trong nước, mặc cho những cơn gió ràn rạt mang theo cái giá buốt thốc vào gương mặt cần lao.

“Được mùa nước năm nay cá trúng nên mình ráng ngụp lặn để kiếm đồng vô cho thiệt khá. Chứ qua mấy tháng mùa khô, tui đi làm thuê nên đời sống bấp bênh lắm. Lúc đó, trong nhà chỉ mong có đủ cái ăn, chứ đừng nói dư dả mà mua thêm món này, món nọ. Bởi vậy, tui coi mùa nước là mùa tích lũy tiền bạc, vừa dành ăn Tết vừa lo sắm sửa cho gia đình cả năm. Mà trong tháng 10 cá chạy mạnh, nên dân “bà cậu” coi đây là thời điểm “ngon ăn” nhất cả mùa nước nổi” - anh Tải thiệt lòng.

Chậm rãi rót chén trà chiều, đưa mắt nhìn xuống cánh đồng nước bao la phía trước, Mười Hưng (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cười móm mém khi được hỏi về chuyện cá mắm năm nay. Với 26 năm cắm nền, đặt vó trên bờ kênh Tha La, ông được xem là người đeo nghề hạ bạc theo kiểu “cha truyền, con nối”.

Với ông, con nước năm nay mang đến niềm vui rất lớn, bởi cá chạy “phát ham” với đủ các loài cá, như: Cá lăng, cá linh, cá dảnh… thi nhau dính lưới. Chúng được rọng trong những chiếc vèo chìm dưới nước, đợi bạn hàng đến cân mang ra bán chợ. Mỗi lần chiếc vèo được giở lên, hàng chục, hàng trăm con cá quẩy nước văng tung tóe làm mê cả mắt.

“Ông bà xưa nói, tháng 10 (âm lịch) là mùa cá ra sông nên dân cất vó như tui kiếm ăn khá nhất trong thời điểm này. Mà êm nhất là con nước mùng 10 và 25 âm lịch hàng tháng. Lúc đó, giờ nào cất vó cũng thấy dính cá nên tui thức kéo suốt đêm, kiếm được hơn triệu đồng mỗi con nước như vậy. Nghề cất vó là nghề “ngồi đợi cá”, nên mình chỉ trông vô con nước cuối mùa. Nếu cá dính nhiều, mình sẽ đón Tết sung túc, còn ngược lại thì cố chạy lo bữa cơm tươm tất cúng ông bà mấy ngày đầu năm là được”.

Thời điểm này, mỗi ngày Mười Hưng kéo dính vài chục ký cá đủ loại. Với cá lớn, bạn hàng mua theo giá dao động 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, để đem ra bán chợ. Nếu cá nhỏ, họ mua về xay chả thì mức giá khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg. Riêng cá hủn hỉn, Mười Hưng giữ lại một mớ để ăn, số còn lại cân cho bạn hàng chưa tới 10.000 đồng/kg. Được cá nhiều nên nguồn thu bình quân cũng từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, giúp cho không khí trong chiếc lán trại đơn sơ của ông lúc nào cũng ấm cúng niềm vui mộc mạc.

“Tính ra, con nước năm nay cũng hơi lạ, vì cuối tháng 10 mà lũ còn trên đồng. Như mọi năm, chừng 20/10 (âm lịch) dọc theo kênh Tha La này người ta đã làm đất, xuống giống cho mùa lúa mới. Bởi vậy, dân cất vó có thể ăn thêm mùa cá kéo dài sang tận tháng 11 (âm lịch), nên tui sẽ ráng tích lũy cho cái Tết năm nay. Hy vọng tổ đãi, để tui đón năm mới sung túc hơn, chứ mấy năm qua không êm lắm” - Mười Hưng chia sẻ.

Đưa tay nhấc ly trà nhấm nháp, Mười Hưng nhìn xuống dòng nước kênh Tha La đang lăn tăn gợn sóng. Mấy cơn gió bấc từ đâu lại thổi, làm bay mớ tóc lòa xòa đã phủ hoa râm. Mười Hưng xuống bếp, nhóm lửa nấu cơm với niềm hy vọng con nước tháng 10 sẽ mang đến vụ cá bội thu cho mình và những ai theo nghề câu lưới!

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét