16 thg 11, 2022

Những thanh đá chuyên chở tâm hồn của người Raglay

Dưới những lớp đất đá của núi rừng Khánh Sơn này, chẳng biết từ bao giờ người Raglay đã biết nghe tiếng đá kêu. Những tiếng đá khi va vào nhau thánh thót như tiếng của tiền nhân, rì rào róc rách như dòng thác chảy, miên man miệt mài như tiếng loài chim trên mải miết đại ngàn tấu lên những khúc hòa ca đầy cảm xúc của người Raglay.

Nghệ sĩ Bo Bo Hùng (dân tộc Raglay) biểu diễn đàn đá

Bo Bo Hùng (dân tộc Raglay), hiện đang công tác tại Trung tâm văn hóa huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa, người nghệ sĩ của núi rừng dìu dặt nhịp búa gỗ. Những thanh âm vang lên từ đá như hồn thiêng nguồn cội ngàn năm dội về. Tiếng đá kêu như tiếng của linh hồn ẩn trong đá, khắc khoải đến ngây người. Đá vang lên những thanh âm riêng biệt, tha thiết, trữ tình như những làn điệu dân ca của đồng bào Raglai. Ấy là hồn thiêng nguồn cội. Có giọng mẹ, giọng cha. Có giọng sông, giọng núi. Hết thảy hòa thành tiếng vọng thâm u của đại ngàn, tấu lên những khúc hòa ca Raglai nhiều cảm xúc.

Có lẽ, đó là sự dồn nén của ngàn triệu năm trước trong lòng đá, tạo nên một linh hồn vĩnh cửu hóa thân vào đá, để bây giờ người đời nhọc nhằn tái tạo lại thanh âm ấy. Dưới những lớp đất đá của núi rừng Khánh Sơn này, chẳng biết từ bao giờ người Raglay đã biết nghe tiếng đá kêu. Những tiếng đá khi va vào nhau thánh thót như tiếng của tiền nhân, rì rào, róc rách như dòng thác chảy; miên man miệt mài như tiếng loài chim trên mải miết đại ngàn tấu lên khúc nhạc dặt dìu của đại ngàn vĩnh cửu.

Người bây giờ gọi đó là đàn đá, còn với người Raglay xứ này gọi đó là “goong lu”, có nghĩa là cồng đá, đá kêu như những chiếc cồng. Bao đời người Raglay chốn rừng Khánh Sơn đã làm bạn cùng đá, vui buồn cùng đá, khóc cười cùng đá. Đá như thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân xứ này. Đá như biết khóc, biết cười cùng người Raglay tự nghìn đời thủa trước. Tiếng đàn đá của Bo Bo Hùng vọng khắp núi rừng như gọi thần núi, thần rừng và tổ tiên cùng thức giấc mà vui với người Raglai bây giờ đã có cái ăn, cái mặc và đẻ nhiều con cái.

Đàn đá Raglay được chế tác từ loại đá đen, chỉ có tại huyện Khánh Sơn.

Theo tư liệu tại Phòng Truyền thống huyện Khánh Sơn thì bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy tại Việt Nam là Ndut Lieng Krak. Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, tỉnh Đăk Lăk một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ. Sau đó, bộ đàn đá này được Nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas khai quật tại Đắk Lắk năm 1949. Georges Condomimas khẳng định, nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết và đưa về Pháp để nghiên cứu và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Museé de l’Homme ở Paris. Các nhà khảo cổ học kết luận, đây là bộ đàn đá của tộc người Raglai, có niên đại cách nay 2.000 - 5.000 năm.

Nhưng căn cứ vào loại đàn đá tìm được ở di chỉ khảo cổ Bình Đa, các nhà khoa học cho biết, những thanh đá để làm đàn này có tuổi đời khoảng 3.000 năm. Các nhà nghiên cứu sau khi khai quật và khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc địa phận thôn Tô Hạp (xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), đã biết nơi đây chính là một xưởng chế tác đàn đá khổng lồ của người tiền sử. Bởi vì người ta không chỉ phát hiện những thanh đá nguyên vẹn, mà còn những mảnh đá vương vãi trong quá trình con người ghè đẽo ở xung quanh. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là cái nôi phát tích ra các bộ đàn đá, nơi có nhiều dấu tích chứng tỏ người xưa đã chế tác đàn đá tại đây. Và dân tộc Raglai là những người chủ thực sự của những bộ đàn đá.

Năm 1979, Việt Nam chính thức công bố với thế giới về việc phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của dân tộc khiến thế giới kinh ngạc. Sau đó, đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ độc đáo trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác truyền khẩu, phi vật thể của nhân loại.

Nghệ sĩ Bo Bo Hùng chơi đàn đá

Bo Bo Hùng cũng đã từng nhiều lần chơi đàn đá trong các lễ hội, trong những lần thẩm âm đã khẳng định, đàn đá chính là “linh hồn” của người Raglai. Người Raglay xưa hay treo đá lên bên suối, khi dòng nước chảy qua kéo theo những sợi dây buộc một viên đá va vào phiến đá mà tạo nên tiếng kêu. Cứ thế, người Raglay trong làng, hay trên rẫy vẫn nghe tiếng đàn gần lắm. Những đêm thanh vắng của đại ngàn, tiếng đàn đá vang lên cao trong trẻo, thánh thót, nghe như tiếng chim ca giữa trùng điệp đại ngàn. Lại có những tiếng trầm như rừng núi chuyển mưa, như gió núi rung cây, như tiếng đàn trâu đàn bò mỗi chiều rầm rập đi về.

Nhà nghiên cứu văn hóa Raglay Mấu Quốc Tiến thì bảo, ngày trước người Raglai lấy đá tấu lên âm thanh giống cồng chiêng và chơi theo kiểu của cồng chiêng. Vì thế, đàn đá Khánh Sơn nguyên thủy chỉ đánh được một số giai điệu ngắn của người Raglai. Các bộ đàn đá chế tác sau này có thể đáp ứng được các yêu cầu của các loại nhạc cụ hiện đại, khi mỗi phiến đá một nốt nhạc. Chính vì thế, đàn đá bây giờ không chỉ có hát dân ca Raglai mà còn có thể gõ lên những bản nhạc hiện đại với thanh âm độc đáo.

Có một điều khiến nhiều người tiếc nuối, đó là đàn đá không chỉ mang trong mình nét đẹp văn hóa, tâm hồn của đồng bào mà còn là niềm tự hào của người Raglai. Nhưng hiện nay, những bộ đàn đá để biểu diễn còn rất ít, người biết đánh đàn đá cũng ít, còn người biết chọn đá để làm đàn lại càng ít hơn. Chỉ còn lại vài người như Bo Bo Hùng, Bo Bo Ren, hay Tro Thị Nhung và Bo Bo Thị Trang...

Nghệ nhân chơi đàn đá Kaly Trần (người Ba Na) cùng dàn cồng chiêng Tây Nguyên.

Để bảo tồn và tạo thêm điểm nhấn du lịch, có một người đàn ông hơn 30 năm qua gắn bó với nghề làm đàn đá Raglai. Đó là ông Nguyễn Phương Đông (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà) đã sản xuất hàng trăm chiếc đàn đá đủ kích cỡ, mang đến cho người dân và các du khách thêm một “đặc sản” độc đáo về tinh thần mỗi khi đến với Khánh Hòa. Theo ông Đông, nguồn đá ở Khánh Sơn bây giờ còn rất ít. Làm sao giữ gìn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này là điều hết sức quan trọng.

Hiện tại, toàn huyện Khánh Sơn có 2 bộ đàn đá nguyên thủy dùng để biểu diễn. Một bộ đặt tại Phòng Truyền thống huyện Khánh Sơn, còn một bộ do xã Sơn Hiệp quản lý. Trước nguy cơ mai một tiếng đàn đá, từ năm 2020, UBND huyện Khánh Sơn đã tiến hành khảo sát, phục dựng 3 hệ thống đàn đá nước giữ nương rẫy nguyên bản của người Raglai để bố trí tại các dòng chảy tự nhiên ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp), xã Ba Cụm Nam và xã Thành Sơn. Đối với đàn đá dùng biểu diễn, chính quyền địa phương cũng tiến hành chế tác 10 bộ để bổ sung cho Phòng Truyền thống huyện và 8 xã, thị trấn, mỗi địa phương 1 bộ. Cùng với việc phục dựng các bộ đàn đá, huyện Khánh Sơn cũng đã tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho 16 nhạc công người Raglai tại địa phương, tổ chức quảng bá giá trị về loại nhạc cụ cổ truyền người Raglai gắn với phát triển du lịch...

Chính quyền huyện Khánh Sơn đang phục dựng lại tinh hoa đàn đá Raglay.

Chiều bên triền núi dốc, Bo Bo Hùng vẫn chơi đàn đá. Dáng người uyển chuyển như một con nai rừng, đôi chân nhịp nhàng cho đôi tay dang rộng, thoăn thoắt. Trong không gian mênh mang âm thanh của đá, có tươi vui lẫn u buồn của đời người Raglay trăm năm, có suối khe lẫn ghềnh thác, có cánh chim rừng bay hay tiếng đàn trâu về bản. Đàn đá Raglay vẫn còn đó, và vẫn tiếp tục tấu lên những khúc nhạc mang chở hồn thiêng của đá, của tấm lòng người Raglay muôn đời.

Tiêu Dao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét