10 thg 11, 2022

Lang thang trên Phú Nhuận xưa

Có thể hình dung đời sống sinh hoạt trên vùng đất Phú Nhuận ngày xưa như thế nào?

Qua các nhà nghiên cứu, đa phần dựa vào tài liệu và báo chí thời Pháp thuộc, chúng ta đã hình dung được những nét căn bản về một vùng đô thị tuy không đóng vai trò quan trọng như vùng Bà Chiểu - Bình Hòa ở Gia Định, không là nơi phồn hoa như thành phố Sài Gòn hay Chợ Lớn nhưng là một vùng đất văn vật, dân cư có phong hóa, nhiều di tích, chùa chiền, nhà thờ… May thay, có vài nhân chứng đã từng thấy một Phú Nhuận xưa cũ cách chúng ta hằng bảy, tám mươi năm.

Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu từng sống ở Phú Nhuận kể rằng vào khoảng năm 1939, nơi đây là một vùng rất thưa dân cư. Nhà cửa hai bên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) thuở ấy không có các phố xá như hiện nay mà phần nhiều là những mảnh vườn nho nhỏ. Nhà cửa phần đông cất kiểu nhà sàn thấp, có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng, chưa có nước máy như về sau này.

Người làm việc ở đường Lê Thánh Tôn ngoài trung tâm Sài Gòn thay vì chọn chỗ ở gần nơi làm việc lại thích về Phú Nhuận vì ưa phong cảnh có vườn tược. Phú Nhuận lại là trạm chót của xe buýt từ Sài Gòn vô, lại có trạm gần Nha Học chánh nên sự di chuyển hằng ngày rất tiện lợi.

Một con đường đi trong làng ở Phú Nhuận (thập niên 1930). Tranh trích trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo có minh họa về Đông Dương) do Trường vẽ Gia Định thực hiện 1935.

Đã vậy, nơi trạm xe buýt khởi hành từ Phú Nhuận có một quán ăn người Trung Hoa rất nổi tiếng về món thịt bò kho. Theo ông, vào thời trước, chỉ có Sài Gòn là nơi hằng ngày có bán thịt bò nhiều hơn cả, vì phần đông người Pháp và Âu đều tập trung thủ đô miền Nam. Ở các chợ tỉnh nhỏ, các thớt thịt bò rất hiếm vì ít người tiêu thụ, nên khó tìm ra loại thịt để nấu món đặc biệt này. Gân, sụn nấu sao cho vừa đủ chín, không quá cứng nhưng cũng không quá nhão, để thực khách khi ăn, vẫn còn thưởng thức được cái thú vị đang cắn vào miếng gân, miếng sụn. Nghệ thuật là như thế, nên quán chỉ nấu vừa đủ bán cho khách vào buổi sáng. Nếu bán còn dư, phải hâm lại thì món ăn đã biến chất, không còn ngon như mới nấu lần đầu.

Ông Nguyễn, một kỹ sư cầu đường năm nay 84 tuổi từng sống ở Phú Nhuận kể khi ông còn nhỏ, trước thập niên 1950, từ Cầu Kiệu kéo dài đến ngã tư Phú Nhuận, đường Louis Berland (nay là Phan Đình Phùng) khá sầm uất. Hai bên đường là hai dãy phố, nhà xây mái ngói kiên cố trong khi đường Lê Văn Duyệt quận Bình Thạnh hiện nay, còn đang gọi là đường Hàng Bàng, hai bên đường toàn là ruộng lúa từ dưới dốc Cầu Bông đến Lăng Ông. Các tiệm buôn hai bên đường sát nhau.

Tại rạp Văn Cầm, mỗi khi có phim mới hay có gánh cải lương mới về có đào kép nổi tiếng đóng thì ôi thôi, người xếp hàng, kẻ chen ngang giành mua vé rất đông, chưa kể người bán hàng rong ì xèo giành khách. Cái bót thuộc Phòng Nhì (deuxième bureau) sau năm 1945 đặt ngay góc ngã ba đường Lò Rèn (nay là Huỳnh Văn Bánh) và Louis Berland. Cuối đường Louis Berland là ngã tư Phú Nhuận, từ đó đi về phía Gò Vấp rất vắng vẻ, hai bên đường lâu lâu mới có một căn nhà lụp xụp, y như ở miền quê Nam bộ vậy.

Hơn bảy mươi năm qua, lớp người từng thấy một vùng Phú Nhuận còn hiền lành, chân chất nay đã ra đi gần hết.

Nhà văn Sơn Nam xác định trong cuốn 300 năm Phú Nhuận mảnh đất - con người - truyền thống là: “mãi đến 1944 hoặc 1945, phía tả ngạn (của rạch Thị Nghè, tức kinh Nhiêu Lộc phía Phú Nhuận) vẫn còn là nơi dân cư thưa thớt, tập trung theo trục lộ chánh, phân bố không đồng đều ở những con đường nhỏ. Hãy còn thấy những ao vũng có thể câu cá vào mùa mưa, những lùm bụi, chòm tre, gò nổng với xóm nhà lá của dân nghèo thành thị hoặc người chuyên trồng bông hoa, làm rẫy rau cải. Họ đi chân đất, mặc bà ba, đi guốc.

Người lớn tuổi còn thuật lại việc làm ruộng, mỗi năm một vụ, nhờ nước trời, ở vùng này là khu vực cơ quan Quân khu 7 hoặc sân bay Tân Sơn Nhất (nổi tiếng phía sân bay, bấy giờ có khu vực gọi “Bàu Sấu”; với từng mảng đôi ba ngàn mét vuông). Trừ khu vực chợ, phần lớn dân lao động thắp đèn dầu lửa, dùng nước giếng, vật tư xây dựng khan hiếm. Nhà tường, lợp ngói âm dương thường là của giới công chức, thương gia. Ngày Tết, dân làng đá gà, cờ bạc trên lề đường như ở miền quê Bà Điểm, Hóc Môn”.

Ông cho biết “phía tả ngạn, ven bờ rạch là đất bãi sình lầy, ẩm thấp, không trồng tỉa được. Phần đất xa bờ, về phía Bắc, là phù sa cổ như đất rừng già hoặc rừng chồi miền Đông. Về đại thể, khá bằng phẳng nhưng đi vào chi tiết, vẫn là “Hình khe thế núi gần xa. Dứt thôi lại nổi, thấp đà lại cao”. So với mặt biển, phía Rạch Miễu cao hơn 1m, phía chợ Gò Vấp, hơn 10m, Lăng Cha Cả 6m, ấp Đông Ba cũ 6m, ngay góc Phan Đăng Lưu và Ngô Tùng Châu cũ, non 6m, vùng nhà chợ Phú Nhuận cao hơn 2m”.

Ông Nguyễn hồi tưởng: “Qua năm tháng, có thể thấy sự đổi thay đi từng bước rất rõ trên con đường Louis Berland - Võ Di Nguy rồi Phan Đình Phùng nhưng riêng chợ Xã Tài thì hầu như không thay đổi ngoài diện tích chợ được kéo dài thêm và khu xóm sau chợ thì không còn những mái nhà tranh vách lá nữa”.

Ngã tư Phú Nhuận xưa. Ảnh: Life

Con suối từ vùng cao Tân Sơn Nhất chảy ra (khu vực Cổng xe lửa số 10), cây cỏ nước mặn và nước lợ mọc um tùm, mà ông Sơn Nam khẳng định từng có nay ở đâu? Con suối thứ nhì đổ ra rạch Thị Nghè, sau này có Cầu Cụt đi qua, đến thập niên 1990 tôi vẫn còn thấy nay đã không còn.

Vật đổi sao dời, khi ba má tôi về Phú Nhuận, người Pháp vẫn còn thống trị. Học trò cả xã này dồn về trường Võ Tánh để học tiểu học, học tiếp nữa phải lên trường Tổng tận Bà Quẹo. Bên phía chợ Ga còn là khu vườn trồng nhiều cây lý, đợi đến ngày quốc khánh Pháp mở hội chợ cho bà con chung vui. Lúc đó, xóm làng rộng rãi, cây cối um tùm, người Bắc di cư chưa vào, đi đâu thì ngoắc xe ngựa hay đi bộ lên chợ Xã Tài mua sắm, thiếu rau thì ra rẫy cải người Tiều mua về ăn, dặn rửa cho kỹ, luộc chín vì họ bón phân bắc.

Ngày Tết vui nhất là đi Lăng Ông coi bói, xem hát bội hoặc qua Đình Phú Nhuận cũng để xem hát. Mùa mưa thì lầy lội nhưng có khi bắt được cá dưới mương. Hơn bảy mươi năm qua, lớp người từng thấy một vùng Phú Nhuận còn hiền lành, chân chất nay đã ra đi gần hết. Người từng sống ở Phú Nhuận cách nay hơn nửa thế kỷ về trước rất sôi nổi khi nhắc đến vùng đất này khi họ còn nhỏ, nhưng đa số đã sống ở nơi khác. Có lẽ vậy mà tiếc nuối nhiều, nhớ rất kỹ và tình càng đậm đà.

Phạm Công Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét