2 thg 11, 2022

Nghĩa Trủng đàn ở Quảng Trị

Nhiều người biết trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta có hàng ngàn nghĩa trang, trong đó có 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sĩ. Thế nhưng, ít ai biết nghĩa trang người lính Việt đầu tiên nằm tại Quảng Trị, có tên Nghĩa Trủng đàn.

Nghĩa trang thờ người lính Tây Sơn áo vải

Nghĩa Trủng đàn là nghĩa trang người lính Việt đầu tiên của Việt Nam, được lập vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25), trên khu đất hơn 3.000 m², thuộc địa phận làng Thạch Hãn xưa (nay thuộc khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi thờ cúng các vong linh và là nơi an nghĩ của hơn 1.000 hài cốt người lính Tây Sơn áo vải ra Bắc dẹp quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789.

Cổng Tam Quan của Nghĩa Trủng đàn vừa được xây dựng khang trang. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo sử sách chép lại, hàng năm, thấy mộ phần của các lưu dân Nam tiến chôn dọc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) bị xói lở rất thương tâm nên năm 1872, ông Hoàng Hữu Lợi, tước Trung nghị đại phu Phó đô ngự sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc làng Bích Khê, Quảng Trị (nay thuộc xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) phát nguyện mua khu đất ở làng Thạch Hãn (nay thuộc khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị) làm nơi quy táng.

Nhà thờ chính của Nghĩa Trủng đàn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Nối tiếp việc nghĩa, trưởng nam của ông Hoàng Hữu Lợi là quan Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng tiếp tục thực hiện việc quy tập thêm nhiều di cốt về nơi đây. Theo sử chép, ông Hoàng Hữu Xứng thường gặp nhiều di chỉ mộ hoang ở vùng quản hạt, hỏi ra mới biết đó đều là di cốt của nghĩa quân Tây Sơn chết trận lúc đại thắng quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu (1789).

Trước đó, người dân địa phương đã đến Nghĩa Trủng đàn trồng hoa, chăm sóc cây cối để có khuôn viên thờ viếng trang nghiêm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Thiết nghĩ, xương cốt quân thù còn được nhân dân ta quy tập chôn thành 12 gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế... Còn đây là các nghĩa sĩ Tây Sơn hi sinh vì Tổ quốc thì càng phải trân quý. Cho nên, ông Hoàng Hữu Xứng đã thuê người thu tập thêm hơn 600 hài cốt, rồi dùng thuyền bầu ngược vào Thuận Quảng đưa về Nghĩa Trủng đàn an táng.

Bên trong nhà thờ chính Nghĩa Trủng đàn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo lời kể của các bô lão còn sống, trong những năm chiến tranh quân giặc nhiều lần đưa xe tăng, máy xúc muốn san phẳng Nghĩa Trủng đàn nhưng đều thất bại. Bởi khi xe tăng đưa vào gần Nghĩa Trủng đàn đều bị tuột xích, chết máy… khiến chúng hoảng loạn, không dám động đến nữa. Sau nhiều lần tu bổ, Nghĩa Trủng đàn đã bớt phần hoang sơ. Tuy nhiên, mộ phần gần như bị xáo trộn theo thời gian, và trở thành bãi đất bằng phẳng.

Tấm văn bia ở Nghĩa Trủng đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chấp bút. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tại tấm văn bia ở Nghĩa Trủng đàn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là hậu duệ thứ 16 của Hoàng tộc Bích Khê đã chấp bút, tạc ghi lịch sử hình thành của nghĩa trang này.

"Địa chỉ đỏ" trên con đường về nguồn

Với ý nghĩa to lớn của Nghĩa Trủng đàn, ngày 16/12/2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND về việc công nhận nơi này là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Toàn cảnh Nghĩa Trủng đàn nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Bà Phan Thị Kiều Lan – Cán bộ Văn hoá – Xã hội phường 3, thị xã Quảng Trị cho biết, trước đây Nghĩa Trủng đàn rất đơn sơ. 3 năm trở lại đây, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, cá nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí nên Nghĩa Trủng đàn đã được trùng tu tôn tạo bề thế hơn, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Khu lăng mộ Nghĩa Trủng đàn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đến nay, khu Nghĩa Trủng Đàn bao gồm: Nhà thờ chính (Chánh điện và Hậu cung), khu lăng mộ, nhà bia và khuôn viên cảnh quan. Trước mặt tiền là tấm Bình Phong, ngoài ra có thành bao bọc xung quanh và cổng Tam quan. Khu mộ bằng phẳng, rộng lớn đã được xây thành, tạo nên một nấm mồ chung rộng lớn.

Vào những ngày lễ lớn của đất nước, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức lễ tri ân tại Nghĩa Trủng đàn với nghi thức trang trọng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Khu đất bằng phẳng, rộng lớn này là ngôi mộ tập thể của những người lính Tây Sơn áo vải cờ đào. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Lê Khắc Bảo Trị (53 tuổi, trú khu phố 8, phường 3, thị xã Quảng Trị) – người trông coi, bảo vệ Nghĩa Trủng đàn cho biết, ngày rằm, lễ, tết có rất nhiều người dân, đặc biệt là học sinh đến đây thắp hương tri ân những người lính Tây Sơn áo vải cờ đào. Trong mắt người hành hương ánh lên niềm biết ơn vô hạn với các bậc tiền nhân có công với đất nước.

Nghĩa Trủng đàn được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2010. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Nghĩa Trủng đàn là địa chỉ đỏ trên con đường về nguồn, tri ân người có công với đất nước. Không chỉ vậy, nghĩa trang này còn là nơi để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Vì vậy, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thông tin rộng rãi để có nhiều người biết đến Nghĩa Trủng đàn" – bà Lan cho hay.

Ngọc Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét