24 thg 11, 2022

Về vùng Bảy núi An Giang thưởng thức bánh Kà tum

Kà tum theo tiếng Khmer nghĩa là “trái lựu” - loại bánh được gói bằng lá cây thốt nốt có bề ngoài giống như trái lựu. Bánh Kà tum mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc, chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer An Giang, như: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok om bok. Điều đặc biệt, loại bánh này chỉ có duy nhất ở vùng đất Ô Lâm, huyện Tri Tôn (An Giang).


Nguyên liệu làm bánh Kà tum rất quen thuộc, gồm có gạo nếp, đậu trắng, dừa, đường cát, muối… Gạo nếp sau khi mua về ngâm qua một đêm, sau đó để ráo, tiếp đến là cho đậu trắng nước cốt dừa cùng chút muối và một ít đường trộn đều cho thấm gia vị rồi gói bánh. Khâu khó nhất và mất thời gian nhất là làm vỏ bánh. Thường bà con phải lựa những tàu lá thốt nốt non ở trên ngọn cây cho vừa đủ độ, chặt xuống, lau sạch, rọc từng mảnh nhỏ, dài có kích thước bằng nhau rồi đan thành hình vuông để tạo thành vỏ bánh.

Bánh Kà tum sau khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 30 - 45 phút, sau đó vớt ra, trần qua nước lạnh rồi để ráo. Nhìn bề ngoài bánh Kà tum có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt.

Khi thưởng thức bánh, người ăn phải tìm mối lá được giấu khéo léo dưới vỏ bánh và lần theo gỡ ngược về cuối bánh. Đây cũng cách để người thưởng thức bánh Kà tum cảm nhận được sự kỳ công, khéo léo và tâm ý của người làm ra chiếc bánh độc đáo này.

Khi bỏ lá, nếp không dính vào vỏ bánh, vỏ bánh sáng bóng, bên trong chiếc bánh là phần nếp dẻo hòa quyện vị béo của dừa, bùi bùi của hạt đậu trắng và mùi thơm đặc trưng của lá thốt nốt non… tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt, không thể nào lẫn lộn được với các loại bánh khác.

BTK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét