18 thg 11, 2022

Vùng đất của người di cư

Đọc bài của người Biên Hòa - Đồng Nai viết về Biên Hòa - Đồng Nai đã nhiều rồi, bữa nay ta thử đọc bài của người Hà Nội viết về Biên Hòa - Đồng Nai nhé.

Anh Nguyễn Phan Khiêm - tác giả bài viết - là thạc sĩ Luật học, thư ký tòa soạn tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử và cũng là cộng tác viên cho nhiều báo, tạp chí. Anh cũng là một Facebooker quen thuộc với chúng ta. Bài viết này trích trong tập sách Chạm vào âm thanh thời gian của Nguyễn Phan Khiêm, xuất bản năm 2020. Hình ảnh trong bài do tui thêm vô cho nó... có màu sắc!

PHN

Vùng đất của người di cư

Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về.

Quả thật, với hơn 300 năm lịch sử, Đồng Nai, Biên Hòa là mảnh đất lành để biết bao lớp sóng người dân di cư chọn làm điểm dừng chân lập nghiệp....

Cầu Gành Biên Hòa, 2003. Ảnh; Phạm Hoài Nhân

1. Nhớ một lần đến Biên Hòa, những người bạn ở thành phố này đưa chúng tôi đến ăn tối ở một nhà hàng nằm sát bên sông Đồng Nai, dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Langbian, vượt qua bao thác ghềnh để đến Biên Hòa trở thành một dòng sông lớn, yên bình và trong xanh, miệt mài chảy về phía biển. Đêm đó trăng sáng, dòng sông lấp lánh, gió từ sông thổi vào mát rượi. Anh em vui vẻ nâng ly rồi đàn hát, tôi chợt cảm thấy thú vị vì ở đây mỗi người mỗi quê, từ bốn phương hội tụ.

Tôi từ Hà Nội vào, Trần Công Lũy từ Vĩnh Long lên, các bạn là cư dân Biên Hòa cũng đến từ các miền quê rất xa nhau. Lưu Ngọc Liên, gốc Hoa, hiện cô kế toán của một doanh nghiệp nước ngoài. Phan Văn Tú, quê Quảng Nam theo gia đình vào Biên Hòa từ năm 1978. Cù Thanh Huyền, phu nhân của Tú, quê Phú Thọ, theo bố mẹ vào đây từ 1988. Vợ chồng anh Tú chung nghề giảng dạy Đại học, Cao đẳng báo chí, truyền thông. Nguyễn Tử Mục, giám đốc doanh nghiệp, cũng quê Quảng Nam. Nguyễn Quốc Lanh, chàng kiến trúc sư tài hoa, chụp hình rất đẹp, chơi ghi ta điệu nghệ, quê Hưng Yên, lấy vợ gốc Hoa. Tôi tranh thủ làm cuộc phỏng vấn nho nhỏ.

Tôi hỏi Ngọc Liên về nguồn gốc, liệu có phải cô là con cháu những người theo tướng Trần Thượng Xuyên đến đây năm 1679 hay không, Liên cho hay, ông bà cô từ Quảng Đông mới sang Biên Hòa thời Nhật xâm chiếm Trung Quốc, những năm 1937- 1938. Mẹ của Liên người Việt, quê Bình Dương.
  • Biên Hòa, Đồng Nai cũng tương tự Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi rất cởi mở, bao dung những người từ nơi khác đến, đây là đất hợp cư của nhiều đợt di dân. Đồng Nai hiện là tỉnh đông dân nhất các tỉnh Đông Nam Bộ, trừ thành phố Hồ Chí Minh - anh Tú nói.
  • “Đồng Nai gạo trắng nước trong/ Quảng Nam đá cục đừng mong anh về”, câu này chắc của chị em Quảng Nam nhắn người đi Biên Hòa, như anh Tú hay người ra đi nhắn cho người ở lại nhỉ?!
  • Có lẽ hiểu cách nào cũng được, có điều Đồng Nai trong đó là chỉ cả Nam Bộ. Tìm hiểu anh sẽ thấy cư dân Biên Hòa, Đồng Nai rất đa dạng, Lanh nói. Về dân tộc thì Đồng Nai có đến 51 dân tộc có mặt tại đây, đông nhất là người Việt (Kinh), sau đến Hoa, rồi Tày, Nùng, Khmer, Chăm, Mạ, Chơro, Ba Nar... Về nguồn gốc các tỉnh thì có lẽ gần đủ 64 tỉnh, thành phố.
  • Người bản địa thì chỉ có bốn dân tộc là Chơro, Mạ, S’tiêng và K’ho. Trong đó, dân tộc Chơro và Mạ có nền văn hóa riêng, đặc sắc. Hiện nay ở Đồng Nai người Chơro chiếm quá nửa tổng số người Chơro cả nước - anh Mục cho hay.
Nhà thờ Thuận Hòa, một ngôi nhà thờ có kiến trúc độc đáo ở Biên Hòa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Do hội tụ nhiều dân tộc và vùng miền khác nhau nên tôn giáo, tín ngưỡng ở Đồng Nai cũng vì thế mà cực kỳ đa dạng, theo thống kê có đến 13 tôn giáo, đông nhất là cộng đồng Công giáo, chiếm đến 30% dân số của tỉnh, sau đến Phật giáo, rồi Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, Hòa hảo, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân hiếu nghĩa...
  • Đa dạng cũng có thể là phức tạp, liệu các tôn giáo đó có “chung sống hòa bình” không?
  • Rất hòa bình anh ạ. Ví dụ bên nhà vợ em nhé, ông nội Hoa nhưng bà nội Việt, mẹ vợ cũng người Việt, nên dòng Hoa cũng dần Việt hóa. Có điều ông bà nội theo đạo Phật nên trên lầu có bàn thờ Phật, mẹ vợ em lại theo Thiên Chúa giáo, nên dưới nhà có bàn thờ Chúa. Có ba anh em thì chị Hai không rửa tội, anh Ba và vợ em được rửa tội và đi lễ nhà thờ siêng năng. Mẹ vợ em đi lễ nhà thờ nhưng ba ngày Tết vẫn lo làm cỗ chay cúng gia tiên. Anh Ba đi nhà thờ nhưng là cháu đích tôn nên hàng ngày đều thắp hương bàn thờ Phật và gia tiên vì bà nội yếu không làm được. Mọi người thấy chuyện đó rất bình thường, không có gì phải băn khoăn - Lanh chia sẻ.
  • Do dân cư từ nhiều địa phương trong cả nước về đây nên họ mang theo địa danh cũ vào quê mới. Các xứ đạo ở đây có Phát Diệm, Bùi Chu, có Hà Nội, Thanh Hóa, thậm chí những nhà thờ nhỏ, của cộng đồng dân cư cùng một ấp, một xã thì họ lấy tên ấp, tên xã đó đặt cho nhà thờ ở đây - anh Mục cho hay.
2. Nói đến lịch sử vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai là nghĩ ngay đến Trần Thượng Xuyên, di thần của nhà Minh nên sáng hôm sau vợ chồng anh Phan Văn Tú đưa tôi đi thăm di tích, bắt đầu là đình Tân Lân.

Đình Tân Lân. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đình Tân Lân nhìn ra sông Đồng Nai, cách sông chỉ một con đường. Phan Văn Tú chỉ cho tôi xem hướng đi của dòng sông và cho hay, trước đây ngay bên bờ sông này có một nhà hàng và là nơi vợ chồng anh tổ chức đám cưới. Hóa ra cụ Trần Thượng Xuyên đã từng chứng kiến lễ thành hôn của chàng trai xứ Quảng với cô gái đất tổ Phong Châu và hẳn cụ đã ban phước cho họ. Cũng như cụ và thuộc hạ xưa kia, nhiều người dân trên mọi miền đất Việt cũng chọn nơi đây làm chốn định cư, lập quê hương mới.

Điểm đặc sắc nhất của đình Tân Lân là mái của tòa tiền tế với hàng trăm tượng người, vật bằng gốm sứ men xanh màu lưu ly thế hiện các điển tích xưa như: Bát tiên quá hải, Quan Công phò nhị tẩu, thiếu nữ giao cầu, vinh quy bái tổ... Những tượng gốm này rất sinh động và tinh xảo.

Ở chánh điện, tượng Trần Thượng Xuyên được tạc với với bộ râu dài, đen nhánh, nét mặt vui tươi. Phải chăng bà con người Hoa nơi đây đã thể hiện niềm an vui của chính cộng đồng cư dân trên gương mặt thần. Nhìn lại hành trình gian nan của Tổng binh Trần Thượng Xuyên từ khi giương buồm tị nạn đến nay mới thấy Thần không vui sao được...

Có một phong tục còn lưu dấu đến ngày nay là dân Biên Hòa không làm tiệc mừng nhà mới. Có người lý giải rằng, nguyên do là những người Hoa đầu tiên theo chân Trần Thượng Xuyên đến đây luôn luôn mang trong mình ý chí phục Minh, hy vọng có ngày trở lại cố hương, nên làm nhà cửa ở đây chỉ là để có chỗ dung thân, không làm tiệc mừng để không quên cái tâm sự lớn lao còn ấp ủ. Dân Biên Hòa không phải người Hoa cũng làm theo, cho đến gần đây tục ấy mới nhạt dần.

Sau 340 năm, Biên Hòa ngày nay đã là một thành phố sầm uất, cùng với người Việt, người Hoa trở thành một cộng đồng lớn, còn giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng và phát triển bình đẳng với người dân Việt. Vùng đất “tạm dung” đã trở thành quê hương thứ hai của cộng đồng người Hoa.
  • Ở đây người ta tôn kính Trần Thượng Xuyên đến mức không gọi tên mà gọi là Đức Ông. Xưa ông thường mặc áo đỏ nên dân Biên Hòa gốc không ai dám mặc áo đỏ, thậm chí không đi xe ô tô, xe gắn máy màu đỏ - Ngọc Liên cho hay.
3. Công trình tín ngưỡng của người Hoa lớn nhất ở Biên Hòa có lẽ là miếu thờ Quan Thánh đế quân, xây dựng năm 1884 do cư dân bảy phủ (Quảng Châu, Triều Châu, Phước Châu, Truyền Châu, Chương Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba) đóng góp, nên có tên là “Thất Phủ cổ miếu”, dân gian gọi là Chùa Ông. Ông Lưu Dân Cường, ba của Ngọc Liên, một trong những thành viên Ban quản trị Thất Phủ cổ miếu cho hay: Sau nhiều năm biến đổi, nay ở Biên Hòa có bốn bang người Hoa là Triều Châu, Hẹ, Quảng Châu và Phúc Kiến. Trước đây luân phiên mỗi bang trông nom, quản lý miếu một năm nhưng nay thì cả bốn bang cùng trông nom.


Chùa Ông - Thất phủ cổ miếu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Các bang đều có hội quán riêng, nhưng Chùa Ông là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng trong tín ngưỡng thờ Quan Công. Một trong những hoạt động ở đây là trợ giúp gạo những hộ nghèo. Năm 2019, số gạo hỗ trợ khoảng 60 tấn. Nguồn thu chủ yếu là tiền công đức.

Trò chuyện với ông Cường chúng tôi biết rằng, xưa kia các gia đình người Hoa thường muốn con cái kết hôn với người Hoa, nhiều trường hợp hai chị em gái thông gia với nhau, nhưng đến nay thì không mấy ai đặt ra vấn đề đó nữa, người Hoa với người Việt lấy nhau trở nên phổ biến. Vì thế, có một thực tế là nhiều con cháu gốc Hoa không còn nói được tiếng Hoa. Chính các bô lão như ông Cường ở Thất Phủ cổ miếu chỉ khi nào tụ họp trong lễ hội lớn mới nói tiếng Hoa, còn thường nhật cũng nói với nhau bằng tiếng Việt, vì thật ra họ cũng sinh ra ở Việt Nam, nhiều người có mẹ là người Việt.

Những người thuộc thế hệ đi theo Trần Thượng Xuyên, sau biến cố năm 1776, quân Tây Sơn san bằng Nông Nại đại phố, thì số đông chuyển về Bến Nghé, Chợ Lớn, còn một số nhỏ phân tán ra các địa phương khác của Đồng Nai. Hiện nay hậu duệ của họ sống tập trung ở Biên Hòa và một số thị trấn để buôn bán, làm nghề thủ công và đã trở thành người Việt từ lâu. Tuy nhiên, người Hoa còn đến Đồng Nai từng nhóm nhỏ, nhiều đợt, cho đến tận cuối thế kỷ XX.

Ông Lưu Dân Cường, đầu tiên bên trái, trong ngày lễ của Thất phủ cổ miếu. Ảnh trích từ sách Chạm vào âm thanh thời gian

Bà Trần Thị Mùi người Việt gốc Hoa thuộc thế hệ thứ ba. Đại gia đình từ Quảng Tây sang Việt Nam năm 1939. Bà Mùi có mẹ là con gái họ Trương ở Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1954, hai ông bà đưa cả nhà vào Sài Gòn, sau đó về Biên Hòa, sau 1975 thì về Định Quán, nơi có cộng đồng người Hoa gốc Quảng Tây, Quảng Đông, Tày Nùng sinh sống.

Bà Mùi chia sẻ: Khi đó cả gia đình dắt díu đàn con về Định Quán, còn bỡ ngỡ, nhưng đã được địa phương và làng xóm cưu mang giúp đỡ, không gặp khó khăn gì về phân biệt, kỳ thị. Anh em bà Mùi được ăn học tới nơi tới chốn, ai cũng tốt nghiệp đại học, đến thế hệ các cháu có người đạt học vị tiến sĩ. Theo bà Mùi, bà con gốc Hoa còn ít nhiều giữ một số phong tục của người Hoa, nền nếp mỗi gia đình, còn lại thì không có gì khác biệt đáng kể với người Việt.

4. Cũng trên Cù lao Phố, không xa Thất Phủ cổ miếu là đình Binh kính thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đến có tượng Lễ Thành hầu nhìn ra sông Đồng Nai đoạn gần cầu Gành.


Tượng thờ và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh

Năm 1698, Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu (tại vị 1691 - 1725) sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố, lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, đặt dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đều đặt quan chức để cai trị, thiết lập làng, xã, định thuế khóa. Đại Nam thực lục ghi: “Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông... Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương”. Trần Thượng Xuyên được giữ chức Tổng binh, rồi Đô đốc Phiên Trấn.

Năm Tân Mão (1711) Quốc Chúa “ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn rằng phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường, tha các thứ binh dao tổ thuế trong 3 năm, do đó dân đều yên nghiệp làm ăn”.

Ngồi bên dòng sông, nhìn cầu Gành tấp nập, chúng tôi trò chuyện về vùng đất đặc biệt này, nơi Phan Văn Tú dùng từ “hợp cư” để nói đến nguồn gốc đa dạng của dân cư.
  • Ta có thể coi bầu đoàn Trần Thượng Xuyên là những người đầu tiên khai phá Biên Hòa được không?
  • Thật ra người Việt đã đến khai hoang từ trước. Địa chí tỉnh Biên Hòa xuất bản năm 1924, viết: Khoảng năm 1650, người Việt Nam qua mũi Đại Lãnh dùng thuyền vào vùng Đồng Nai. Họ cùng với dân bản địa khai hoang lập ấp chung sống với nhau hòa thuận. Lưu dân vào Đồng Nai thời kỳ này là những nông dân nghèo, không có ruộng đất ở quê hương; là những tội đồ bị lưu đày; là những người trốn tránh binh dịch, lính đào ngũ... cùng nhau đi tìm cơ hội mới.
Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp mộ phu đưa hàng chục ngàn lao động vào các đồn điền ở Đông Nam bộ, họ sinh sống chủ yếu ở các đồn điền cao su thuộc Xuân Lộc, Long Thành, Định Quán hiện nay.

Năm 1954 - 1955, một đợt di dân quan trọng khác sau Hiệp định Geneve, nhiều vạn giáo dân Thiên Chúa giáo vào Đồng Nai, phân bố tạo thành vành đai phía Đông - Nam Sài Gòn, hình thành các giáo xứ dọc theo quốc lộ 1, quốc lộ 51, lộ 20 thuộc địa bàn các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất, Long Thành... Theo anh Tú, nhóm cư dân này chủ yếu gốc đồng bằng Bắc bộ, sống quần cư theo giáo đoàn, giỏi nghề nông và nhiều nghề thủ công, rất sùng đạo nhưng cũng rất có ý thức giữ gìn tập tục của quê cha đất tổ.

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, cán bộ miền Nam “hồi kết” và cán bộ miền Bắc tăng cường cho Nam bộ mang theo gia quyến làm tăng thêm lớp người Việt gốc Bắc ở Đồng Nai. Rồi phong trào đi kinh tế mới, nhiều tỉnh đông dân ngoài Bắc đã di dẫn đến Sông Bé, Đồng Nai, Tây Nguyên ... Và các chuyến di dân tự do, tự phát nữa.

Vì thế mà hiện ở Đồng Nai có mặt cư dân Việt có nguồn gốc khắp 61 tỉnh, thành trong cả nước. Trong khi địa giới hành chính thu hẹp từ 11.044 km² (năm 1936) còn 53% (năm 1996) thì hiện nay dân số đã tăng vọt gấp 16,5 lần con số 129.000 dân của năm 1921.

***

Từ trái qua phải: Nguyễn văn Lanh, Nguyễn Phan Khiêm, Lưu Ngọc Liên, Cù thị Thanh Huyền, Phan văn Tú tại Biên Hòa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đi từ thành phố Biên Hòa theo quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, qua huyện Long Thành hay chạy lên Nhơn Trạch, chúng tôi thấy san sát bên đường các cánh rừng cao su trồng thẳng tắp như mắt sàng, xen kẽ những khu dân cư, mới thấy làng xóm ở Đồng Nai rất khác so với làng xã cổ truyền Bắc bộ. Ở đây, làng phân bố theo tuyến sông nước, tuyến lộ giao thông và tỏa rộng ở các vùng cao ráo gắn với nhiều hệ sinh thái kiểu sông nước hay ruộng vườn, không khép kín trong lũy tre làng. Vì là dân bốn phương hợp cư nên tổ chức hành chính - xã hội cũng đơn giản, không phân biệt chính cư với ngụ cư, dễ tiếp nhận thành viên mới và cũng dễ thay đổi cơ cấu. Cũng là làng nhưng cởi mở, đỡ bảo thủ, và càng dễ canh tân nhờ các cuộc hôn nhân cũng như các quan hệ giao lưu thường trực.

Trên đường lên Trị An, chúng tôi ghé một quán tạp hóa mua mấy thứ lặt vặt, cô gái bán hàng nói giọng Bắc không pha bất cứ từ Nam nào, tôi hỏi: “Em ở ngoài Bắc mới vào đây à?”. Thật bất ngờ khi cô gái nói: “Dạ, quê em ở Bắc Giang, nhưng em sinh ở trong này, bố mẹ em cũng đã sinh ở trong này, em chưa được về quê lần nào”. Hóa ra, họ là những người Bắc di cư từ 1954 vẫn sống quần tụ với nhau nên con cháu sinh ở Đồng Nai mà vẫn nói giọng Bắc.

Đồng Nai quả là vùng đất lành, dung hợp tất cả nhưng cũng tôn trọng tất cả, mỗi cộng đồng được sống với tiếng nói, thói quen, phong tục, sở trường của mình. Họ đã hòa nhập nhưng không mất bản sắc riêng, để làm phong phú, đa dạng hơn cho văn hóa Đồng Nai.

Nguyễn Phan Khiêm
Trong tập sách Chạm vào âm thanh thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét