Hiển thị các bài đăng có nhãn Người Đô thị. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Người Đô thị. Hiển thị tất cả bài đăng

10 thg 12, 2023

Thiên Lộc Đường và các nhà thuốc bắc ở Phú Nhuận

Trước năm 1975 riêng ở quận Phú Nhuận của thành phố Sài Gòn, giới chủ tiệm thuốc bắc làm ăn phồn thịnh, số tiệm mở ra khá nhiều mà vẫn có khách…

Vào những năm Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc giữa thập niên 30 thế kỷ trước, có một gia đình gồm đông y sĩ La Đinh cùng vợ, con trai là La Hiên di cư từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến Sài Gòn. Lúc đó, khu Chợ Lớn tuy có đông đúc người Hoa nhưng ông La Đinh quyết định tìm về Phú Nhuận để sinh sống, trên con đường chính của vùng này là Louis Berland (năm 1952 đổi thành Võ Di Nguy, nay là đường Phan Đình Phùng).

Vài năm sau, năm 1942, tại tư gia ở số nhà 293, sau đổi thành 261 đường Louis Berland, ông La Đinh mở một nhà thuốc bắc hành nghề sở trường của ông, cũng là nghề chính của nhiều người Hẹ (Khách Gia). Nhà thuốc lấy tên Thiên Lộc Đường (hiện nay là tiệm sơn Thạnh Phát Jotun). Nhãn hiệu của Thiên Lộc Đường là “nhạo rượu” in trên nhãn giấy và trên bảng hiệu.

Đông y dược sĩ La Đinh, chủ nhân nhà thuốc Thiên Lộc Đường.

27 thg 9, 2023

Huyền thoại Trương Văn Thanh

Đối với giới sưu tầm nghệ thuật, nhất là với những người thích sưu tầm tranh mỹ nghệ cao cấp của các công ty mỹ nghệ miền Nam trước 1975 như Thành Lễ, Trần Hà hay Mê Linh, họa sĩ Trương Văn Thanh là một nhân vật bí ẩn trong tâm trí của họ.

Qua những câu chuyện chắp vá được từ lời kể của những họa sĩ hay người sưu tầm tranh trước 1975, ông Trương Văn Thanh cùng họa sĩ Nguyễn Thành Lễ gây dựng nên Công ty mỹ nghệ Thanh & Lễ, một công ty mỹ nghệ có nhiều sản phẩm sơn mài, sơn khắc và cẩn được đánh giá cao. “Thanh & Lễ” là tiền thân của Công ty Thành Lễ rất nổi tiếng sau này.

Không có nhiều tài liệu viết về ông Trương Văn Thanh dù sau này khi tách ra từ Công ty “Thanh & Lễ”, ông có công ty mỹ nghệ riêng mang tên mình và vẫn được đánh giá là công ty làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, nằm trong nhóm xuất sắc nhất của mỹ nghệ miền Nam trước năm 1975 và cả sau này.

Trong cuốn Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội văn hóa Việt Nam 1969-1970, họa sĩ Trương Văn Thanh chỉ được đề cập đến với vài dòng vắn tắt: sinh ngày 18.3.1918 tại Tân Thuận Đông, Sa Đéc, theo học trường Mỹ nghệ đồ gốm, sơn mài, điêu khắc Bình Dương, tỉnh Thủ Dầu Một trong bốn năm. Và các hội đoàn ông đang tham gia.

Ông bà Trương Văn Thanh cùng ba cô con gái khi còn nhỏ. Ảnh: TLGĐ

8 thg 8, 2023

Tiệm kem ở xứ lạnh

Vào một tối mù sương, ta trong vai một thám tử tàng hình bám theo một đôi tình nhân Đà Lạt đang thời hò hẹn. Ta thấy họ khoác tay nhau dạo bước đến một quán chè, sinh tố hoặc tiệm kem trước khi vào rạp Ngọc Hiệp để xem một cuốn phim tâm lý tình cảm.

Trật tự ấy thoạt đầu sẽ ít nhiều khiến ta ngạc nhiên. Nhưng nếu ta là cư dân ở đây lâu năm, ắt sẽ hiểu rằng họ đã đủ ấm để cần thêm một chút khoái cảm giá buốt được thêm vào từ những ly kem hay những ly chè ngọt phủ nước đá xay dưới những mái quán nhỏ của khu phố mang vẻ đẹp mộc mạc mà huê tình.

25 thg 7, 2023

Có một phố Hàng rất khác

Không cứ người Hà Nội mà bất kỳ ai đặt chân tới thủ đô, đều xem 36 phố phường như một biểu tượng văn hóa giúp nhận chân bản sắc đô thị. Những con phố mang tên “Hàng” ngay lập tức khiến người ta liên tưởng tới ngành nghề thủ công hay mặt hàng mà chúng gắn liền. Tuy nhiên, có một biệt lệ: phố Hàng Bè.

Tên người Pháp dành cho phố Hàng Bè là Rue des Radeaux, tức phố của những chiếc bè. Khác với những phố Hàng khác, tên gọi của phố Hàng Bè không phản ánh loại hàng hóa đặc trưng của nó. Con phố này được đặt tên dựa trên vị trí đặc thù và loại phương tiện di chuyển gắn với cư dân địa phương. Để thử lý giải sự khác biệt này, ta cần “theo bè” ngược dòng lịch sử.

Bản đồ Hà Nội năm 1873 của nhà địa lý Frederic Romanet du Caillaud.

Dấu vàng son một vùng ghềnh thác

Cảm thức về thiên nhiên hùng vĩ vốn đậm đặc trong cổ thi hay tranh thủy mặc Á Đông. Một điều đáng kể là vào giai đoạn tiếp biến văn hóa phương Tây trong thời Pháp thuộc, các sản phẩm và thực hành văn hóa vẫn kế thừa cảm thức này. Núi rừng, sơn cước hay sông suối ghềnh thác chiếm một vị trí nổi bật trong các tác phẩm văn học, mỹ thuật, đặc biệt trong tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Chợ Bờ, thác Bờ, Đà giang… là một khu vực như vậy.

Hai bức tranh sơn mài nổi tiếng của Nguyễn Văn Tỵ và Phạm Hậu gần đây được đấu giá rất cao tại một số sàn quốc tế có chung một đề tài về phong cảnh thác Bờ.

Trước khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành, tạo ra vùng hồ sông Đà ngập toàn bộ vùng ghềnh thác Bờ, khu vực này đã nổi tiếng hiểm trở với các luồng nước xoáy giữa các ghềnh đá lởm chởm. Trong tín ngưỡng dân gian, nơi đây đã đi vào hệ thống đạo Mẫu với đền thờ bà Chúa thác Bờ cùng bài hát văn trong giá hầu đồng Chầu đệ Tam. Bỏ qua yếu tố nghi lễ, lời văn tô đậm vẻ khác thường của cảnh thác Bờ:

Lô xô đá mọc đầu nguồn
Thiên nhiên khéo tạc trên luồng chơi vơi
Cảnh thác Bờ là nơi thắng tích
Lập ngôi đền thờ thanh lịch biết bao
Sông Đà nước chảy rì rào
Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng
(hát văn bà Chúa thác Bờ)

Cư xá ở Phú Nhuận

Xã Phú Nhuận tuy nhỏ nhưng có lẽ ở thập niên 1950 - 1960 còn nhiều đất trống nên có nhiều cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân lập nên những cư xá bán trả góp.

Xã Phú Nhuận tuy nhỏ nhưng có lẽ ở khoảng thập niên 1950 - 1960 còn nhiều đất trống nên có nhiều cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân lập nên những cư xá bán trả góp.

Được sống ở cư xá trước năm 1975 thường là giới công chức hay viên chức của các công ty tư nhân, những người có thu nhập ổn định nên có thể mua trả góp một căn, dưới trệt hay trên lầu. Một căn nhà trong cư xá thường nhỏ (trừ khi chủ nhân có khả năng mua hai căn liền nhau), nhưng cư dân trong đó được sống ở một nơi khá sạch sẽ so với nhà dưới mặt đất trong ngõ hẻm quanh co lúc đó chưa được tráng nhựa, mưa ngập nước và nắng thì tung bụi (là chuyện hồi thập niên 1960, 1970… bây giờ đã khác).

Tôi có viết vài cảm nghĩ về những cư xá được xây dựng ở Sài Gòn thập niên 1960: “Cư xá dịp Tết vui hơn ngày thường. Nhìn từ tầng này thấy tầng kia có người đi chợ về với giỏ đầy trái cây, lạp xưởng, bó hoa bày bàn thờ. Lác đác có người bưng lên mấy chậu bông thược dược, mãn đình hồng mà mặt mày tươi rói. Đêm Giao thừa, nhà dưới trệt bày bàn cúng ngoài trời, nhà trên lầu bày bàn ra hành lang tạo cảnh ánh sáng lung linh giữa trời đêm. Đám con nít mang pháo xuống đốt dưới sân, nhiều người đứng tựa hành lang ngó xuống ngửi mùi pháo trong hơi lạnh. Ngày cuối tuần, đám con trai đứng tựa ban công, ngắm mấy các cô là khách vào cư xá, cô nào cũng diện đẹp hết sẩy, đánh má hồng thoa son” (Trích Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm – cùng tác giả).

12 thg 11, 2022

Sữa đậu nành đến xứ Việt từ khi nào?

Đậu nành được người Trung Hoa và Nhật Bản dùng làm món đậu hũ (đậu phụ) từ rất lâu. Người Việt cũng rất quen thuộc với món ăn này. Nhưng sữa đậu nành, một chế phẩm khác cũng từ đậu nành từ bao giờ xuất hiện ở xứ ta?

Thật may mắn, khi đọc báo Đông Thinh số ra ngày 31.8.1942, mới thấy được câu trả lời cặn kẽ: theo tác giả bài báo “Thỉ tổ sữa đậu nành”, người đầu tiên khuyến khích người Việt dùng sữa đậu nành không phải từ người Hoa sống tại Việt Nam như người ta thường nghĩ mà là một người Pháp làm việc cho chính quyền thuộc địa. Sữa đậu nành đã có mặt tại xứ Việt từ năm 1914.

Ngày nay sữa đậu nành là thức uống thông thường, bán trên lề đường và trong quán giải khát bình dân. Ảnh: TL

Tản mạn về “xóm cù lao” - đường Hương Mão

Những năm 1980, tôi có mấy lần đi vào đường Phan Xích Long mà như lạc vào một vùng quê. Thật lạ lùng, giữa vùng Phú Nhuận lại có một lõm không gian đầy ao rau muống, cầu gỗ chật chội và những túp nhà lụp sụp nằm sát bên bờ rạch mà người ta gọi là xóm cù lao.

Người tôi tìm gặp là Châu, một anh bạn dạy khiêu vũ, trước đó thỉnh thoảng gặp nhau ở lớp dạy nhảy. Ở đó, anh luôn bận sơ mi vàng nhạt, quần kem và giày trắng rất thanh nhã. Nhưng bên bờ ao rau muống ở đây, anh sống trong căn nhà che tạm bợ bên bờ rạch, luôn cởi trần phô bộ ngực lép vì nóng bức. Trời mưa vừa xong, khí ẩm bốc lên ngùn ngụt từ dòng nước đen và chúng tôi nói chuyện giữa không khí hừng hực đó. Ra về, tôi dắt xe đạp ngang qua một chiếc cầu, đến giữa cầu phải lùi xe trở lại vì có mấy con dê được một chú bé chăn dắt cũng đang qua cầu.

Sau này, tôi có dịp đến một ngôi nhà khác cũng trên con đường này, góc đường Phan Đăng Lưu. Đó là một căn biệt thự lớn có sân chung quanh xây từ thập niên 1930. Nhà thoáng rộng và được gìn giữ hoàn hảo, không bị sứt mẻ chút nào. Người tôi đên thăm sống độc thân trong căn nhà lớn cùng vài người thân sống dưới dãy nhà ngang.

10 thg 11, 2022

Hồ Tây… thời khổ

Nghe tranh cãi chuyện xây nhà hát opera - thôi thì dành cho các nhà quản lý, quy hoạch, kiến trúc và các nhà chuyên môn liên quan. Tôi chỉ muốn “những ai đó” nghe chuyện của kẻ từng là “dân Hồ Tây”, đã vào Sài Gòn, xa nó gần 40 năm.

Nhà tôi ở phố Thụy Khê, nhưng hầu như tôi không bao giờ có cảm giác mình ở ven hồ, dù sống được cái thời nghèo đó có lẽ do… thở bằng phóng khoáng gió. Là bởi khu tập thể chen chúc, muốn thấy mặt hồ phải đi vòng sau cả khu, nhà cửa xây bít đi sâu hun hút vào nơi tôi có căn phòng 9 mét vuông, ngăn đôi bên kia bằng tấm gỗ nên mọi trao đổi nói gì hai bên nghe hết cả.

Trẻ con bên nhà kia học bài, mẹ la mắng. Ông bố trẻ lính chiến trường được rẽ thăm nhà, hỏi thẽ thọt cô vợ, có ý phàn nàn sao vợ… cứ cảm tình hoài chưa được kết nạp? (chúng tôi là nhà báo thân nhau nên biết cô ấy cũng lính thẳng tính hay trêu đùa bốp chát, bướng bỉnh - chắc đang… cười). Về với vợ, tưởng… hỏi gì!

Lang thang trên Phú Nhuận xưa

Có thể hình dung đời sống sinh hoạt trên vùng đất Phú Nhuận ngày xưa như thế nào?

Qua các nhà nghiên cứu, đa phần dựa vào tài liệu và báo chí thời Pháp thuộc, chúng ta đã hình dung được những nét căn bản về một vùng đô thị tuy không đóng vai trò quan trọng như vùng Bà Chiểu - Bình Hòa ở Gia Định, không là nơi phồn hoa như thành phố Sài Gòn hay Chợ Lớn nhưng là một vùng đất văn vật, dân cư có phong hóa, nhiều di tích, chùa chiền, nhà thờ… May thay, có vài nhân chứng đã từng thấy một Phú Nhuận xưa cũ cách chúng ta hằng bảy, tám mươi năm.

Bác sĩ Trần Ngươn Phiêu từng sống ở Phú Nhuận kể rằng vào khoảng năm 1939, nơi đây là một vùng rất thưa dân cư. Nhà cửa hai bên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) thuở ấy không có các phố xá như hiện nay mà phần nhiều là những mảnh vườn nho nhỏ. Nhà cửa phần đông cất kiểu nhà sàn thấp, có lẽ vì đất đai còn rất ẩm. Nước dùng toàn là nước kéo từ các giếng, chưa có nước máy như về sau này.

8 thg 11, 2022

Con đường bảy lần thay tên

Đây là con đường dài nhất và rộng nhất trong quận Phú Nhuận (TP.HCM), dài 1.820 m chạy từ cầu Công Lý đến công viên Chiến Thắng, giáp với đường Hoàng Văn Thụ bằng một “mũi tàu” đặt một cây xăng lâu đời hơn nửa thế kỷ. Đường đi ngang qua các phường 8, 10, 11, 12, 15, 17.

Ở cuối thế kỷ XIX, đây chỉ là con đường mòn mang số 26, rồi mang tên đường Impératrice nối dài. Sau đó là 7 lần đổi tên đường: cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là đường Mac Mahon nối dài. Từ năm 1915 thành đường Charles de Gaulle nối dài. Đầu thập niên 1950, thành đường D. Lattre de Tassigny nối dài. Từ năm 1954 đổi thành đường Ngô Đình Khôi. Từ 1963, đổi thành đường Cách Mạng 1.11. Từ năm 1975 đổi thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Năm 1985 đổi thành đường Nguyễn Văn Trỗi đến nay.

Nhà văn Sơn Nam xác định trước năm 1932, con đường Mac Mahon còn nhỏ bé, nhà cửa thưa thớt với rẫy trồng rau cải.

Gỏi khô bò của “ông già Chemise Noire”

Một truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Ngọc trước 1975 có chi tiết đáng nhớ. Chàng trai trong truyện đi chuyến công tác vào Sài Gòn. Khi quay ra miền Trung, tới đèo Hải Vân anh chợt thấy tiếc vì chưa kịp ăn món gỏi khô bò của “ông già áo đen” ở khu nước mía Viễn Đông đường Pasteur, Sài Gòn. Anh đã tìm cách quay lại Sài Gòn để thực hiện ước mơ ấy...

Không dễ thực hiện chuyến đi xa xôi như vậy trong thời chiến chỉ để được ăn món gỏi khô bò. Có lẽ đó chỉ là một ẩn dụ về nỗi tiếc nuối của chàng trai trẻ xa thành phố, lao vào vùng chiến sự và nhớ về những niềm vui đời thường trên phố xá phồn hoa. Nhưng cái tên “ông già áo đen” đã luôn là thắc mắc của tôi.

Khu nước mía Viễn Đông năm 1968 phía đường Pasteur. Ảnh: TL

10 thg 8, 2022

Món ăn trong hộp sắt

Đồ hộp hay thức ăn đóng hộp là món ăn có thể ăn bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, phù hợp lối sống cơ động, mục đích chính là giữ gìn thực phẩm trong thời gian lâu và dễ dàng bảo quản, di chuyển.

Lục tìm trong nhiều số báo Lục tỉnh Tân văn phát hành từ đầu thế kỷ 20 là tờ báo phổ biến ở miền Nam không thấy nhắc đến bất cứ loại đồ hộp nào.

Ở Hà Nội khoảng năm 1933, báo Hà Thành Ngọ Báo nhiều lần quảng cáo một tiệm có bán đồ hộp của Hoa kiều tên là An-Yeng ở số 2 - 4 đường Đồng Khánh, bán chung với rượu mùi, chè Tàu, than củi, thóc ngô, cỏ và rơm nữa…

Đồ hộp phải phổ biến tới mức độ nào đó nên mới có bài viết hướng dẫn cách ăn đồ hộp cho đúng cách trên tờ báo Khoa Học, số 49, 1 Tháng Bảy 1933. Bài báo chỉ cách xem thức ăn đóng hộp khi mở ra xem có còn tươi ngon hay không hoặc bị mốc, lưu ý khi nắp bị phồng lên, để tránh nhiễm độc. Còn có bài hướng dẫn làm dứa để vào hộp sắt tây.

Tiệm Thái Thạch trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi) quảng cáo trên báo trước 1954. Ảnh: TL.PCL

“Búp bê văn hoá” và các sản phẩm búp bê ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước

Nửa thế kỷ trước, ở Sài Gòn đã cố gắng phát triển sản phẩm búp bê thủ công. Tuy nhiên, đến thập niên 1980 đã bị mai một.

Búp bê trưng bày tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Tư liệu

Đầu thập niên 1960, khách nước ngoài đến Sài Gòn được giới thiệu một loại búp bê rất đẹp bằng vải lụa tinh tế và mềm mại, chế tác rất đẹp, không thua loại búp bê Geisha, búp bê Hina của Nhật Bản thường bày bán ở cố đô Kyoto.

2 thg 8, 2022

Những Ấn kiều ở Sài Gòn

Người Ấn không xa lạ gì với người Việt sống ở Sài Gòn – Gia Định. Hồi nhỏ, lũ con nít vẫn thường hát: “Cha cha cha, Ma Ní lấy chồng Chà Và” nhái lời ca khúc Rico Vacilon. Có đứa khác đọc vè: “Chà và, Ma ní tí te/ Cái bụng thè lè con mắt ốc bưu” khi nhìn thấy các ông Ấn bụng to, mắt to thô lố.

Cái tên “Chà Và” ở đây để chỉ người da đen, bao gồm người Ấn, người Chăm và cả người Phi, người Mã Lai, người Nam Dương…, những người có nước da ngăm đen, từ nâu đến nâu đậm và rất đậm. Trong số đó, người Ấn chiếm số đông và tham gia vào đời sống kinh tế của miền Nam, dù không so được với người Hoa.

Họ cũng có vài món ăn thu hút được khẩu vị người Việt. Món cà ri của họ chen vào được cơ cấu mâm cơm cúng giỗ của người miền Nam. Món bánh cay dễ làm, ăn ngon, vừa ăn vừa xuýt xoa vì vị cay của họ cũng rất quen thuộc với người Việt, nhất là phụ nữ và con nít.

Ảnh tư liệu

1 thg 8, 2022

Hồi ức mới về Chợ Cũ

Lâu rồi tôi không nghe ai nhắc “chợ cũ” nên có lẽ cũng quên, cho đến khi tình cờ biết tin Chợ Cũ nằm trong diện giải tỏa.

Bao lâu rồi không rõ, có lần tôi tìm đến một quán cà phê nằm ở chung cư Tôn Thất Đạm. Tôi không nhớ điều gì xui khiến mình đến đó, chắc hẳn là từ lời rủ rê của bạn đồng hành, người thích lên mạng để “săn” quán cà phê đẹp…

Quán tối và vắng. Chúng tôi ngồi một hồi mà chưa thấy ai đem thực đơn ra. Bên trong quầy, một thanh niên râu ria độ ba mươi đang đứng, hình như là chủ quán, vừa xoay người đặt ổ bánh mì mới ra lò lên quầy, nhìn thôi đã thấy ngon mắt.

Lúc này thì người phục vụ vừa đến, tôi dợm hỏi có bán thức ăn không thì người bạn đồng hành vội ngăn lại. “Chút ra Chợ Cũ”.

Cửa ô đêm tàn dẫn lối

Người nào đến Hà Nội sau khi đi một vòng, nhẩm tính cũng biết thành phố có nhiều hơn 5 cửa ô và điều này gây thắc mắc cho họ khi họ đã quen với câu hát “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” trong bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Sự thực là Hà Nội có khá nhiều cửa ô trong quá khứ, nhưng rút cục con số 5 vẫn trở thành một số đếm mang tính quy ước, giống như “36 phố phường”, những con số được biểu tượng hóa để thành biểu tượng của Hà Nội.

Biến chúng thành biểu tượng chính là nhờ cách kể chuyện của các sản phẩm truyền thông văn hóa trong thời cận đại như bài hát nói trên, cho dù là một bài hát tuyên truyền có màu sắc lãng mạn. Từ khung cảnh trùng điệp “lớp lớp đoàn quân tiến về” được vẽ nên, cửa ô đã trở thành một khải hoàn môn.

Bản thân cửa ô không phải là những công trình kiến trúc đặc sắc hay tráng lệ về kiến trúc. Chúng chỉ trở nên đáng chú ý khi người Pháp xem xét dưới nhãn quan di sản, mà họ cũng làm việc đó khá muộn mằn như đối với thành cổ Hà Nội. Họ đã trót phá đi phần lớn khi quy hoạch một thành phố hiện đại, để rồi như vị toàn quyền Paul Doumer đã tiếc rẻ: “Tôi đã đến quá muộn”.

28 thg 6, 2022

Chùa Cầu trong ký ức người Hội An

Đến nay, Chùa Cầu vẫn là một hấp lực đối với các nhà nghiên cứu. Nhiều công trình trong nước, quốc tế về di tích này đã được thực hiện, công bố. Bên cạnh đó, trong ký ức người Hội An, những câu chuyện, kỷ niệm về Chùa Cầu là mạch nguồn tự nhiên, sâu thẳm vô cùng quý giá.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi ghi lại ký ức đời thường, mang đậm dấu ấn cá nhân của những người được sinh ra trong thập niên 30, 40, 50 của thế kỷ XX từng gắn với Chùa Cầu. Họ là những người Hội An đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, có người vẫn gắn bó với Chùa Cầu từ lúc được sinh ra cho đến tận bây giờ; có người, nay đã chuyển ra sinh sống ở ngoài khu phố cổ Hội An, thậm chí có người đang sống nơi xa xôi như Mỹ, Úc nhưng trong trí nhớ của họ, kỷ niệm về Chùa Cầu vẫn tươi nguyên.

Chuyện ít người biết về dinh Độc Lập

“Dinh Độc Lập” là cái tên duy nhất được gọi cho cả hai dinh thự lớn lần lượt tồn tại ở Sài Gòn, cùng nằm trên một miếng đất lớn ở trung tâm thành phố. Như vậy, dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây xong năm 1966 được thừa hưởng cái tên do Tổng thống Ngô Đình Diệm của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đặt cho dinh Norodom vào năm 1955 (xây từ năm 1868 đến 1871).

Theo tác giả D.K.L trong bài viết Dinh Độc Lập được 89 tuổi! Mời quý bạn tìm hiểu tiểu sử dinh Độc Lập đăng trên báo Dân Tộc - xuân Đinh Dậu 1957, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, dinh Toàn quyền đầu tiên là một nhà tranh vách gỗ.

Cho đến năm 1865, người Pháp mua ở Singapore một sườn nhà bằng gỗ có tháp bù-lon đem về cất dinh Toàn quyền tại phía gần trường Taberd ngày nay.

Tranh vẽ dinh Toàn quyền tạm bằng gỗ, ngôi nhà này sẽ được thay thế bởi dinh Norodom một vài năm sau đó. Tác giả: Henri Amirault (1834 - 1914) là thiếu úy, sĩ quan tùy viên của Tham mưu trưởng cho Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière, vẽ bằng mực tàu và màu nước (20x37cm) khoảng năm 1865. Nguồn: lưu trữ gia đình của Pierre-Paul de La Grandière (1807-1876), Thống đốc Nam Kỳ 1863 - 1868.

8 thg 6, 2022

Hàng Xanh trăm năm đi qua

Hồi xưa, khu Hàng Xanh nằm trên đường thiên lý từ Sài Gòn ra Bắc ở thế kỷ 18. Thời đó, muốn đi Biên Hòa hay phía Bắc, khách phải đi đò chạy dọc theo bờ sông, còn đường bộ thì lầy lội toàn là ruộng với ao.

Hàng Xanh không phải là một khu vực cuốn hút với những ai thích đời sống đô thị. Ở đó không có những ngôi nhà mái ngói thấp thoáng dưới bóng cây như ở Bà Chiểu, khu ngã tư Bình Hòa, cũng không có những con hẻm vắng vẻ như vài nơi ở Phú Nhuận. Hàng Xanh ồn ào, hay có xe lớn qua lại, trời mưa hay ngập nước. Đi ngang Hàng Xanh mùa nắng thì nắng chói, bụi mù, xe tải chạy ầm ầm giữa ngã tư rộng lớn, cái cầu sừng sững.

Hàng Xanh cũng có lúc êm đềm. Nhưng đó là một thời đã xa hàng trăm năm trước. Trong truyện “Chị Đào chị Lý” của nhà văn Hồ Biểu Chánh xuất bản năm 1957, ông kể cách ba mươi năm về trước, tức khoảng cuối thập niên 1920, “những người giàu có với những khách tầm hoa, chiều chiều hay mướn xe cyclo đi hóng gió. Hễ đi vòng chợ Bà Chiểu mà qua khỏi chợ Thị Nghè, thì từ mũi tàu, là chỗ sở Trường Tiền dượt thi đặng phát giấy phép lái xe hơi, vòng qua tới Cầu Mới, là ranh châu thành Bà Chiểu, hai bên đường đều là ruộng rẫy sình lầy, quang cảnh vắng vẻ im lìm, giống như quang cảnh thôn quê đồng bái.

Tranh minh họa: Kha Liêm