24 thg 8, 2022

Tĩnh lặng “hồ nước trời” lớn nhất miền Tây

Là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây, búng Bình Thiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) sở hữu vẻ đẹp trong trẻo lạ kỳ. Đến với búng, bạn sẽ chìm vào cảm giác mênh mang, thư thái và nhẹ nhàng của miền sông nước An Giang.

Đến búng Bình Thiên vào bất cứ thời điểm nào trong năm, bạn đều cảm nhận được sự bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn bởi cảnh sắc nên thơ, trong trẻo của nơi đây. Theo cách hiểu thông dụng, búng Bình Thiên nghĩa là hồ nước bình yên do ông trời ban tặng, hay ngắn gọn hơn là “hồ nước trời” theo lối giải thích chiết tự. Trong đó, “Bình” được hiểu là bình yên, phẳng lặng; còn “Thiên” là trời.

Búng Bình Thiên sở hữu vẻ đẹp bình yên, phẳng lặng

Điểm đặc biệt của búng Bình Thiên chính là mặt nước luôn trong trẻo quanh năm, dù mảnh đất An Phú là nơi đầu tiên đón nhận dòng phù sa từ thượng nguồn Mekong đổ về trong mùa lũ hàng năm. Mặc cho sông Bình Di (nơi cung cấp nước cho búng Bình Thiên) ngầu đỏ phù sa, nhưng khi vào đến “hồ nước trời”, thì trở nên trong vắt lạ thường!

Dòng nước phù sa khi vào đến “cửa ngõ” của búng Bình Thiên bỗng trở nên trong vắt lạ thường.

Những bậc cao niên ở địa phương vẫn còn thuộc làu bài thơ miêu tả về búng Bình Thiên từ thuở sơ khai, như một “di tích” tinh thần liên quan đến điểm du lịch đặc trưng của huyện đầu nguồn An Phú.

Thơ rằng: “Búng Bình Thiên là báu của trời/Cua kình đùa giỡn mặt đua bơi/ Tắc Trúc quanh co ngoài bãi cuộc/Hòn Xù lặn ngụp giữa dòng khơi/Tre xanh vờn vợn kề bên bãi/Nước bích mênh mông khắp mọi nơi/Bốn mùa nước lóng trong như lọc/Rồng núp nguồn sâu ẩn đợi thời”.

Góc tĩnh lặng của búng Bình Thiên

Theo dòng thời gian, búng Bình Thiên vẫn lưu giữ được sự tĩnh lặng, yên bình khiến du khách cảm thấy nhẹ nhàng khi đến đây tham quan cảnh vật. Đặc biệt, bạn còn có thể tìm hiểu cuộc sống của người Chăm ở Nhơn Hội, với những nét văn hóa rất riêng, cùng ngôi thánh đường lộng lẫy, như góp vào bức tranh trong trẻo, nhẹ nhàng của búng Bình Thiên.

Thánh đường Ma Jid Khay Ri Yah bên bờ búng Bình Thiên, nét văn hóa đặc trưng của người Chăm ở An Giang

Bên cạnh đánh bắt cá tự nhiên, người dân địa phương còn nuôi thủy sản theo kiểu lồng bè. Tuy nhiên, diện tích lồng bè ở đây khá nhỏ, nhưng cũng gợi nhớ đến khung cảnh làng bè cá Châu Đốc vang danh một thuở.


Những lồng bè nuôi thủy sản của người dân trên búng Bình Thiên

Nhiều thế hệ người dân địa phương đã gắn bó sâu nặng với búng Bình Thiên từ ngày thơ ấu.

Nằm bên bờ búng Bình Thiên là ấp Búng Bình Thiên (xã Quốc Thái) và ấp Búng Lớn (xã Nhơn Hội). Việc tên hồ nước được dùng để đặt cho địa danh đã minh chứng về sự gắn bó sâu nặng giữa búng Bình Thiên đối với nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Tên hồ nước được đặt cho tên ấp


Theo Địa chí An Giang, búng Bình Thiên có diện tích mặt nước khoảng 193ha, độ sâu trung bình 6m. Vào mùa nước nổi, búng mở rộng diện tích gấp 3 lần và trở thành biển nước mênh mông. Ngoài giá trị thủy sản, búng Bình Thiên còn được cải tạo để phục vụ du lịch và hứa hẹn sẽ trở thành điểm check-in lý tưởng cho những ai thích khám phá vẻ đẹp đặc trưng của sông nước miền Tây.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét