9 thg 8, 2022

Nồng nàn hương thị

Năm nào cũng vậy, khoảng giữa tháng 6 (âm lịch), nếu có dịp đến vùng Bảy Núi, bên cạnh rất nhiều loại đặc sản, mọi người sẽ được thưởng thức thêm một loại trái cây mang hương vị đặc biệt của núi rừng - trái thị. Có lẽ, vì cây thị chưa mang lại nhiều giá trị kinh tế như những cây trồng khác nên hiếm người trồng, người bán. Người tìm mua trái thị đa phần là để tìm về miền ký ức, với hương thơm như làm dịu cả đất trời.

Theo các bậc cao niên trong vùng, khoảng 10 năm trước, cây thị ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên còn nhiều, chủ yếu được trồng ở sâu trong phum, sóc hoặc ở trên núi, cách vài hộ là có nhà trồng từ 3-4 cây. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cây thị của cả vùng Bảy Núi không còn nhiều như trước.

Một phần là trong 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, việc mua bán, vận chuyển khó khăn, thời điểm thị chín, thương lái ít đến thu mua, người dân cũng nản lòng bán luôn cả cây cho người mua về làm cây kiểng. Với độ tuổi hàng chục năm nên cây thị có thân rất cao, to, tán rộng, mỗi khi đến mùa thường cho trái rất sai.

Lúc bấy giờ, trái thị chưa được bày bán rộng rãi như hiện nay, người dân trồng chủ yếu lấy bóng mát, tới mùa trái chín thì thu hoạch bày bán trước nhà, phần gửi tặng bạn bè, người thân ở xa như một món quà của quê hương.

Khi mạng xã hội zalo, facebook phát triển, người dân địa phương cũng bắt đầu giới thiệu, kết nối mua bán những loại trái cây đặc sản ở vùng Bảy Núi với nhiều khách hàng ở phương xa. Chẳng hạn, bà Huỳnh Thị Dồi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) đã gắn bó với công việc mua bán các loại trái cây đặc sản quê gần 20 năm.

Mùa nào thức đó, cứ trái cây nào đến kỳ thu hoạch là bà Dồi cùng chồng đi thu mua về rồi bỏ mối lại cho các tiểu thương ở chợ huyện, cho đến chợ TP. Long Xuyên, TP. Cần Thơ cũng như bán lên TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, vào mùa trái thị, mỗi ngày chồng bà Dồi sẽ đi len lỏi vào những khu vực còn nhiều cây thị, như: Núi Cấm, núi Dài Năm Giếng (huyện Tịnh Biên) hoặc ở sâu trong phum, sóc của xã Ô Lâm, thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn)… để thu mua trái thị chín.


“Những cây thị hiện nay đều đã lên tới hàng cổ thụ, bởi vậy người trồng cũng ngại thu hoạch. Thông thường, mình đến mua thì sẽ hái trái luôn, lựa xong, cân ký rồi tính tiền chở về. Hôm nào có đơn hàng nhiều, một mình chồng tôi hái không xuể phải thuê thêm người hái tiếp để kịp giao cho khách” - bà Dồi giải thích.

Cũng theo bà Dồi, khách hàng ở xa biết và liên hệ giao dịch mua bán chủ yếu qua mạng xã hội, điện thoại. Bởi vậy, mỗi khi quê nhà đến mùa trái cây gì cứ liên hệ qua điện thoại cho đầu mối, thỏa thuận giá cả rồi gửi hàng xuất bán.

“Vì buôn bán hơn 10 năm nay, nên thường 5 ngày hoặc 1 tuần lễ chuyển hàng lên cho thương lái, xong họ sẽ chuyển tiền cho mình. Ngoài mối quen làm ăn lâu nay, cũng có nhiều người ngỏ ý đặt hàng với giá cả cao hơn, tuy nhiên vì vừa lạ, lại xa xôi nên tôi cũng không dám bán vì sợ nhập nhằng tiền bạc. Hầu như mấy loại trái cây xứ núi họ ưa lắm, từ bơ, su non, cà na, thị, hồng quân… loại nào cũng bán được, miễn mình làm ăn uy tín, bán hàng chất lượng là họ đặt hàng nhiều” - bà Dồi chia sẻ.

Ngoài bán ở địa phương, người dân còn tranh thủ mùa thị chín cung cấp cho các tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh để có giá cao hơn, thêm phần thu nhập. Hiện nay, giá trái thị được bán ra thị trường từ 15.000-20.000 đồng/kg. Trái thị rất thơm, ngọt, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành những loại đồ uống thơm ngon.

“Cứ sáng đi hái, trưa về soạn hàng rồi đóng thùng xốp gửi lên TP. Hồ Chí Minh, còn mối quen ở TP. Long Xuyên thì họ đến tận nhà lấy. Mình bán cho người ta giá 20.000 đồng/kg” - bà Dồi thiệt tình nói.

Có nghề chính là thợ hồ, nhưng thời điểm vào mùa trái cây nào là ông Đỗ Xuân Thảo (người dân ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) lại có thêm một nghề phụ là đi mua và hái trái cây về bán cho các tiểu thương ở địa phương hoặc vận chuyển bán cho các địa phương lân cận. Khoảng nửa tháng nay, vào mùa trái thị chín, ông Thảo lại tranh thủ thời gian đi hái trái thị về bán cho thương lái.

Ông Thảo cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề hái trái thị gần 20 năm. Bởi vậy, nơi nào có cây thị, mùa nào thị bắt đầu chín thì ông Thảo đều thuộc nằm lòng. Trái thị sống có màu xanh, thịt có vị chát, còn khi vừa chín tới, điểm xuyết vàng là ngọt và thơm.

Khi hái trái thị xong phải lựa lại, trái chín nhiều sẽ được bán tại địa phương vì vận chuyển xa dễ bị dập, hư và không ngon. Còn với trái thị vừa chín tới, tròn, đẹp, da còn xanh nhiều thì được chuyển cho các tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh sẽ bán được giá cao hơn.

“Hồi trước, mỗi cây thị có thể thu hoạch lai rai cả vụ cũng được cả trăm ký trái. Tuy nhiên, năm nay trái thị chín bị ong ruồi vàng chích nên hư, rụng nhiều, sản lượng ít đi, mỗi cây chỉ còn thu hoạch được vài chục ký” - ông Thảo cho hay.

Có người mua trái thị chín về để chế biến món ăn, thức uống yêu thích, bổ dưỡng, cũng có người mua về để chưng trong nhà vì thị chín đều có màu vàng ươm rất đẹp mắt. Đặc biệt nhất là phải kể đến mùi thị chín lan tỏa cả không gian, đánh thức khứu giác của con người để gợi nhớ về mùi hương quê nhà, mùi ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.

ÁNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét