Với tuổi đời hơn 400 năm, Cự Đà là làng quê nổi tiếng của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc xã Cự Khê, H.Thanh Oai, Hà Nội) với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc mà dấu vết vẫn còn đến ngày hôm nay. Người Cự Đà cũng từng làm nhiều nghề và nghề nào cũng nổi tiếng.
Từ khoảng 30 năm nay, tại Cự Đà xuất hiện nghề làm miến dong.
Vào thời điểm cực thịnh khi mới du nhập, số hộ dân làm miến ở Cự Đà chiếm đến 80%. Nhưng tới nay số hộ làm nghề đã giảm đáng kể. Các cơ sở sản xuất dần được công nghiệp hoá với những máy móc tráng, cắt, sấy tự động, chỉ còn một vài hộ vẫn tráng miến thủ công và cũng chỉ làm khi được khách đặt hàng trước.
Làm miến không phải là một công việc quá nặng nhọc, nhưng phải luôn chân luôn tay và cần đến sự khéo léo của người thợ, đặc biệt là công đoạn tráng miến thủ công. Có lẽ vì vậy mà những người thợ tráng miến thường là phụ nữ bởi họ nắn nót, tỉ mỉ .
Bột dong riềng là nguyên liệu chính để làm miến. Bột này sau khi sơ chế sẽ được đem tráng thành những lá bánh mỏng và hấp chín cách thủy, sau đó được căng trên các tấm phên lớn đan bằng nứa và phơi trong sân nhà, trên sân thượng, bãi cỏ và cả bên đường làng. Sau khi khô dưới ánh nắng mặt trời, chúng được thu về và cắt thành sợi bằng máy.
Miến Cự Đà đặc sắc bởi độ giòn dai, thơm ngon và vì màu vàng óng ả. Theo chia sẻ của những người thợ, màu vàng là do bột nghệ, tuỳ theo nhu cầu của khách mua hàng, họ sẽ sản xuất miến màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.
Làm miến đem lại lợi nhuận khá cao, nhưng những người trẻ tuổi giữ nghề của gia đình là rất ít bởi đây là công việc chân tay, cần sự chịu khó. Dù vậy, với những gì còn lại, làng miến Cự Đà vẫn là một địa điểm tham quan thú vị với du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp bình dị, cổ kính ở nơi này.
Công đoạn vất vả và cần nhiều sự tinh tế nhất là tráng miến, hấp miến. Bột dong đã ngâm được trải lên tấm vải căng trên nồi nước lớn đang sôi, miếng "bánh tráng" khổng lồ sẽ chín trong ít giây và được những người thợ lành nghề lấy ra một cách khéo léo để căng lên phên và đem phơi. Ảnh: Ngọc Yến
Những tấm bánh này đã khô, được bóc khỏi phên và đưa vào máy cắt thành sợi. Ảnh: Ngọc Yến
Những kho bánh miến chờ cắt có thể thấy ở nhiều nơi trong làng cổ. Ảnh: Ngọc Yến
Cánh đồng sau làng là nơi người dân dựng dàn gỗ để phơi miến. Ảnh: Ngọc Yến
Cảnh phơi miến hấp dẫn nhiều du khách. Ảnh: Ngọc Yến
Ngọc Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét