Đình Vĩnh Bình được xây dựng lần đầu vào thế kỷ XIX, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng. Cũng như những đình làng cổ khác, đình Vĩnh Bình gắn bó với người dân trong vùng từ những ngày đầu khai hoang, mở đất. Không ai nhớ rõ đình được cất lần đầu tiên vào năm nào, nhưng sắc phong của vua Tự Đức năm 1852 là căn cứ khẳng định cho tính “hợp pháp” của đình Vĩnh Bình thời đó.
Nhà bia ghi danh anh hùng liệt sĩ bên cạnh đình. Có nhiều ý kiến cho rằng, đình cũ trước kia có khuôn viên rộng, bao gồm cả khu vực nhà bia hiện nay
Theo câu chuyện kể còn truyền lại, đình Vĩnh Bình trước đây rất rộng lớn, uy nghi, tọa lạc trên diện tích đất rộng và từng là ngôi đình to, đẹp nhất tỉnh Tân An thời đó. Hệ thống cột, kèo đều là gỗ căm xe. Đình được trang trí bằng họa tiết chạm khắc tinh tế. Các bao lam, hoành phi được sơn son thếp vàng.
Đó là một quá khứ vàng son chỉ còn trong ký ức của ông Nguyễn Văn Hưng (Trưởng ban Quản trị đình) cũng như những người am hiểu về đình. Ông Hưng trầm ngâm kể: “Đình này được lập ra cách đây hơn 100 năm. Đình bây giờ nằm trên khoảng đất cũ thôi, không còn dấu tích gì nhiều của đình cũ do trước đây, đình bị đốt, sau này mới cất lại”.
Ngày nay, đình Vĩnh Bình được xây dựng lại đơn giản với vách tường, mái tole, nền gạch. Bên trong chánh điện có bàn thờ thần, thờ tiền hiền, hậu hiền. Miếu thờ ông Hổ và Ngũ hành nương nương phía trước đình. Khuôn viên đình cũng không quá rộng. Theo ông Hưng, một phần diện tích đất thuộc đình ngày trước hiện là nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ ngay bên cạnh đình.
Bên trong chánh điện đình Vĩnh Bình hiện tại
Trong đình hiện còn một số hiện vật còn giữ lại của ngôi đình cũ, có niên đại khoảng thế kỷ thứ XIX: Sắc phong của Vua Tự Đức viết trên giấy kim tiền màu vàng có hình rồng mây, bàn thờ chạm rồng bằng gỗ quý (nay đã được sơn màu xanh, đỏ), ghế bàn dài chân chạm nổi, ghế bàn tròn chân chạm nổi, hoành phi, biển thờ Thần. Đó là những gì người dân “cứu” được khi ngôi đình cũ bị đốt vào năm 1947.
Từ năm 1945, khi phong trào thành lập Đội Thanh niên tiền phong phát triển mạnh mẽ, tại xã Vĩnh Công, Đội Thanh niên tiền phong tổng Thạnh Hội Thượng ra đời, ban ngày tham gia sản xuất, ban đêm trang bị vũ khí thô sơ, canh gác tại một số khu vực trọng yếu. Trụ sở của Đội Thanh niên tiền phong đặt tại đình Vĩnh Bình. Nhiều hoạt động: Diễn thuyết, huấn luyện quân sự, văn nghệ đều diễn ra tại đình. Đội Thanh niên tiền phong phát triển mạnh mẽ và trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền năm 1945.
UBND cách mạng lâm thời xã Vĩnh Công cũng ra đời tại đình Vĩnh Bình. Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, đình trở thành nơi hội họp của Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Vĩnh Công. Đến tháng 6/1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đình Vĩnh Bình bị đốt để thực dân Pháp không còn chỗ đóng quân. Sau đó một thời gian dài, do chiến tranh, đình không được cất lại, đến năm 1972, đình mới được xây lại với quy mô khiêm tốn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân.
Bàn thờ chạm lộng hình rồng có niên đại thế kỷ XIX, ngày nay được sơn xanh đỏ
Cho đến bây giờ, đình vẫn là nơi người dân trong xã tề tựu về hàng năm trong các dịp lễ: Tống phong, lễ Kỳ yên, lễ Hạ điền, lễ Cầu bông và lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Đình còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mỗi năm, Đoàn Thanh niên xã đều tổ chức đưa học sinh đến viếng bia ghi danh anh hùng liệt sĩ, tham quan, thắp hương và nghe kể chuyện truyền thống tại đình Vĩnh Bình.
Mặc dù không còn giữ được mái đình xưa uy nghiêm, vàng son một thuở nhưng đình Vĩnh Bình vẫn luôn là dấu gạch nối giữa hiện tại và quá khứ, là minh chứng, lời khẳng định cho nét văn hóa tinh thần đặc trưng của người dân Nam bộ nói chung và tại Vĩnh Công nói riêng. Dẫu trải qua nhiều năm chiến tranh, không thể xây cất lại đình nhưng người dân vẫn không hề lãng quên mái đình của xóm làng mình. Đình vẫn được xây cất lại ngay khi có thể và trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng dân gian cho đến tận hôm nay.
Mộc Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét