Danh nhân mở cõi
Cùng với quá trình mở cõi đất phương Nam, Châu Đốc là nơi có bề dày lịch sử văn hóa hơn 260 năm hình thành và phát triển. Ngay từ thời khai hoang, Châu Đốc có một vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Tây Nam, với cái thế “tiền tam giang, hậu thất lĩnh”. Đây là vùng địa linh nhân kiệt, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa và cũng là quê hương của nhiều bậc danh nhân, chiến sĩ yêu nước và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Trong đó, bà Châu Thị Tế, nhất phẩm phu nhân của ông Thoại Ngọc Hầu, đã góp công lớn trong việc phò giúp chồng đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên trong giai đoạn 1819-1824. Khi hoàn thành, công trình này được vua Gia Long vinh danh đặt tên là Vĩnh Tế Hà và cho khắc trên Cao Đỉnh của triều Nguyễn đặt tại sân Thế Miếu ở kinh đô Huế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Bà Châu Thị Tế là tấm gương trung liệt của người phụ nữ luôn hết lòng vì chồng, vì nước, vì dân. Qua 5 lần đào kênh Vĩnh Tế với số lượng tham gia khoảng 80.200 người, trong đó có không ít phụ nữ do bà Châu Thị Tế vận động lo việc lấy củi, gánh nước, nấu cơm hoặc làm những việc nặng nhọc khác để đảm bảo công tác hậu cần.
Việc đào kênh hết sức gian khổ do địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thú dữ, cường độ lao động rất cao, nhiều khi phải làm cả đêm... đã chứng tỏ công lao của bà và ông Thoại Ngọc Hầu hết sức to lớn. Kênh Vĩnh Tế thật sự là công trình thủ công vĩ đại, mang đến lợi ích hết sức to lớn, không những trong lĩnh vực kinh tế, mà còn ở lĩnh vực quốc phòng - an ninh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ”.
Ngôi trường mang tên nhân vật lịch sử Châu Thị Tế ở TP. Châu Đốc
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nhân vật lịch sử Châu Thị Tế (1766-1826)” do Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh phối hợp Thành ủy, UBND TP. Châu Đốc, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Vĩnh Long tổ chức, đa số các nhà nghiên cứu đều ghi nhận bà Châu Thị Tế là một phụ nữ tài đức vẹn toàn, đã giúp chồng trong công cuộc đào kênh, mở đất ở vùng biên địa Tây Nam dưới triều Nguyễn. Đồng thời, cũng khẳng định, bà Châu Thị Tế đã vượt qua những định kiến đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa. Đó là lần đầu tiên một phụ nữ được triều đình lấy tên đặt cho tên sông - Vĩnh Tế Hà, tên núi - Vĩnh Tế Sơn (núi Sam), tên làng - Vĩnh Tế thôn… và tồn tại theo thời gian.
Người phụ nữ nhân hậu, đảm đang
Bên cạnh những công đức lớn lao, bà Châu Thị Tế còn được biết đến là người phụ nữ nhân hậu, đảm đang. Sinh ra trong thời phong kiến nhưng bà không chỉ biết công, dung, ngôn, hạnh hay đắm mình trong nhung lụa, mà bà luôn sát cánh cùng chồng trong công cuộc khai hoang mở cõi, đào kênh, đắp đường. Thậm chí, khi Thoại Ngọc Hầu dẫn quân đi đánh dẹp giặc khuấy nhiễu biên cương, dù không mang gươm ra trận, bà vẫn ở nhà chăm lo hậu phương để ông yên tâm cùng binh sĩ sớm chiến thắng trở về.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài nhận định: “Trong quá trình đào kênh Vĩnh Tế với hơn 80 vạn dân phu tham gia đã có không ít mồ hôi, xương máu đổ xuống, nhưng hiếm có trường hợp ghi nhận có người chết vì đói khát, bị hành hạ hay ức hiếp. Đó là nhờ sự tích cực của lực lượng hậu cần khi chu cấp đầy đủ lương gạo, quần áo, thuốc men. Bà đã vận động phụ nữ tham gia nấu cơm, mang nước tiếp tế cho những người đào kênh. Bà cũng giúp chồng vỗ an tinh thần, giám sát quan binh, động viên dân phu vượt qua gian khó với tấm lòng nhân hậu, thương dân, yêu nước. Bà còn đề nghị chồng cho quy tập hài cốt những người bỏ mình trong công cuộc đào kênh, lập miễu Âm Nhơn để thờ phụng và truyền thống cúng tế, hành binh vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm vẫn còn lưu truyền đến nay”.
Ngoài việc giúp chồng trong công cuộc đào kênh đắp đường, mở mang đồng ruộng, phát triển cuộc sống lưu dân, bà Châu Thị Tế còn tạo dấu ấn trong đời sống tinh thần của người dân, khi xây dựng ngôi miếu dưới chân núi Sam để cầu nguyện cho chồng và binh sĩ chiến thắng giặc xâm lấn biên cương. Ngôi miếu ban đầu được cất bằng tre lá đơn sơ, Thoại Ngọc Hầu thấy vậy đã cho rước pho tượng mà ông nhìn thấy trên đường dẹp giặc đưa về miếu thờ cúng để thêm phần trang trọng, linh thiêng.
Sau đó, ngôi miếu trở thành biểu tượng tâm linh cho người dân trong vùng, họ đến đây cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, an cư lạc nghiệp. Chẳng những dân làng Vĩnh Tế, mà nhiều người ở các vùng lân cận cũng tin tưởng đến miếu cúng bái, khẩn cầu. Do vậy, miếu thu hút khách đến viếng ngày càng đông và được trùng tu, phát triển suốt hơn 200 năm qua, đó là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Như vậy, bà Châu Thị Tế đã để lại công trình giúp ngọn núi mang tên mình trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng và cuộc sống người dân trong vùng nhờ đó mà ấm no, phồn thịnh.
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của vùng đất Châu Đốc - Núi Sam từ thuở khai hoang, bà Châu Thị Tế đã trở thành nhân vật lịch sử đặc biệt của nơi này, bên cạnh tên tuổi danh thần Thoại Ngọc Hầu. Đó là niềm tự hào cho người dân An Giang, nhắc nhở chúng ta hãy trân quý công đức của tiền nhân, cùng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, phát triển.
THANH TIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét