Nằm số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, đền Hỏa Thần là ngôi đền rất độc đáo của thủ đô Hà Nội. Đây là ngôi đền duy nhất trên cả nước thờ Hỏa Thần, vị thần được coi là Tổ nghề phòng cháy chữa cháy.
Vị Hỏa Thần được thờ trong đền là Quang Hoa Mã Nguyên Súy,
một trong hai vị thần Lửa theo tín ngưỡng dân gian (vị còn lại là Nam
Phương Xích Đế). Tương truyền, thần vốn là Phật đăng (cây đèn trong cửa
Phật), nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều nên giác ngộ và được lên Thiên
Đình.
Do tính “hoả” nên không giữ được nghiêm giới luật, ngài phải xuống trần
đầu thai vào nhà họ Phùng. Sau khi đắc đạo trong kiếp người, ngài trở
lại Thiên Đình, chuyên việc trừ hoả tai. Kể từ đó, nhân dân gọi ngài là
thần Lửa – Hỏa Thần – và lập đền thờ để ngài phù hộ trước hỏa hoạn.
Lúc sinh thời, Thái sư Trần Quang Khải đã viết những lời ca ngợi sự linh
thiêng bền vững của Thần Hỏa trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành
Thăng Long: "Lửa nổi ba khu không cháy được/Phong trần một trận chẳng hề
nghiêng
Vào thời nhà Trần, ở Thăng Long từng có một ngôi đền thờ Hỏa Thần bề
thế. Do sự biến đổi của của tập quán văn hóa, tục thờ này dần mai một,
và phải đến thời Nguyễn mới được khôi phục với ngôi đền Hỏa Thần trên
phố Hàng Điếu.
Theo các sử liệu, vào thời Nguyễn, hỏa hoạn xảy ra thường xuyên ở khu 36
phố phường Hà Nội. Vào đầu năm 1828 khu vực này đã xảy ra vụ cháy 200
nhà, giữa năm lại cháy 1.420. Năm 1837, cháy thêm 1.400 ngôi nhà nữa.
Đến cuối thế kỷ 19 vẫn còn cháy rất nhiều
Sau vụ cháy lớn năm 1837, người dân phố cổ đã lập ngôi đền thờ Hỏa Thần
trên phố Hàng Điếu để cầu xin sự che chở trước các vụ hỏa hoạn. Đây là
sự hồi sinh một tục thờ xuất phát từ nhu cầu bức thiết của thời cuộc.
Ngày nay đền Hỏa Thần có diện tích gần 500 m², là một công trình có quy
mô tương đối lớn trong phổ cổ Hà Nội. Đền xây theo kiểu chữ “Công” (工),
gồm các tòa tiền tế, phương đình và hậu cung liên thông với nhau
Đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi đền, tượng Hỏa Thần - Quang Hoa
Mã Nguyên Suý được tạo hình với vẻ mặt phục, tai to thùy châu chảy dài,
vận võ phục, toát lên vẻ uy nghiêm của vị thần bảo hộ kinh thành trước
sự đe dọa của giặc lửa.
Theo thông lệ, vào hai dịp mùa xuân và mùa thu, cụ thể là ngày 28/3 và
29/9 Âm lịch hàng năm, nhà đền cùng nhân dân trong vùng sẽ long trọng tổ
chức tế lễ để tưởng niệm ngày sinh và ngày hóa của Thần Hỏa.
Vào năm 1997, đền Hỏa Thần đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét