4 thg 8, 2022

“Tiệc Xoè” miền Tây Bắc


Tương truyền, Xòe có cách đây chừng 10 thế kỷ, lúc đầu chỉ là những động tác đơn giản để con người cùng nắm tay nhau xua đi nỗi sợ hãi trong núi rừng hoang vu khi đêm về, sau đó trở thành điệu múa trong các dịp lập bản, dựng mường, được đưa vào phục vụ các lãnh chúa, rồi dần phát triển rực rỡ trở thành điệu múa nổi tiếng của người Thái vùng Tây Bắc. Tháng 12/2021, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quê hương Xoè Thái

Theo các thư tịch cổ của người Thái miền Tây Bắc, vào khoảng thế kỷ X, vị tù trưởng ở vùng Mường Lò (thuộc địa phận tỉnh Yên Bái ngày nay) là Lạc Trượng đã khai sáng nên nghệ thuật Xòe Thái. Và cũng chính ông đã dẫn người Thái đến vùng Mường So (thuộc huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu ngày nay) để khai hoang, lập bản. Tương truyền, chính vùng đất mới này là nơi những điệu Xòe phát triển rực rỡ lan tỏa khắp miền Tây Bắc.




Lúc đầu, điệu Xòe do vị tù trưởng Lạc Trượng dạy cho dân bản đơn giản chỉ là cách trai gái nắm tay nhau kết thành vòng tròn quanh đống lửa rồi vừa nhảy vừa hò reo theo nhịp với mục đích đuổi thú dữ, xua tan sợ hãi, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng. Về sau, để Xòe sinh động hơn, người Thái sáng tạo thêm nhạc cụ hỗ trợ là đàn tính tẩu kết hợp với trống, nhị, chiêng và thanh la. Từ đó, Xoè được trình diễn phổ biến trong hầu hết các hoạt động văn hóa của người Thái, từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới, đám hỏi cho đến những lễ hội lớn của bản làng. Vì thế, người Mường Lò quan niệm rằng, vòng Xòe càng lớn, càng đông vui thì năm đó càng được mùa, đời sống ấm no, dân bản hạnh phúc.



Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ - người chuyên nghiên cứu văn hoá người Thái ở Mường Lò - cho biết, ngày nay Xòe có 36 điệu nhưng tựu trung bắt nguồn, cải biến từ 6 điệu Xòe cổ. 6 điệu Xòe cổ này không chỉ đơn thuần để biểu diễn, mà còn mang quan niệm về cách sống, cách nghĩ và nếp sinh hoạt của cộng đồng người Thái từ bao đời nay. Đơn cử như điệu “xé vóng” (xòe vòng) biểu hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng; điệu “khắm khăn mơi lảu” (nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách, đến nhà chơi phải có chén rượu mời; điệu “đổn hôn” (múa tiến, lùi, lộn) khẳng định dù trời đất có chao đảo nhưng đồng tộc vẫn không tách rời nhau; điệu “nhôm khăn” (múa tung khăn) là điệu Xoè sôi động nhất, rực rỡ nhất, thể hiện sự vui tươi lúc cưới xin, khi lên nhà mới; điệu “ỏm lọm tốp mư” (múa vòng tròn vỗ tay) thể hiện sự mãn nguyện, no đủ….

Chuông, trống, và các thanh tre tạo nhịp trong hội Xòe của người Thái vùng Tây Bắc. Ảnh: Tư liệu VNP

Trước chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), cả vùng người Thái ở xứ Mường So nằm dưới sự cai trị của “vua Thái” Đèo Văn Ân, một lãnh chúa đa tình và rất yêu Xòe, nên trong vùng có hàng trăm đội Xòe và lễ hội Xòe thường xuyên được tổ chức. Vào những dịp diễn ra lễ hội Xòe, trai gái các bản mường người Thái tụ hội về bên bờ sông Nậm Na bắt chuyện làm quen và cùng múa Xòe. Đêm đến, tiếng hát gọi bạn, tiếng tính tẩu réo rắt dưới ánh lửa bập bùng tạo nên những đêm Xòe Tây Bắc đầy mộng mị và vòng Xòe mỗi lúc lại lớn hơn tưởng chừng như không bao giờ dứt.



Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, về cơ bản, Xòe có ba loại chính là Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn và Xòe vòng. Từ năm 1990 đến nay các Câu lạc bộ Xòe Thái phát triển mạnh, năm 2019 tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội, Điện Biên có 1.273 đội, Lai Châu hơn 100 đội và Sơn La khoảng 1.700 đội... tạo nên một lực lượng hùng hậu trong việc trình diễn, trao truyền nghệ thuật Xòe.

Có thể nói, thời Pháp thuộc, từ một vũ điệu dân dã, Xòe đã trở thành “vũ điệu cung đình” được đưa phục vụ các vị tù trưởng vùng Tây Bắc và tầng lớp quan lại người Pháp. Cố nghệ nhân Lò Thị Phẹ, người từng phục vụ trong đội Xòe của vua Đèo Văn Ân khi xưa từng cho biết, đội Xòe xứ Mường So thời kỳ trước năm 1954 đã theo chân người Pháp sang tận Paris (Pháp) biểu diễn Xòe hoa, Xòe nón, Xòe khăn, Xòe hoa ban... đặc biệt thu hút người phương Tây lúc bấy giờ.

Trải qua biến thiên của thời gian, từ Mường Lò, Mường So đến nay Xoè đã phát triển rực rỡ trở thành “báu vật” văn hoá của người Thái và là điệu múa chung mang tính biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc vùng Tây Bắc.

Du lịch xứ Xòe

Ở Tây Bắc ngày nay có 4 vùng người Thái cư trú đông đúc đó là Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu) và Mường Tấc (Sơn La). Nơi đây có các đội Xòe nổi tiếng, vì thế, du khách khi đến sẽ có cơ hội được thưởng thức những bữa “tiệc Xòe” đặc sắc của người bản xứ, vì dường như ở đâu có người Thái sinh sống là ở đó có nghệ thuật Xòe.



Theo bà Đỗ Thị Tấc, nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian tỉnh Lai Châu, Xòe chiêng là lễ hội lớn nhất vào mùa Xuân của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc nói chung và ở Mường Than nói riêng. Người Thái trắng tổ chức Xòe chiêng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và bản làng yên vui. Lễ hội Xòe chiêng nổi tiếng đến mức được ví như “tiệc Xòe”, bởi những buổi Xòe chiêng có rất nhiều điệu múa hấp dẫn, cũng giống như một bữa tiệc có nhiều món ngon vật lạ.



Trong tiếng tính tẩu véo von xen lẫn tiếng cười của gái mường gần, trai bản xa nô nức kéo về. Tiếng chiêng, tiếng trống thúc giục như mời gọi du khách vào hội. Khi ấy không phân biệt là người Thái, Mông hay Dao, miền xuôi hay miền ngược… tất cả cùng nắm chặt tay nhau kết thành những vòng Xòe và múa nhịp nhàng theo tiếng tính tẩu dập dìu quanh đống lửa, nhìn từ xa như đoá hoa ban khổng lồ bung cánh khoe sắc giữa núi rừng.




Tại thung lũng ở huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ có người Thái đen cư trú, Xoè đã được UBND tỉnh xây dựng thành sản phẩm du lịch mũi nhọn. Vì thế, đến Ðiện Biên hôm nay du khách không chỉ được tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu những di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”... mà còn được khám phá vẻ đẹp mê đắm của đêm hội Xòe, bởi ở đây có tới hơn 1.000 đội Xoè tại các bản làng như bản Mển, bản Ten, bản Co Mỵ, bản Phiêng Lơi … của người Thái đen luôn sẵn sàng trình diễn phục vụ du khách.

Màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam - xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam 2019 ở thị xã Nghĩa Lộ, với sự góp mặt của hơn 5000 diễn viên không chuyên, gồm 6 điệu xòe cổ nổi tiếng của Mường Lò. Ảnh: TTXVN

Người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) cũng thành lập cả những đội Xòe để phục vụ khách du lịch. Điển hình như ở bản Lác, bản Pom Coọng là hai bản phát triển du lịch cộng đồng, có tới gần 10 đội Xòe. Chị Vì Thị Tuyết, một thành viên trong đội Xòe bản Lác tâm sự: “Với người Thái chúng em, Xòe không cần phải dạy, lớn lên tự khắc biết Xòe”.

Với người Thái, Xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Xòe không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái, mà đã trở thành nét văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc và là sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của miền Tây Bắc hôm nay.


Bài: Phong Thu. Ảnh: VNP, TTXVN
Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét