GIA KHÁNH
25 thg 8, 2022
Chiều trên cù lao ông Hổ
Nằm soi bóng bên dòng sông Hậu, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) mang cái tên quen thuộc khác là cù lao ông Hổ. Ở nơi đó, nhịp sống dân dã miền Tây vẫn chất chứa trong từng nếp nhà, từng cảnh quan, như đang chờ đợi những người con phương xa trở về. Đặc biệt, vào mỗi chiều tà, cù lao toát lên vẻ bình yên làm dịu mát lòng người…
Muốn đến cù lao Mỹ Hòa Hưng, thuận tiện nhất là qua phà Trà Ôn. Cứ ít phút lại có một chuyến phà ra vào bến, giải quyết số lượng lớn hành khách từ trung tâm TP. Long Xuyên sang xã và ngược lại.
Ở 2 cổng chào khách đến với Mỹ Hòa Hưng, có tổng cộng 4 bức tượng hổ to như thật, khắc sâu ấn tượng về cái tên “cù lao ông Hổ”. Theo chuyện xưa, hồi còn hoang vu cây cối, vợ chồng một ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy chú hổ con vừa đói, vừa rét. Thương tình, họ đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương của con người, vì vậy rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông bà tuổi cao sức yếu, qua đời. Lúc này, người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng.
Điểm đặc sắc của câu chuyện là sự báo ân của hổ. Hàng năm, tới ngày giỗ của ân nhân, hổ đều mang về 1 con heo rừng hoặc nai rừng đặt bên mộ, rồi đi. Lần cuối cùng, người ta thấy hổ đi quanh 2 nấm mồ, đến nửa đêm thì chết. Dân làng chôn cất con vật giữa 2 nấm mồ của ông bà lão, lập miếu thờ Ông Hổ. Tên gọi “cù lao ông Hổ” nhắc nhở câu chuyện hổ nghĩa, hổ tình, là minh chứng cho vùng đất hiền hòa, chân tình, chan chứa tình yêu thương.
Một hướng đi khác được biết đến nhiều hơn, đó là bến phà Ô Môi nổi tiếng. Những ngày tháng 8, cờ phướn rợp trời, chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2022), người đã gắn bó suốt thời niên thiếu với vùng đất cù lao này.
Dù đã thay đổi rất nhiều, nhưng nơi đây vẫn giữ được cây ô môi đặc trưng của thuở trước, tỏa bóng mát một góc cù lao. Tác giả Lê Văn Dân đã cảm tác khi đến thăm: “Vũ khúc ô môi tiễn biệt Người/ Cù lao ông Hổ mãi xanh tươi/ Biển Đen cờ đỏ vàng sao rợp/ Bến cũ Ô Môi vẫn đợi người”.
Có dịp đến với Mỹ Hòa Hưng vào buổi chiều, chúng tôi cảm nhận được không gian bình yên riêng có của nơi này. Cách thành phố vài trăm mét đường sông thôi, cù lao lại ẩn mình sau xum xuê vườn tược, những con đường nông thôn quanh co, nho nhỏ.
Một điểm đến không thể nào bỏ qua khi đến với Mỹ Hòa Hưng, là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Tại đây, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng, như: Ngôi nhà thời niên thiếu của Bác, mô hình nhà sàn Bác Tôn tại An toàn khu (ATK), chuyên cơ YAK 40, ca nô Giải Phóng, tàu Giang Cảnh…
Từng vật dụng trong khu lưu niệm đều mang hồn cốt của người dân miền Tây thuở xưa, như một cách thức níu giữ ký ức thời Bác Tôn sinh sống. Tà tà ánh hoàng hôn, nhìn chiếc lu nước với nắp đậy bằng gỗ, gáo dừa mộc mạc, đơn sơ, mà nghe thương nhớ khôn nguôi…
Rạng chiều, nương theo bóng mát dịu dàng và khuôn viên thoáng đãng ở khu lưu niệm, đám trẻ con địa phương tụ họp về đây. Nhóm thì chơi đá bóng, nhóm đọc sách, nhóm học võ cổ truyền… Tiếng nói cười rộn rã vang lên, lạ thay, lại càng toát lên vẻ yên ả của miền quê.
Đang trong kỳ nghỉ hè, 2 đứa trẻ ở TP. Long Xuyên được cha chở qua cù lao ông Hổ chơi. Tham quan chỗ này chỗ nọ từ lúc trưa nắng gắt đến khi chiều buông, các bé vẫn nấn níu chưa muốn về. Sự bình lặng đặc trưng của xứ cù lao, của khu lưu niệm khác biệt hoàn toàn với cuộc sống phố thị các bé đang quen thuộc. Có lẽ thế, nên không gian ấy thu hút tâm hồn con người, khơi gợi ước mong tìm về…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét