Thác Mây hay còn gọi là thác tình yêu nằm giữa một thung lũng núi ở bản Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành. Thác thuộc vùng đệm của rừng quốc gia Cúc Phương, cách TP Thanh Hoá hơn 100 km và cách Hà Nội khoảng 140 km. Đây là một trong những thác nước hùng vĩ, cảnh đẹp nguyên sơ nhất ở xứ Thanh.
Thác dài hơn 400 m tính từ chân núi, có nước quanh năm nhưng đẹp nhất là vào những tháng hè khi có nhiều cơn mưa lớn.
Những dịp cuối tuần hay ngày nắng nóng, rất đông du khách và người dân bản địa sẽ tìm đến thác Mây vãn cảnh, tắm mát giải nhiệt. Giữa mùa hè nắng nóng cao điểm nhưng nhiệt độ khi vào đỉnh thác Mây chỉ dao động trên dưới 20 độ C, thời tiết rất dễ chịu.
Ngày cuối tuần giữa tháng 7, chị Lan Anh (áo đỏ) và nhóm bạn hơn 30 người đến trải nghiệm leo núi và tắm thác Mây. "Khung cảnh ở đây thật hoang sơ yên bình, không khí rất trong lành...", nữ du khách nói.
Thác Mây những hôm đầy nước trông như những thửa ruộng bậc thang, bọt tung trắng xoá.
Khoảng giữa lưng chừng thác Mây có nhiều vụng nước rộng hàng chục mét vuông, du khách có thể bơi lặn dễ dàng. Ven bờ suối là bạt ngàn cây rừng cổ thụ toả bóng mát để du khách nghỉ ngơi khi leo lên khám phá đỉnh thác.
Nhiều trẻ em đang dịp nghỉ hè thích thú khi được cha mẹ đưa đi du lịch, khám phá thác Mây.
Thác Mây độ dốc không lớn song cũng có vài vị trí dễ trơn trượt, nước sâu có thể gây nguy hiểm cho du khách nên chính quyền xã Thạch Lâm thường bố trí nhân viên bảo vệ túc trực phát phao bơi và cứu hộ khi có sự cố bất thường.
Du khách đến thác Mây còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống đặc sắc của cư dân bản địa như xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, canh lá đắng, măng đắng... trong đó đặc biệt nhất là món ốc đá được bắt ngay trên những triền núi đá vôi quanh làng.
Quanh khu vực thác Mây là quần cư đồng bào dân tộc Mường vì thế nơi đây còn lưu giữ được một quần thể với hơn 300 nhà sàn cổ, có căn tuổi đời cả trăm năm. Người Mường ở Đăng Thượng còn lưu giữ đầy đủ những nét phong tục tập quán bản địa như cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui... cùng nhiều hoạt động văn hóa tiêu biểu như đánh cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn, nhảy sạp...
Món ốc đá ở thác Mây được hấp với củ xả, lá chanh và chút mẻ, thơm ngon.
Theo số liệu thống kê, hàng năm điểm du lịch này đón trên 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ thác Mây du khách có thể di chuyển tham quan các khu điểm du lịch khác của huyện Thạch Thành và tỉnh Thanh Hoá như hang Con Moong, chiến khu Ngọc Trạo, suối cá thần Cẩm Lương, Di sản văn hoá Thế giới Thành nhà Hồ, di tích lịch sử Lam Kinh...
Lê Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét