26 thg 3, 2018

Tân Định, nét duyên thầm giữa lòng đô thị hiện đại

Nhắc đến hai từ Tân Định, người Sài Gòn nghĩ ngay đến một địa danh nổi tiếng. Đó là một phần trung tâm của Sài Gòn thập niên 60-70 của thế kỉ trước và tiếp diễn đến tận bây giờ. Đó còn là nét 'duyên thầm' giữa lòng đô thị hiện đại. 

Một góc chợ Tân Định ngày nay - Ảnh: TẤN PHÁT

Với tôi, hai từ Tân Định không biết từ lúc nào đã ăn sâu vào trong ký ức của mình. Xin chia sẻ đôi điều về vùng đất có nét 'duyên thầm' này với những con người yêu mến Sài Gòn - TP.HCM.

Thời vang bóng...

Khu vực Tân Định bắt đầu từ phía bên kia cầu Kiệu, đường Hai Bà Trưng (hướng về trung tâm Q1), ra đến đường Võ Thị Sáu. Ở hướng ngược lại, Tân Định kéo dài tới cầu Bông (đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh).

Trong kí ức của nhiều người, khu này từng có cà phê Văn Hoa, nằm trên đường Trần Quang Khải. Chỉ khác ở chỗ là người chủ mới đã đổi tên Văn Hoa thành quán cà phê Cát Đằng. Tuy nhiên rạp chiếu phim ở lầu trên của tòa nhà vẫn mang tên "Cinema Văn Hoa".

Nói đến Tân Định, ta không thể bỏ qua khu chợ Tân Định. Chợ được xây vào năm 1926 và là một trong những chợ di tích lịch sử của TP.HCM.

Ngày nay, ngôi chợ này sầm uất hơn, buôn bán thức ăn suốt ngày, là điểm hẹn của dân ẩm thực nhất là chiều tối. Cách đó không xa là nhà thờ Tân Định cũng có lịch sử rất lâu đời trong lòng giáo dân.

Khu vực này có một cây cầu nối liền phường Tân Định (Q.1) với bờ kè phía bên kia là P2 (Q. Phú Nhuận), với đường Phan Xích Long sầm uất là cây cầu sắt nhỏ, sáu năm qua đã đổi tên thành cầu Trần Khánh Dư.

Con đường nối một trục này có tên là Trần Khắc Chân, với bốn con đường nhỏ đâm ngang qua và cả cây cầu Trần Khánh Dư. Thứ tự như sau: Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách và Trần Khánh Dư.

Ngoại trừ những con đường lớn như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải… luôn nhộn nhịp ngày đêm thì nhiều tuyến đường nhỏ nhắn còn lại của khu Tân Định thường vắng tiếng còi xe sau giờ tan tầm buổi tối. Đó là những con đường bàn cờ ngang dọc, dài chưa đến hai km. Điều đó tạo nên nét khác biệt, xưa cũ so với nhiều khu vực khác giữa lòng đô thị.

Tôi có người bạn là luật sư mới tậu được căn nhà trên đường Bà Lê Chân để làm văn phòng. Con đường nhỏ nhắn này dài hơn cây số, nằm bên hông Bệnh viện Q.1 và trụ sở công an phường Tân Định. Luật sư này hớn hở khoe: "Mua được căn nhà mơ ước tại vùng đất lịch sử sau bao nhiêu năm "cày cấy", tích lũy như một hạnh phúc trong mơ với gia đình tôi."

Từ đường Mã Lộ (phía sau chợ Tân Định), tôi dạo bước qua những con đường đã đi vào kỉ niệm của rất nhiều người và cảm nhận nét dĩ vãng vẫn còn đọng lại trên những mái nhà xưa cũ, vẫn mái ngói rêu phong, vẫn những giàn hoa lặng lẽ trên ban công có khi đã xuống cấp. "Hồn" trong lòng phố vẫn vậy, lặng lẽ, êm đềm trôi qua bóng thời gian.

Nhiều 'phố' buôn bán nổi tiếng
Bây giờ thì đường Hai Bà Trưng đi qua địa bàn phường, bắt đầu từ ngã 4 Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu cho tới dưới cầu Kiệu, đi ngang nhà thờ và chợ Tân Định đã trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch, buôn bán sầm uất nhất với các cửa hàng bán vải sỉ vào loại lớn nhất TP.HCM.

Vì "buôn có bạn, bán có phường" mà các nhà mặt tiền đường đã cho các cửa hàng vải thuê lại. Khách từ các tỉnh về mua số lượng lớn dập dìu quanh năm suốt tháng.

Ngày thường, con đường này còn là "phố" thuốc tây nổi tiếng với đủ loại thuốc trong và ngoài nước, có cả những loại thuốc đắt tiền từ phương trời Âu, Mỹ cũng được xách tay về Sài Gòn.

Vào tiết trời Noel se lạnh, Tân Định còn là phố bán đồ trang trí với những cây thông, hạt cầu… đầy đủ sắc màu. Những ngày giáp tết, khu vực này biến thành phố cây cảnh "nhựa", ngập tràn màu sắc, hút mắt mọi người.

Trong khi đó, các nét văn hóa xưa cũ của khu vực này vẫn còn được gìn giữ cho đến tận hôm nay. Chẳng hạn như, quán bánh xèo tại số 46A Đinh Công Tráng, mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Nó được vinh danh, xuất hiện trên cả các tờ báo nước ngoài.

Hình như với người Sài Gòn, mỗi lần có khách từ vùng khác về chơi hoặc có bạn là người nước ngoài thì món bánh xèo hẻm Đinh Công Tráng được coi là một trong những địa chỉ ưu tiên. Chọn lựa quán lâu đời, món ăn phải ngon cũng là thể hiện sự mến khách của gia chủ.

Sài Gòn có nhiều thương hiệu bánh xèo mới xuất hiện trong những năm gần đây như bánh xèo của bà Mười Xiềm, bánh xèo Ăn là ghiền…, nhưng có lẽ, người ta đến đường Đinh Công Tráng là để cảm nhận một nét xưa cũ của thành phố này.

Gần góc đường Trần Khắc Chân - Thạch Thị Thanh, vẫn còn đó quán "chè chửi" nhưng khách mua vẫn rất tấp nập.

Dù bây giờ đã tiến lên phố thị sầm uất nhưng Tân Định vẫn giữ trong mình hơi thở và dáng dấp của một thời quá vãng. Đó chính là nét "duyên thầm" giữa lòng đô thị hiện đại.

TẤN PHÁT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét