18 thg 3, 2018

Trẩy hội chợ tình trên Tây nguyên

Màn văn nghệ diễn ra trong chợ tình. 

Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) còn được người địa phương quen gọi với tên lễ hội Chợ tình Tây Nguyên. Gọi là Chợ tình hết sức lãng mạn nhưng ngày hội không có màn bắt vợ kịch tính như người Mông các tỉnh phía Bắc mà thay vào đó lại là nơi kết chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng người dân địa phương và cũng qua đây, nhiều chàng trai, cô gái thành duyên vợ chồng... 

Giao thoa văn hóa
Sớm mai, nắng vàng trải khắp trên con đường bụi đỏ dẫn về trung tâm của lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc. Những ngả đường dẫn về cổng lớn của trung tâm ngày hội thấp thoáng những nếp váy thổ cẩm xúng xính của những người phụ nữ Mông, Tày, Nùng... Từ 2 - 3h sáng, các bàn thịt trâu, ngựa, heo cắp nách đã được người dân địa phương sắp đặt bên dọc đường phục vụ người dân và du khách thưởng thức đặc sản vùng cao... Mặt trời lên cao hơn con sào, chợ tình rộn rã hơn bởi dòng người mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập... Tôi mở hàng cho cô gái người dân tộc Tày Nông Thị Chi (24 tuổi, người địa phương) bằng một ít thức quà đặc sản – bánh dày. Đáp lại tôi, Chi nở nụ cười dí dỏm: “Em bán bánh dày, cơm lam, được làm bằng gạo của quê em. Đi chơi lễ, đói anh nhớ ghé mua nhé!”.

Tôi được những người lớn tuổi tại địa phương kể lại, đồng bào dân tộc Tày thường tổ chức lễ hội lớn vào dịp Rằm tháng Giêng. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày này, trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên là các cô con gái xinh xắn của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân bản. Ngày hội vào dịp tháng Giêng vì thế được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các nàng dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian thái bình.

Dù các lễ hội của đồng bào M’Nông, Dao hay Nùng... đều có một nguồn gốc gắn với đời sống văn hóa, tinh thần riêng biệt nhưng tựu trung, khi mọi người sống trong mái nhà xã Ea Tam, người dân đều thống nhất cách giải thích về nguồn gốc lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc như trên với mong muốn đề cao sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong cùng một địa phương và cho con cháu sau này không quên nguồn gốc, quá khứ. 


Nụ cười là những gì còn đọng lại trong lòng du khách khi chia tay lễ hội để hẹn gặp nhau một mùa lễ hội sang năm. 

Trong sáng khai hội (14 tháng Giêng – PV) , chúng tôi bị níu chân bởi nhiều trò chơi và các tiết mục đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc như nấu cất rượu men lá, quay heo với lá mắc mật, cách làm bánh chưng, bánh dày, bánh khảo... Không khí lễ hội náo nhiệt, rộn rã hơn cả là khi màn đêm đã buông xuống. Thời điểm này, du khách, dân địa phương cùng say men rượu cần dưới ánh trăng vằng vặc. Trên sân khấu rực rỡ ánh đèn, những điệu múa xòe của người Thái, nghe điệu hát then, cùng cây đàn tính của người Tày, Nùng, hay cả những chàng trai mặc áo chàm cùng ngân vang...

Tôi gặp ông Đinh Công Hưởng - Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam, nhưng chưa kịp trò chuyện được đôi câu vì ông phải tất tả lo việc chính quyền, vừa là người chủ tế cúng thổ công cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân no ấm và là người thực hiện những luống cày đầu tiên... Ít ai biết, trước đây đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao... có cuộc sống thiếu thốn nên hằng năm tổ chức lễ hội của dân tộc mình trong khuôn khổ thôn, bản... Để lễ hội tổ chức lớn và nổi tiếng như ngày hôm nay là nhờ công của ông Hưởng cùng nhiều lãnh đạo huyện Krông Năng vào năm 2009 phải ra tận các địa phương phía Bắc học hỏi kinh nghiệm tổ chức lễ hội ngoài đó rồi áp dụng vào thực tế địa phương.

Buổi trưa khi công việc lễ hội đã nhàn, ông Hưởng mới có thời gian trò chuyện cùng PV. Ông Hưởng kể, xã Ea Tam có hơn 2.000 hộ dân chủ yếu là người đồng bào Việt Bắc. Sở dĩ xã có đông đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông, Ê Đê vì cách đây vài chục năm trước, người dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... theo lời của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng vùng kinh tế mới, người dân đã tình nguyện vào các tỉnh Tây Nguyên sinh sống. Đến vùng đất mới nhưng họ giữ nét văn hóa truyền thống từ bao đời như lối ăn mặc, giọng nói cho đến các hình thức văn hóa văn nghệ... Ông Hưởng nói thêm, việc tổ chức lễ hội các dân tộc phía Bắc nhằm đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc phía Bắc đang sinh sống tại địa phương về sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua lễ hội, địa phương mong muốn người dân sẽ thêm gắn bó, đoàn kết hơn.

Đi chợ tìm... duyên
Đêm trăng rằm – đêm chính của lễ hội, dòng người vẫn hối hả đổ về trung tâm của buổi lễ để cùng hòa theo những tiếc mục văn nghệ đặc sắc mang âm hưởng mùa xuân Việt Bắc trên đất Tây Nguyên lộng gió. Trong một khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi, tôi thắc mắc cái tên Chợ tình mà đông đảo du khách cùng người dân vẫn hay gọi thay cho lễ hội văn hóa dân gian các dân tộc Việt Bắc. Có hay không những màn bắt vợ vẫn diễn ra tại các tỉnh phía bắc? Đáp lại, ông Hưởng lý giải, cái tên chợ tình được một số người trẻ ngày nay gọi với nghĩa ngày hội là nơi để trai gái ăn mặc thật đẹp để khoe giọng hát, tài năng. Qua ngày hội, nhiều đôi bạn trẻ đã tìm thấy nhau và cưới hỏi.

“Thật ra, việc “bắt vợ” của người Mông là sự khẳng định cho tình yêu mãnh liệt, khát vọng về một gia đình hạnh phúc. Ngày này, chúng ta hiểu tục bắt vợ là chàng trai yêu một cô gái, liền rủ bạn bè bắt cóc về làm vợ là sai lầm. Hành động này vô cùng phản cảm, bạo lực mà không thể hiện được tính nhân văn sâu sắc của tục bắt vợ truyền thống” - ông Hưởng lý giải.

Đã có không ít đôi nam nữ tìm được nhau và kết duyên vợ chồng nhờ phiên Chợ tình này. Tôi may mắn gặp được anh Đinh Minh Hiếu (trú thị trấn Krông Năng) và vợ là chị Thảo, người địa phương, giữa những màn tung còn ồn ã. Hỏi ra được biết, cách đây 4 năm, anh Hiếu và chị Thảo (vợ anh) lần đầu gặp nhau rồi thương nhau từ cái nhìn đầu tiên tại phiên chợ tình. “Đó là một vào buổi chiều 14 âm lịch, tôi cùng vài thanh niên từ huyện đến tham gia lễ hội. Tôi gặp vợ tôi khi cô ấy đang mua sắm các đồ dùng của người đồng bào địa phương. Sau đó, chúng tôi lại ngồi chung bàn trong một quán ăn ven đường. Từ cái nhìn đầu tiên và các câu chuyện phiếm những ngày sau đó, chúng tôi đã thương yêu nhau lúc nào không hay” – anh Hiếu chia sẻ.

Chợ tình Việt Bắc vừa là nơi hò hẹn, gặp gỡ nhưng cũng là nơi chứng kiến rất nhiều câu chuyện tình tưởng rằng chỉ có trong sách vở. Trai gái gặp nhau ở chợ tình có khi trao cho nhau những tín vật, rồi hẹn năm sau đúng ngày đó gặp lại. Nếu vẫn còn nhớ đến nhau, đôi trai gái sẽ vẫn giữ kỷ vật và tìm đến nhau vào phiên chợ sang năm. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách với tình yêu của cả hai người... Câu chuyện của Bà Lâm Thị Nga (40 tuổi, ở Bình Phước) cùng chồng gặp nhau tại phiên chợ tình rồi nhờ một tín vật là chiếc khăn tay nhưng vẫn đợi chờ nhau và tìm thấy nhau vẫn được nhiều người nhắc nhớ...

Tham dự phiên chợ lần này, bà Nga cùng 16 thành viên khác đã có sự chuẩn bị các tiết mục văn nghệ của dân tộc Nùng để mang đến giao lưu cùng với các dân tộc anh em. Mỗi người mỗi cảm xúc nhưng về phía bà Nga, mỗi lần tham dự lễ hội, chuyện tình đẹp giữa bà và người chồng hiện giờ lại ùa về đầy lưu luyến. “Hồi đó tôi sống tại Bình Phước. Khi nghe mọi người giới thiệu về chợ tình tại xã Ea Tam, những thiếu nữ như chúng tôi quyết định tham gia văn nghệ biểu diễn trong ngày hội. Rồi tại đây, tôi gặp chồng tôi bây giờ, nhưng hồi đó còn trẻ, ai cũng xấu hổ nên chẳng nói được gì. Trước lúc chia tay, tôi trao vội cho anh chiếc khăn tay rồi lên xe trở về quê hương. Chẳng một lợi hẹn ước nhưng tín vật trao tay đã giúp tôi cùng chồng tìm thấy nhau trong một phiên chợ hai năm sau và từ đó nên duyên vợ chồng” – bà Nga nhớ lại.

Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Bắc đã khép lại trong niềm vui, sự luyến tiếc của người dân và du khách. Dù ngày hội vẫn chưa thật sự trọn vẹn đối với người viết khi nạn cờ bạc, chặt chém du khách xuất hiện đâu đó trong những ngày diễn ra. Nhưng thôi. Xuân mà! Tan hội, những cái bắt tay thắm chặt tình đoàn kết, những nụ cười hay cả những tín vật của đôi nam nữ vội trao cho nhau như một cái kết đẹp hẹn một năm tới mọi người sẽ quay trở lại... 

Trần Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét