27 thg 3, 2018

Non nước Tuyên Quang

Núi Cọc Vài (Vài Phạ) sừng sững giữa lòng hồ. Ảnh: PV 

Mảnh đất Tuyên Quang không chỉ được biết đến bởi chiến khu Tân Trào mà còn có bao cảnh sắc tươi đẹp cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc. 

Chúng tôi lên hai huyện vùng cao Na Hang và Lâm Bình để được trải nghiệm bức tranh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng cuộc sống bịnh dị của cư dân. 

Hệ thống núi đá vôi trùng điệp bên hồ Na Hang. 

Xuất phát từ Hà Nội, sau hơn 250km mệt nhoài gió bụi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được huyện vùng cao Na Hang, Tuyên Quang. Na Hang hấp dẫn ngay từ giây phút chạm mặt đầu tiên. Đó là khung cảnh những dòng sông trong xanh và lòng hồ thủy điện mênh mông hiền hòa.

Hồ thủy điện Na Hang chỉ cách thị trấn vài km, đây chính là nơi hợp lưu của 2 dòng sông nổi tiếng vùng Đông Bắc: Sông Năng và sông Gâm. Lòng hồ rộng gần 8.000 ha nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung với nhiều thắng cảnh hùng vĩ được đất trời ban tặng. 

Dòng sông Năng đoạn chảy vào lòng hồ, xa xa là chiếc cầu Đà Vị. 

Hiện nay xung quanh vùng hồ có nhiều bến thuyền cho du khách thuê để đi thưởng ngoạn cảnh sắc. Đi thuyền trên lòng hồ Na Hang, du khách được chiêm ngắm bức tranh phong cảnh non nước hùng vĩ, hữu tình. Vùng lòng hồ mênh mông, nước quanh năm trong xanh được bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi nhấp nhô, trùng điệp. Các dãy núi đá vôi nhô lên khỏi mặt nước xanh biếc của lòng hồ có một sức lôi cuốn du khách đến kỳ lạ. 

Hồ Na Hang với những con thuyền đi đánh cá trong chiều hoàng hôn. 

Ấn tượng nhất trong hệ thống núi đá vôi trên lòng hồ Na Hang là núi Cọc Vài (Vài Phạ). Đây được xem là biểu tượng của du lịch sinh thái Na Hang nói riêng, Tuyên Quang nói chung. Vài Phạ theo tiếng Tày có nghĩa là cọc buộc trâu. Đó là ngọn núi độc đáo, sừng sững nhô lên khỏi mặt hồ với chiều cao hơn 30m. 

Bến thuyền trên hồ Na Hang, xa xa là núi Pác Tạ bị mây mù bao phủ. 

Cao nhất trong dãy núi nơi đây là đỉnh Pác Tạ. Nơi đây, mây mù bao phủ quanh năm. 

Sông Gâm hiền hòa đoạn chảy qua huyện Lâm Bình. 

Nếu thích mạo hiểm, du khách có thể đi thuyền khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung. Ở đây, ngoài những vạt rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ cao vút thì còn rất nhiều suối thác đẹp để mọi người chiêm ngưỡng. Thác Mơ (còn có tên Pác Ban) dịu dàng như một nàng công chúa chảy từ trên cao đổ xuống các vách núi thoai thoải tạo thành những tầng thác rất đẹp. 

Thác Mơ trong xanh, thanh bình. 

Thác Khuổi Nhi thì hùng vĩ với 9 tầng, ào ào đổ nước từ trên cao xuống như một dải lụa khổng lồ trắng giữa núi rừng xanh thẳm. Rồi thác Bản Lãm ở xã Khau Tinh, thác Khuổi Sung và dòng suối Nậm Vàng....

Khung cảnh làng quê bình dị nơi miền cao Lâm Bình. 

Nếu như Na Hang nổi tiếng với những ngọn núi trên lòng hồ thì Lâm Bình từ ngàn đời cũng có sự hiện diện của thắng cảnh những ngọn núi trên cạn gắn với truyền thuyết về chim phượng hoàng. 

Người dân cấy lúa bên căn nhà sàn của mình.

Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa, một vị vua sau khi dẹp giặc phương Bắc xong, đêm về nằm mơ được thần báo mộng phải tìm vùng đất có 100 ngọn núi để lập đô. Nhà vua cho người đi tìm khắp nơi và khi đến Thượng Lâm gặp tầng tầng, lớp lớp những ngọn núi trùng điệp. Sau đó, vua lập đàn báo cho thần linh, trời đất biết mình đã tìm được chỗ ưng ý. Tự nhiên lúc ấy, giông gió kéo đến ầm ầm, mưa suốt ba ngày, ba đêm. Lúc trời quang mây tạnh, dân làng thấy một đàn chim phượng hoàng bay rợp trời. 

Vùng Thượng Lâm với 99 ngọn núi nhấp nhô. 

Mỗi con đậu trên một đỉnh núi, nhưng chỉ có 99 con tìm được chỗ đậu, còn một con vẫn bay lơ lửng. Không tìm ra ngọn núi thứ 100, đàn chim lại bay đi, lặn vào trời xanh và Thượng Lâm không thành Kinh đô. Truyền thuyết ấy đã đi vào những câu hát của các người Tày, Dao...

Vào mùa xuân trong các lễ hội Lồng Tồng, Cấp Sắc… những cô gái Dao Đỏ, Tày, Cao Lan… lung linh sắc váy đẹp lộng lẫy y như đàn chim phượng hoàng. Thượng Lâm từ lâu được mệnh danh là miền gái đẹp của mảnh đất xứ Tuyên với câu ca truyền đời: “ Mận Hồng Thái, Gái Thượng Lâm”

Càng đi sâu vào các bản, xã của huyện Lâm Bình, chúng tôi càng bị mê đắm bởi vẻ đẹp bình dị của núi rừng miền sơn cước. Ở đây có những lòng thung lũng rộng, bằng phẳng để người dân canh tác lúa nước. Bên các khu ruộng là các nếp nhà sàn thấp mái phủ lá cọ, cùng đôi bụi tre, đàn gà, đàn lợn… tạo ra khung cảnh làng quê thân thương, quen thuộc cho mỗi người Việt.

Nguyễn Thị Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét