15 thg 3, 2018

Ăn nem lụi mệ Thương, thương nhớ đất kinh đô xưa

Miền đất kinh đô xưa bên dòng Hương Giang thơ mộng không chỉ được biết đến nhiều với cung điện, đền đài, lăng tẩm, miếu mạo… cổ kính, mà còn đi vào tâm trí bao người nhờ văn hóa ẩm thực đặc trưng.

Độ ngon dở tùy vào cách chế biến và ăn thua nhau ở chén nước lèo để chấm khi nem được quấn trong chiếc bánh tráng mỏng kèm rau thơm, ngò, khế chua, trái vả (chỉ phổ biến ở Huế), ớt, tỏi... Nem lụi mệ Thương gây thương nhớ bởi chén nước lèo rất đặc biệt. Ảnh: Đình Phú 

Khắp mỗi phố phường của Huế dường như không hề thiếu món ăn ngon. Cũng như những vùng miền khác, vị ngon của món ăn Huế, tôi nghĩ cũng đậm đà chất dân dã hương vị quê nhà. Nhưng văn hóa ẩm thực Huế có một nét rất khác biệt, là có sự phân chia khá rõ giữa ẩm thực của cung đình xưa kia và ẩm thực bình dân trong mỗi làng quê thuần hậu xứ Huế. 

Cái ngon đặc biệt của món ăn Huế có lẽ cũng do được chắt chiu cái ngon của nhiều vùng miền khác nhau, tinh túy dồn về đất thần kinh một thuở, rồi được nâng niu truyền giữ cho đến bây giờ. Và có lẽ cũng chính văn hóa ẩm thực cung đình tồn tại khá dài nên hầu hết các món ăn từ nguyên liệu, cung cách chế biến, bày biện lên mâm lên bát cho đến cách thưởng thức thường khá cầu kỳ, hoa mỹ, tinh tế. Thậm chí, tính huyền bí của ẩm thực Huế còn được các nghệ nhân chế biến theo thuật phong thủy.

Văn hóa ẩm thực cung đình hiện nay vẫn khá phổ biến trong hoạt động du lịch ở Huế. Đó là một nét độc đáo và dường như ẩm thực cung đình đã trở thành một dịch vụ đẳng cấp. Có khi thực khách phải bỏ ra đến vài triệu đồng mới có thể thưởng thức những món ăn mà vua chúa ngày xưa ngự ẩm. Vậy nhưng, trên phố phường xứ Huế cũng có một phong cách ẩm thực bình dân rất riêng với đa dạng món ăn, không hề kém vị ngon và sự tinh tế. Người Huế và không ít du khách bây giờ vẫn hay chọn những gánh bún bò bên vệ đường của các mệ già; những chiếc bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm được các o xách giỏ nhựa hoặc đựng trên chiếc rổ tre cặp nách rong ruổi đi bán mỗi chiều khắp hang cùng ngõ hẻm… Tôi thấy người ta hay bảo vị ngon ẩm thực của Huế có ở khắp nơi có lẽ một phần xuất phát từ những hình ảnh dân dã như thế. 

Nem lụi là món ăn dân dã của người Huế, cách chế biến khá đơn giản với nguyên liệu chính là thịt heo mà thôi. Thịt trước đây thường được giã nhuyễn trong cối đá, da heo thì băm nhỏ (nay xay bằng máy) pha trộn với gia vị tiêu, muối… rồi bo tròn trong que tre, có người bo tròn trên cây sả, rồi cầm nướng trên bếp than. Ảnh: Đình Phú 

Nem lụi làm xong thì nướng ăn liền, không để qua ngày cho thành nem chua như nem một số vùng miền khác. Món ngon mà đượm tình hương vị quê nhà, tôi nghĩ càng ngon đặc biệt hơn với người sành ăn. Ảnh: Đình Phú 

Xứ Huế có hàng trăm món ngon, ngon không chỉ với người bản địa mà còn ngon với cả du khách thập phương. Nem lụi mệ Thương từng gây thương nhớ nơi đất kinh đô xưa là một trong những món ngon như thế!

Mệ Thương năm nay 78 tuổi nhưng trông mệ rắn rỏi, khỏe khoắn. Mệ bảo nhờ suốt ngày loay hoay với nghề làm nem lụi, tay chân hoạt động liên hồi nên mới dẻo dai. Có lẽ mệ Thương nói đúng vì tính đến nay mệ đã có thâm niên 60 năm mưu sinh nhờ những cây nem lụi ngon nức tiếng mà chính mệ làm ra. Trước đây còn khỏe, mệ gánh nem lụi, bún thịt nướng đi bán dạo. Nay tuổi cao, mệ bỏ lên xe đẩy, thường xuyên chỉ bán nem lụi ở đầu đường Đào Duy Từ, P.Phú Hòa (TP.Huế).

Danh tiếng nem lụi của mệ Thương quen thuộc với người Huế. Lần đầu tiên, tôi đi tìm xe nem lụi của mệ. Khi đến chợ Đông Ba hỏi thăm, thì nhiều người đã chỉ rành rẽ đường về nhà mệ. Sau khi đã biết chỗ thì tôi thấy dễ hơn, chỉ cần chạy đến chợ Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo (bờ bắc sông Hương), rẻ vào đường Huỳnh Thúc Kháng chạy một đoạn thì gặp ngay đường Đào Duy Từ bên tay trái. Với khách lạ, khi đến các trục đường lân cận như Mai Thúc Loan, Phan Đăng Lưu, Chi Lăng… hỏi thăm cũng không ít người biết tường tận về xe nem lụi của mệ Thương.

Thật ra mệ có nhà mặt tiền ở 80 Đào Duy Từ nhưng do mái nhà hay bị dột nên mệ thường bỏ hàng lên xe đẩy ra đầu đường bán riết thành quen. Mệ bảo bán nem lụi có tiếng mấy mươi năm nhưng chỉ đủ ăn, và cũng không đủ tiền lợp lại mái nhà. Tôi nghĩ cũng đúng thôi. Xưa kia mỗi cây nem lụi vài đồng, qua thời gian tăng lên vài chục vài trăm, đến nay cũng chỉ 7.000 đồng mỗi cây bao ăn cả rau tươi các loại, bánh tránh, nước chấm… thì lấy đâu ra mà lãi nhiều. Có lẽ bao năm qua mệ Thương chỉ lấy công làm lời mà thôi. 

Nem lụi quấn bánh tráng xong, rút que tre là có thể chấm nước lèo để thưởng thức. Bánh tráng và các loại rau ăn kèm, đặc biệt là trái vả sẽ làm món ăn không bị ngậy, thực khách ăn được nhiều. Ảnh: Đình Phú 

Nem lụi mệ Thương gây thương nhớ bởi chén nước lèo rất đặc biệt. Mệ giã nhuyễn đậu phụng, pha khéo với đường, bột ngọt (mì chính), hạt mè… Vị nước lèo do mệ Thương chế biến đặc biệt ở chỗ là mệ còn lấy gan heo xay nhuyễn, vắt nước để pha vào. Nhờ đó vị nước lèo thơm, béo mà không ngậy, càng ăn càng thấy sảng khoái. Ảnh: Đình Phú 

Bây giờ có người sẽ thắc mắc nem lụi là gì? Thật ra đây là món ăn dân dã của người Huế, cách chế biến khá đơn giản với nguyên liệu chính là thịt heo mà thôi. Thịt trước đây thường được giã nhuyễn trong cối đá, da theo thì băm nhỏ (nay xay bằng máy) pha trộn với gia vị tiêu, muối… rồi bo tròn trong que tre, có người bo tròn trên cây sả, rồi cầm nướng trên bếp than. Cách thao tác khi nướng cứ đưa qua đưa về, thụt tới thụt lui cho chín đều nên dân gian gọi “lụi” là vì thế. Nem lụi làm xong thì nướng ăn liền, không để qua ngày cho thành nem chua như nem một số vùng miền khác. 

Thật ra ở đâu cũng làm được nem lụi, nhưng độ ngon dở tùy vào cách chế biến và ăn thua nhau ở chén nước lèo để chấm khi nem được quấn trong chiếc bánh tráng mỏng kèm rau thơm, ngò, khế chua, trái vả (chỉ phổ biến ở Huế), dưa leo... Nem lụi mệ Thương gây thương nhớ bởi chén nước lèo rất đặc biệt. Mệ giã nhuyễn đậu phụng, pha trộn với tỷ lệ hợp lý đường, bột ngọt (mì chính), hạt mè… Vị nước lèo của mệ Thương đặc biệt ở chỗ là mệ còn lấy gan heo xay nhuyễn, vắt nước để pha vào. Nhờ đó vị nước lèo thơm, béo mà không ngậy, càng ăn càng thấy sảng khoái. Riêng phần xác của gan heo sau khi xay thì bỏ, vì nếu pha vào sẽ khiến nước lèo mau ôi thiu nếu không kịp dùng hết. Cũng vì gắn bó mới nghề mấy chục năm nên nguyên liệu thịt mà mối ở chợ bỏ cho mệ Thương luôn tươi ngon. Với tài nghệ chế biến của mệ, những cây nem lụi vàng ươm, thơm lừng khi bày biện trên bàn thực khách. 

Dù nghề bán nem lụi không mang lại sự giàu có nhưng mệ Thương hay bảo “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Mệ kể thằng con trai của mệ cứ hay hỏi “sao mạ không giải nghệ đi cho rồi?”. Mệ thẳng thừng bảo: “Giải nghệ lấy chi ăn!”. Khách của mệ đâu phải chỉ đến nơi ăn rồi về, có những người mua cả vài trăm cây mang vô Sài Gòn, ra Hà Nội, mang đi Đà Nẵng, Nha Trang… Hôm rồi có một cô người gốc Huế ở Sài Gòn ra, tìm đến quán mệ để ăn nem lụi. Ăn xong cô ấy bảo “mấy đứa con của con ở Sài Gòn thèm ăn nem của mệ quá đi”, rồi đặt làm thêm 200 cây để mang vào Sài Gòn. 

Vả, khế chua, dưa leo, xà lách… ăn kèm với nem lụi luôn tươi ngon. Ảnh: Đình Phú 

Mệ Thương năm nay 78 tuổi nhưng trông mệ rắn rỏi, khỏe khoắn. Cả cuộc đời mệ mưu sinh cùng cây nem lụi. Bao tâm tình đời người gửi gắm vào món ăn nên mệ luôn tỉ mẩn tạo ra những cây nem lụi ngon lành, hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe thực khách. Ảnh: Đình Phú 

Mệ Thương luôn vui vẻ khi bán hàng. Ảnh: Đình Phú 

Mệ Thương luôn vui vẻ khi bán hàng, thậm chí bất kỳ ai đến học hỏi cách làm nem nướng, mệ cũng vui vẻ chỉ bày tận tình. Mệ không sợ lộ bí quyết chi cả, bởi theo mệ, “mình già thì nép một bên, để cho con trẻ đua lên kịp thì”.

Cả cuộc đời mệ Thương mưu sinh cùng cây nem lụi. Bao tâm tình đời người gửi gắm vào món ăn nên mệ luôn tỉ mẩn tạo ra những cây nem lụi ngon lành, hợp vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe thực khách. Món ngon mà đượm tình như thế, tôi nghĩ càng ngon đặc biệt hơn với người sành ăn. Nói nem lụi mệ Thương gây thương nhớ cũng chính vì thế!

Đình Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét